Cổ phiếu VP Bank và thương vụ gần 6.500 tỷ đồng: Cú giao dịch lịch sử

Ngày 27/3/2018, Trung tâm lưu ký chứng khoán thông báo về cuộc chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phiếu VPB (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng); tổng số cổ phiếu chuyển nhượng này lên tới gần 100 triệu (99.945.946) cổ phiếu, lớn nhất trong lịch sử giao dịch chuyển nhượng mã VPB từ khi chào sàn.

Theo thông tin của Trung tâm lưu ký chứng khoán, 2 pháp nhân chuyển nhượng là Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng và Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên. Đây là 2 cái tên khá xa lạ với thị trường và ngay chính các thông tin mà VPB công khai từ khi chào sàn đến nay.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng chuyển nhượng cho bà Đỗ Thị Mai 47,54 triệu cổ phần và bà Bùi Bích Hạnh 2,45 triệu cổ phần. Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên chuyển nhượng cho bà Trần Thị Hương 23,2 triệu cổ phần và bà Đặng Thị Thanh Tâm 26,74 triệu cổ phần. Chốt phiên giao dịch ngày 28/3, VPB có giá khoảng 64.900 đồng/cổ phiếu đồng nghĩa với tổng giá trị của thương vụ lên tới khoảng 6.486 tỷ đồng.

Sinh ra để “chết yểu”?

Có những loài sinh vật sinh ra để làm một nhiệm vụ nào đó, ngay sau khi hoàn thành nó sẽ “chết”. Hai doanh nghiệp có lượng giao dịch lớn liên quan đến cổ phiếu VP Bank có thể rơi vào trường hợp này. Ngay sau khi có cú giao dịch lịch sử, cả 2 doanh nghiệp này đã chủ động “chết”.

Thế nhưng 2 cái “chết” này lại đầy bất ngờ, bởi chu kỳ sống của cả 2 doanh nghiệp chưa đầy một năm. Bên cạnh đó, lý do “chết” càng bất ngờ hơn nữa, vì kinh doanh không hiệu quả?

Cổ phiếu VP Bank và thương vụ gần 6.500 tỷ đồng: Cú giao dịch lịch sử (ảnh minh họa).

Theo thông tin trên giấy đăng ký kinh doanh, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng được thành lập có địa tại phòng 2, tầng 8, tòa nhà Licogi 13 Tower, số 164 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Người đại diện pháp luật là bà Đỗ Thị Mai. Ngày thành lập là ngày 20/07/2017.

Còn Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên được thành lập tại phòng 1, tầng 8, tòa nhà Licogi 13 Tower, số 164 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Đại diện pháp luật là bà Đỗ Thị Hương. Ngày thành lập là ngày 21/07/2017.

Tồn tại nhiều bất thường?

Theo tìm hiểu, có khá nhiều điểm chung của 2 doanh nghiệp này trong quá trình thành lập. Cụ thể: Được thành lập cách nhau đúng một ngày, ngành nghề kinh doanh chính có mã 6619 - Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu. Chi tiết: Hoạt động tư vấn đầu tư; cả 2 doanh nghiệp đều có chung một địa chỉ tại tầng 8, tòa nhà Licogi 13 Tower, số 164 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Theo ghi nhận của PV, tại địa chỉ tầng 8, tòa nhà Licogi 13 Tower, số 164 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội không hề có 2 doanh nghiệp này tồn tại. Về nguyên tắc đặt số phòng tại tầng 8 này cũng không có số phòng theo thứ tự số 1 và số 2!?

Bên cạnh đó, tại địa chỉ này cũng còn 2 tòa đơn nguyên khác. Tuy nhiên, cả 2 tòa đơn nguyên này đều là nhà chung cư để ở. Căn cứ theo khoản 11, Điều 6, Luật Nhà ở năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, Luật đã cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Quy định này được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 7, Điều 80 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở về xử lý chuyển tiếp đối với việc phát triển và quản lý nhà ở.

Như vậy, có thể thấy khá nhiều thông tin bất thường của 2 doanh nghiệp này trong quá trình thành lập cũng như hoạt động. Vậy hoạt động cụ thể của 2 doanh nghiệp này từ khi sinh ra rồi “chết đi” như thế nào? Nhiệm vụ nào được 2 doanh nghiệp này thực hiện trong “chu kỳ” sống của mình? Nghĩa vụ với xã hội 2 doanh nghiệp đã hoàn thiện như thế nào?

Chúng tôi sẽ chuyển tới bạn đọc ở những bài viết tiếp theo.

PV - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/co-phieu-vp-bank-va-thuong-vu-gan-6-500-ty-dong-cu-giao-dich-lich-su-47449-6.html