Cổ phiếu nhiệt điện gặp bất lợi vì La Nina

Trong vài tuần qua, hiện tượng thời tiết La Nina kéo theo mưa lớn trên khắp cả nước đã làm đầy các hồ chứa, kết thúc đợt khô hạn kéo dài từ cuối năm 2019. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp thủy điện gia tăng sản lượng, trong khi các doanh nghiệt nhiệt điện bước vào chu kỳ giảm.

Chu kỳ giảm sản lượng

Theo dự báo của CTCK Rồng Việt (VDSC), hiện tượng thời tiết La Nina báo hiệu khả năng các nhà máy nhiệt điện sẽ kết thúc giai đoạn vận hành công suất cao. Trong chu kỳ thủy văn gần nhất, sản lượng điện trong các năm La Nina thấp hơn 5-15% so với các năm El Nino (hiện tượng thời tiết khô hạn) trước đó.

Trong khi đó, giai đoạn 2019-2020 ghi nhận mức cao kỷ lục đối với các nhà máy nhiệt điện than về công suất vận hành. Ước tính sản lượng trung bình của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) trong giai đoạn 2019 và 2020 sẽ lần lượt cao hơn 22% và 24% so với mức trung bình của năm 2017-2018.

Tuy nhiên, với việc La Nina quay trở lại trong vài tuần trở lại đây khiến cho dư địa tăng trưởng sản lượng cho năm 2021 của các doanh nghiệp nhiệt điện là rất ít.

Về sản lượng, mỗi doanh nghiệp sẽ có một câu chuyện riêng. Đối với CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), việc đại tu trong quý III sẽ tận dụng được mùa mưa để sẵn sàng cho một năm 2021 vững vàng. Là một mắt xích quan trọng của lưới điện miền Nam, NT2 được huy động sản lượng khá ổn định qua các năm và không phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.

Ngược lại, PPC đã quyết định hoãn bảo trì 1 trong 6 tổ máy của họ cho đến năm 2021. Theo đó, PPC có thể chỉ đạt tăng trưởng sản lượng khoảng 10% trong năm 2020, còn sản lượng năm 2021 sẽ đi ngang.

Đối với HND, do đã chạy với công suất rất cao (sản lượng thương mại khoảng 7,5 tỷ kWh), sản lượng năm 2021 dự kiến sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tuy sản lượng 2021 sẽ thấp hơn so với 2020, HND vẫn sẽ có tăng trưởng so với năm La Nina gần nhất (năm 2018).

CP dài hạn

Mặc dù điều kiện thời tiết không ủng hộ các nhà máy nhiệt điện, nhưng vẫn sẽ có những câu chuyện tăng trưởng tiềm năng. Đơn cử như PPC, một trong những mã CP nhiệt điện có tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt hàng năm hấp dẫn. Theo VDSC, PPC có đủ nguồn lực để duy trì trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 2.000 đồng/CP.

NT2 được xem là phiên bản thứ 2 của PPC. Doanh nghiệp này đang dần thanh toán hết nợ và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ không còn nợ vay. Dòng tiền hoạt động của NT2 đến từ hiệu quả hoạt động ấn tượng và chính sách khấu hao ổn định. Vì vậy, dự báo dòng tiền thuần trên mỗi CP (FCFF) sẽ đạt khoảng 4.500 đồng kể từ năm 2022. Với năng lực này, tỷ suất cổ tức tiền mặt sẽ tương đối hấp dẫn cho các NĐT nắm giữ NT2 trong dài hạn.

Tương tự 2 mã CP trên, HND đã lên kế hoạch trả hết nợ vào năm 2025. Mặc dù lịch trả nợ còn dài, HND đã sớm thể hiện sự vượt trội trong hoạt động sản xuất, biên lợi nhuận và dòng tiền. HND hiện đang khấu hao nhanh tài sản để trả nợ và giảm rủi ro do biến động tỷ giá, nhưng doanh nghiệp vẫn ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục và đã bắt đầu trả cổ tức tiền mặt.

Hải Hồ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/co-phieu-nhiet-dien-gap-bat-loi-vi-la-nina-83275.html