Cổ phiếu toàn cầu 'nhuốm máu' khi TQ trả đũa Mỹ, phá giá đồng tệ

Thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang ngày 5/8 với việc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ, điều mà Tổng thống Trump thường chỉ trích gay gắt. Cổ phiếu toàn cầu giảm mạnh.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung “sang giai đoạn nguy hiểm” ngày 5/8 khi Bắc Kinh phá giá đồng tệ, ngưng mua nông sản Mỹ trong khi Bộ Tài chính Mỹ chính thức xếp Trung Quốc vào nhóm "thao túng tiền tệ".

Thị trường toàn cầu chao đảo, khiến giới đầu tư lo lắng tìm các khoản đầu tư an toàn để giữ cho tài sản khỏi mất giá trị. Phố Wall trải qua ngày giảm điểm tệ nhất trong năm, với chỉ số S&P giảm gần 3%.

Chỉ số FTSE 100 ở London kết thúc ngày giao dịch giảm 2,47%, theo sau là CAC 40 của Pháp giảm 2,19%.

Ở Mỹ, kết thúc ngày giao dịch, giảm sâu nhất là chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tụt 3,47%, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới 2,9% trong khi S&P 500 giảm 2,98%.

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều giảm xấp xỉ ở mức 3%. Ảnh: WSJ.

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều giảm xấp xỉ ở mức 3%. Ảnh: WSJ.

Bước leo thang mới trong thương chiến

Đây cũng là ngày giảm điểm tệ nhất của thị trường Mỹ trong năm nay, sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bị đẩy lên đỉnh điểm.

Cổ phiếu bị bán tháo nhiều nhất ở các ngành công nghệ, các ngành sản xuất công nghiệp và hàng tiêu dùng - được dự đoán sẽ chịu tác động của thương chiến.

Giá trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên, vì nhà đầu tư ngày càng tìm đến chứng khoán được cho là an toàn nhất này, có sự bảo đảm của chính phủ Mỹ. Các chỉ số ở châu Á và châu Âu đều tụt dốc.

Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để giá đồng nhân dân tệ giảm xuống quá mức 7 đồng tệ đổi 1 USD, lần đầu tiên trong một thập kỷ. Đồng tệ giảm khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn đối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp nước này khỏi thiệt hại từ đợt thuế mới của Tổng thống Trump có hiệu lực ngày 1/9.

Nhưng động thái này sẽ gây thiệt hại với các nhà xuất khẩu ở Mỹ muốn cạnh tranh với Trung Quốc. Trong tuyên bố, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đổ lỗi cho ông Trump về “các biện pháp bảo hộ thương mại đơn phương và lệnh tăng thuế đối với Trung Quốc”.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã gọi lệnh tăng thuế của ông Trump là “vi phạm nghiêm trọng” thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước đạt được vào tháng 6.

Động thái xếp Trung Quốc vào diện thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ có phần mang tính biểu tượng, buộc chính quyền phải tham vấn với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm loại bỏ các lợi thế thương mại mà nước thao túng giành được.

Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không coi đây là bước đi mang tính biểu tượng, mà là sự trả đũa và leo thang căng thẳng của Washington.

Câu hỏi bây giờ là Bắc Kinh có tiếp tục để đồng tệ giảm giá hay không, và ông Trump sẽ phản ứng tiếp như thế nào. Cho đến nay, hai bên vẫn luôn “ăn miếng trả miềng” trong cuộc chiến này, New York Times bình luận.

Trung Quốc phá giá đồng tệ xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm. Ảnh: Reuters.

“Giảm 3% trong một ngày là rất nghiêm trọng, và bạn đang thấy biến động đáng kể trên tất cả thị trường các nước”, Rich Weiss, giám đốc phụ trách đầu tư của quỹ American Century Investments, nói với Washington Post.

MSCI Asia Pacific, một trong những chỉ số phản ánh rộng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm 5 nước phát triển và 9 nước đang phát triển, tụt 2,1% - mức giảm sâu nhất trong 9 tháng. Cổ phiếu Singapore giảm 2% do thông tin về đồng Nhân dân tệ giảm giá và thương chiến leo thang, theo Bloomberg.

Nhân dân tệ thấp nhất trong 11 năm

Động thái phá giá đồng tiền của Bắc Kinh, khiến đồng tệ xuống thấp nhất trong 11 năm, sẽ làm Tổng thống Trump tức giận vì ông luôn coi đó là chiến thuật cạnh tranh không công bằng của Trung Quốc, gây thiệt hại cho Mỹ, theo Washington Post.

Đồng tệ hạ giá sẽ khiến hàng Trung Quốc rẻ hơn đối với người mua ở Mỹ, giảm ảnh hưởng của những biện pháp trừng phạt thuế mới từ Washington.

Cổ phiếu Hong Kong giảm điểm mạnh nhất ở châu Á giữa lúc cuộc biểu tình lớn gây gián đoạn diện rộng tại thành phố vốn là trung tâm tài chính của khu vực.

Ngày 5/8, ba ngày sau khi Tổng thống Trump áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 2,9% - mức giảm mạnh nhất trong ba tháng.

Một chỉ số khác, MSCI Hong Kong, khép lại ngày giao dịch giảm 3,2%, ngày đi xuống thứ 9 liên tiếp và cũng là chuỗi ngày lao dốc dài nhất kể từ năm 1997.

Chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải giảm 1,62%. Chỉ số Nikkei 225 ở Nhật giảm 1,74%, còn chỉ số Topix (cũng của Nhật, nhưng bao quát hơn) giảm 1,8%.

Cùng ngày, Bắc Kinh cũng trả đũa Mỹ bằng cách dừng nhập khẩu nông sản Mỹ, theo Bloomberg.

Sau một ngày cổ phiếu châu Á tràn ngập sắc đỏ (giảm điểm), sự chú ý của phố Wall sẽ đổ dồn xem Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng thế nào với động thái điều chỉnh đồng tệ của Bắc Kinh.

Một nhân viên buôn bán chứng khoán ở Seoul ngày 5/8. Các thị trường châu Á giảm điểm ngày thứ ba liên tiếp sau khi Trung Quốc để giá đồng tệ hạ xuống mức thấp nhất trong 11 năm. Ảnh: AP.

“Nếu cổ phiếu ở Mỹ giảm quá mạnh, nếu số liệu kinh tế cho thấy sự yếu thế, có thể hai bên đến lúc nào đó sẽ quay lại bàn đàm phán”, Jonathan Cavenagh, phụ trách chiến lược ngoại hối ở thị trường mới nổi châu Á tại ngân hàng JPMorgan Chase nói với Bloomberg.

“Nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ sớm xảy ra”.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-phieu-toan-cau-nhuom-mau-vi-tq-tra-dua-my-pha-gia-dong-te-post975037.html