Cổ phiếu Thế Giới Di Động giảm sâu trước thông tin rò rỉ dữ liệu khách hàng

Chỉ sau 1 ngày đối mặt với vụ rò rỉ thông tin khách hàng, giá cổ phiếu của Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) đã giảm khá mạnh trong phiên hôm nay, dù thị trường chung trong sắc xanh tràn ngập. Kết quả kinh doanh tích cực 9 tháng vừa qua cũng không đủ giúp nhà đầu tư ổn định tâm lý, khi doanh số bán hàng thời gian tới có thể bị ảnh hưởng từ vụ rò rỉ này.

Nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu MWG

Chiều ngày hôm qua, (07/11), thông tin cho rằng hệ thống website của Thế Giới Di Động bị hack, để lộ thông tin số thẻ thanh toán của các khách hàng đã được lan truyền rộng. Tiếp đến tối cùng ngày, hacker lại tiếp tục tung lên trang mạng hacker RaidForums các thông tin liên quan đến khách hàng được cho là đã thực hiện giao dịch mua bán với nhà bán lẻ Thế Giới Di Động, trong đó thêm 32 dòng có đầy đủ 16 chữ số được cho là số thẻ ngân hàng đầy đủ, khiến không ít khách hàng của công ty này thật sự lo ngại.

Trong cùng thời điểm, hệ thống Thế Giới Di Động cũng phát đi thông báo khẳng định rằng hệ thống của họ không bị hack và việc bị lộ thông tin khách hàng là không thể.

Dù vậy, ngay trong phiên giao dịch hôm nay (08/11), giá cổ phiếu của MWG vẫn đối diện với áp lực giảm sâu. Ngay phiên mở cửa đầu ngày, cổ phiếu MWG đã giảm nhanh 1.000 đồng/cp so với giá tham chiếu, xuống 111.000 đồng/ cp. Thậm chí trong phiên có lúc cổ phiếu này rớt về mức thấp nhất trong ngày tại 108.300 đồng/ cp, giảm 3.700 đồng/cp, tương đương hơn 3,3%.

Kết thúc phiên, cổ phiếu MWG đóng cửa tại 110.000 đồng/ cp, giảm 1,8%. Tuy nhiên, khả năng cổ phiếu MWG có thể tiếp tục chịu áp lực trong những phiên tới, nếu có thêm những tình tiết về vụ rò rỉ thông tin gây bất lợi lên hoạt động của doanh nghiệp. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, giá cổ phiếu MWG đã giảm khá nhanh hơn 14% và với những "tai tiếng" mới này càng khiến cổ phiếu MWG khó có đường hồi phục.

Diễn biến giá tiêu cực của MWG trong 1 tháng qua

Kết quả kinh doanh đối mặt nguy cơ chậm lại

Về kết quả kinh doanh quý 3 vừa qua, MWG công bố lãi ròng 9 tháng là gần 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 34% so cùng kỳ năm 2017 và cũng đạt 84% kế hoạch năm đề ra. Trong đó, nhóm sản phẩm điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, phụ kiện đóng góp 54% doanh thu thuần của MWG, tiếp theo là nhóm sản phẩm điện tử, điện lạnh và gia dụng với 40%. Nhóm thực phẩm và hàng tiêu dùng đóng góp 4%, còn lại 2% thuộc về các dịch vụ khác.

Đáng lưu ý là số giao dịch online thành công trong quý 3/2018 tăng 40% so với mức trung bình quý 1 và quý 2, đóng góp lớn bởi việc triển khai hiệu quả các chương trình đặt hàng sớm (pre-order) và thúc đẩy bán hàng (promotion) cho các sản phẩm mới ra mắt của Samsung và Oppo. Kết quả, doanh thu online tăng mạnh và chiếm khoảng 16% doanh thu thuần của MWG trong quý 3, so với mức 12% trong quý 1 và 13% trong quý 2.

Theo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam, trang thegioididong.com trong quý 3/2018 đã vươn lên là trang thương mại điện tử có lượt truy cập số 1 tại Việt Nam đối với hình thức B2C (bán sản phẩm từ doanh nghiệp trực tiếp cho khách hàng, không bao gồm hình thức sàn/chợ giao dịch). Nếu tính tổng số lượt truy cập các trang online thuộc sở hữu của MWG thì công ty đang dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử nói chung.

Tuy nhiên, nếu vụ rò rỉ thông tin không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý khách hàng và khiến họ e ngại khi thực hiện các giao dịch mua bán với Thế giới di động, đặc biệt là các giao dịch online vốn nhiều cạm bẫy và rủi ro. Hệ quả là doanh số bán hàng của MWG không loại trừ sẽ bị ảnh hưởng trong giai đoạn tới.

Dòng tiền dịch chuyển nhanh

Trước tình hình này, việc các nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu MWG trong phiên hôm nay cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bất chấp việc công ty hôm 06/11 vừa công bố phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 3:1, tức mỗi cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách cổ đông để phát hành sẽ nhận được 1 cổ phiếu phát hành thêm. Ngoài ra, trong cùng ngày MWG cũng thông báo thông tin mua lại 32.740 cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ.

Đáng chú ý là gần đây, các quỹ ngoại liên tiếp sang tay cổ phiếu MWG. Cụ thể hôm 17/10, quỹ ngoại The Ton Poh Fund đã chuyển nhượng thành công 1,49 triệu cp MWG cho 3 tổ chức là AL Mehwar Commercial Invesments L.L.C, KT Zmico Securities Company Limited và VietNam Holding Limited. Đồng thời, Aberdeen Frontier Markets Investment cũng đã chuyển nhượng thành công 67.000 cp MWG cho Alstonia Costata SDN. BHD.

Đây là lần thứ 2 trong tháng The Ton Poh Fund sang tay cổ phiếu MWG. Hồi 04/10, quỹ ngoại này đã chuyển nhượng tổng cộng hơn 1 triệu cp MWG cho Florida Retirement System (129,000cp), Oaks Emerging Umbrella Fund Public Limited Company (313,260 cp), Hanoi Investments Holdings Limited (217,740 cp) và Lumen Vietnam Fund (350,000 cp).

Gần đây nhất vào ngày 02/11, Prusik Asian Smaller Companies Fund Public Limited Company đã chuyển nhượng 228.040 cp cho 2 tổ chức khác là Oaks Emerging Umbrella Fund Public Limited Company và Truck Capital Master Fund, LTD.

MẪN NHI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/co-phieu-the-gioi-di-dong-giam-sau-truoc-thong-tin-ro-ri-du-lieu-khach-hang-17416.html