Cổ phiếu TLD được kéo tăng mạnh trước ngày nộp tiền phát hành tăng vốn

Ngày 25/8 là hạn cuối nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm, giá 10.000 đồng/cổ phiếu và chỉ hơn 3 tháng, cổ phiếu TLD đã được kéo từ vùng 4.500 đồng lên 14.500 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu tăng phi mã

Mặc dù cuối giai đoạn cuối tháng 4, cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long (mã chứng khoán: TLD - sàn HOSE) chỉ giao dịch vùng 4.500 đồng/cổ phiếu, thì tới ngày 18/8 đã là 14.500 đồng/cổ phiếu, tăng tới hơn 222%.

Riêng chỉ từ đầu tháng 8 tới nay, cổ phiếu này có mức tăng hơn 59% với chỉ 1 phiên điều chỉnh nhẹ duy nhất ngày 6/8 và phiên đứng giá ngày 7/8.

Biểu đồ giá cổ phiếu TLD tăng phi mã

Biểu đồ giá cổ phiếu TLD tăng phi mã

Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm những vẫn còn đó những dấu hỏi

Trong 6 tháng đầu năm 2020, TLD báo doanh thu là 212,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 35,2% và 96,3% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Được biết, năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu là 370 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 23,5 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 9,53% và 73,4% so với thực hiện năm 2019.

Như vậy, dù tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, nhưng sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn mới thành được 34% kế hoạch lợi nhuận năm.

Bảng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm TLD (đơn vị: triệu đồng)

Một điểm đáng chú ý nữa, mặc dù lợi nhuận tăng, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính lại ghi nhận âm tới gần 43,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính tới 30/06/2020, doanh nghiệp có tổng tài sản là 448,3 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn là 129,2 tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng tài sản; tồn kho là 123,3 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng tài sản; tài sản cố định là 80 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn là 77,5 tỷ đồng, chiếm 17,3% tổng tài sản.

Bảng tốc độ tăng nhanh của khoản phải thu theo thời gian

Doanh nghiệp có thuyết minh khoản phải thu khách hàng là 70,8 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp như Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu gỗ Hà Nội gần 13 tỷ đồng; Công ty cổ phần Kinh doanh và Sản xuất ván ép Trống Đồng là 7,9 tỷ đồng; Công ty TNHH Tiến Toàn Việt Nam là 6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Miền Bắc là 5,1 tỷ đồng; Công ty TNHH Thuận Hà là 5 tỷ đồng và các phải phải thu khách hàng khác là 33,8 tỷ đồng. Trong đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, lần đầu tiên xuất hiện khoản phải thu Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu gỗ Hà Nội gần 13 tỷ đồng.

Ngoài ra, trả trước cho người bán có dấu hiệu tăng 150% lên 41,1 tỷ đồng. Các khoản trả trước lớn như Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Chế biến lâm sản An Khang 15 tỷ đồng, Công ty cổ phần Kinh doanh và Sản xuất ván ép là 14 tỷ đồng… Ngoài ra, phải thu ngắn hạn khác cũng tăng 106% lên 17,3 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù doanh thu và lợi nhuận tăng, nhưng có dấu hiệu đi kèm tốc độ tăng mạnh của các khoản phải thu. Chính vì khoản phải thu tăng nhanh như vậy, nên dòng tiền hoạt động kinh doanh âm.

Tính tới 30/6/2020, doanh nghiệp sở hữu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là 15,9 tỷ đồng, giảm 64,2% so với đầu kỳ và chỉ chiếm 3,5% tổng tài sản.

Kế hoạch tăng vốn

Ngày 22/6/2020, TLD đã chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành quyền mua theo tỷ lệ 2:1 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm là gần 9,36 triệu cổ phiếu. Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ 30/6 đến 20/8 và thời gian đặt mua và nộp tiền từ 30/6 đến ngày 25/8 .

Ngoài ra, theo giấy chứng nhận đăng ký đăng ký chào bán ra công chúng vừa được Ủy ban Chứng khoán cấp, ngoài gần 9,36 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu, TLD còn được phát hành 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ cũng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Doanh nghiệp dự kiến dùng vốn phát hành cho việc xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị cho nhà máy ván ép công nghiệp tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đồng thời, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tại nhà máy này và hoạt động của Công ty.

Được biết, tính tới 30/3/2020, cổ đông lớn của doanh nghiệp là ông Nguyễn An Ngọc, Chủ tịch HĐQT sở hữu 21,25%, ông Nguyễn An Quân, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc sở hữu 7,9% vốn điều lệ, còn lại là các nhà đầu tư khác. Như vậy, tỷ lệ cổ phiếu bên ngoài tương đối cao.

Nếu huy động thành công, doanh nghiệp sẽ huy động được gần 194 tỷ đồng, trong đó gần 94 tỷ đồng là huy động từ cổ đông hiện hữu.

Dấu hỏi hậu tăng vốn

Có thể thấy đợt tăng giá gần như dựng đứng này của cổ phiếu TLD trung với thời điểm doanh nghiệp tăng vốn. Việc giá cổ phiếu tăng mạnh từ dưới mệnh giá vượt tăng lên trên 10.000 đồng đã tạo nên sự hấp dẫn về chênh lệch giữa giá thị trường và giá phát hành. Từ đó, có thể thôi thúc nhà đầu tư tham gia nộp tiền tăng vốn, giúp đợt phát hành thành công.

Việc cổ phiếu tăng mạnh trước thời điểm nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm đã từng diễn ở nhiều cổ phiếu, tuy nhiên sau đó, cổ phiếu thiếu câu chuyện hỗ trợ thường điều chỉnh.

Đặc biệt, với những doanh nghiệp trước thời điểm tăng vốn, thị giá cổ phiếu cách khá xa giá phát hành, nhưng trước khi chốt thời hạn nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm, giá tăng vọt qua giá phát hành. Điều này sẽ đẩy rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia nộp tiền.

Riêng với TLD, như phân tích ở phần trên, nhà đầu tư cũng cần lưu tâm tới chất lượng tài sản của doanh nghiệp. Ngoài ra, TLD có ngành nghề chính là sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ xây dựng, trang trí nội ngoại thất, xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp làng nghề.

Tuy nhiên, thời điểm tăng vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, lĩnh thị trường bất động sản, xây dựng đứng trước nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp như TLD.

Vũ Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-tld-duoc-keo-tang-manh-truoc-ngay-nop-tien-phat-hanh-tang-von-post248235.html