Cổ phiếu ngành dược nổi sóng

Nhiều cổ phiếu ngành y tế, dược phẩm đồng loạt tăng trần trong phiên cuối tuần qua, kéo dài chuỗi tăng giá hơn nửa tháng qua.

Ngành dược - một trong các nhóm cổ phiếu phòng thủ trên thị trường chứng khoán - đang bất ngờ thu hút được dòng vốn lớn và qua đó tạo nên đợt tăng giá mạnh trong năm, bất chấp thị trường chung đang bị điều chỉnh.

Trong phiên cuối tuần vừa qua, sắc tím xuất hiện ở hàng loạt cổ phiếu nhóm y tế, dược phẩm từ quy mô nhỏ đến các doanh nghiệp đầu ngành, một số mã chứng khoán khác cũng có mức tăng khoảng 5-12%...

Đây là phiên tiếp diễn cho đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu phòng thủ này. Trước đó hàng loạt mã chứng khoán đã ghi nhận chuỗi tăng giá ấn tượng, thậm chí tăng trần nhiều phiên liên tục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nhiều mã chứng khoán ngành này đã tăng 30-160% chỉ trong một tháng qua, tỏ ra vượt trội so với mức tăng nhẹ 2,84% của VN-Index.

Có cổ phiếu tăng trần 14 phiên

Cá biệt nhất là VMD của Y Dược phẩm Vimedimex liên tục tăng sốc sau thông tin Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ công ty nhập khẩu các loại vaccine Covid-19 về Việt Nam.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết công ty Royal Strategics Partners (UAE) đã đồng ý bán và ký hợp đồng nhập khẩu với Y Dược phẩm Vimedimex 10 triệu liều vaccine Covid-19 Janssen (Johnson & Johnson's Janssen); 5 triệu liều vaccine Pfizer và 10 triệu liều vaccine Covid-19 Sputnik V.

Thị giá VMD đã tăng giá trong 15 phiên liên tiếp gần nhất lên 67.400 đồng/cổ phiếu (trong đó có đến 14 phiên tăng trần), tương đương với mức tăng giá hơn 170%. Đây cũng là vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu ngành dược này, giá trị vốn hóa theo đó lần đầu vượt 1.000 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu dược tăng trần cuối tuần qua. Bảng giá: SSI.

Hàng loạt cổ phiếu dược tăng trần cuối tuần qua. Bảng giá: SSI.

Một cái tên cũng được nhắc nhiều gần đây là công ty SPM (trước đây là Saigon Pharma) cũng ghi nhận chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp (trong đó có 7 phiên tăng trần) lên 24.700 đồng/cổ phiếu, tức tăng 79% chỉ sau nửa tháng.

Hay như cổ phiếu TRA của Traphaco cũng bất ngờ tăng trần trong 2 phiên gần nhất lên mức cao nhất 4 năm tại 91.800 đồng/cổ phiếu. Kỳ vọng mở rộng danh mục sản phẩm và thông tin đối tác chiến lược Daewoong hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2 thuốc điều trị Covid-19 là chất xúc tác cho cổ phiếu này.

Trước đó vào đầu tháng 6, một số cổ phiếu ngành dược từng có sóng tăng ngắn sau khi Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu và bảo quản vaccine Covid-19, nhưng con sóng không duy trì lâu và trên diện rộng như đợt tăng giá hiện tại.

Việc xuất hiện trong danh sách được phép nhập khẩu vaccine Covid-19 giúp nhiều cổ phiếu bật tăng trần lúc đó như: Dược phẩm Bến Tre (DBT), Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1), Dược Thiết bị Y tế Đà Nẵng (DDN) hay Xuất nhập khẩu Y tế TP HCM (YTC)... đồng thời thu hút dòng tiền để cải thiện thanh khoản.

Còn nhiều dư địa phát triển

Không chỉ được hỗ trợ bởi các yếu tố liên quan đến vaccine hay thuốc điều trị Covid-19, các doanh nghiệp ngành dược và các cửa hàng bán lẻ dược phẩm đang hưởng lợi từ nhu cầu lớn về các sản phẩm phục hồi sau tiêm vaccine.

Với hàng triệu liều vaccine đã được tiêm và số lượng lớn khác đang về thì sức mua các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, nước điện giải… có thể tăng đáng kể. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về đơn thuốc điều trị tại nhà cho F0 với các sản phẩm quan trọng như Paracetamol, Molnupiravir, Dexamethasone, Methylprednisolone, các loại vitamin…

Cổ phiếu ngành dược đang tạo nên đợt tăng giá mạnh trong nửa tháng qua. Đồ thị: TradingView.

Theo tính toán từ Chứng khoán Phú Hưng (PHS), chi tiêu thuốc bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng 52% trong năm ngoái, lên khoảng 50 USD/người. Chi tiêu dược phẩm Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai khi so sánh chi tiêu tại Trung Quốc vào khoảng 130 USD/người.

Hiện nay thị trường dược phẩm của Việt Nam có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD với khoảng 22.000 loại thuốc. Theo dự báo của Fitch Solution, tăng trưởng ngành dược Việt Nam năm 2021 có thể đạt 8.7%.

Tuy nhiên ngành dược cũng đối mặt với không ít thách thức, lượng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 47% nhu cầu. Số liệu từ tổng Cục Hải Quan ghi nhận Việt Nam nhập khẩu hơn 3,3 tỷ USD dược phẩm trong năm 2020 (tăng trưởng 7,4%).

Trên thực tế, phần lớn nguyên liệu của ngành phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong khi đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến giá thành tăng cao, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh.

“Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm tỷ trọng 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu. Việc gián đoạn do phong tỏa có thể khiến giá trung bình các loại nguyên liệu đều tăng”, báo cáo PHS viết.

Diễn biến phức tạp của dịch còn ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện, tác động đến doanh thu kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ).

Ngược lại điều này lại góp phần làm cho kênh OTC (bán thuốc không cần kê đơn, chủ yếu ở các tiệm thuốc tư nhân) phát triển. Giá thuốc kênh OTC cũng không bị ràng buộc về luật đấu thầu sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.

Nhóm chuyên gia trên đánh giá triển vọng ngành dược phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh. Trong đó kênh ETC vẫn sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành dược nhờ xu hướng thay thế thuốc ngoại bằng thuốc sản xuất trong nước đang ngày càng nhanh. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân lớn và sự phát triển mạnh mẽ của khối bệnh viện tư nhân cũng góp phần gia tăng chi tiêu thuốc trong kênh bệnh viện.

Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành dược còn được thúc đẩy bởi xu hướng M&A mạnh mẽ và kế hoạch thoái vốn trong ngành. Việc mở nền kinh tế đang giúp doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng đầu tư vào công ty dược trong nước và hàng loạt thương vụ thâu tóm đã diễn ra tại Dược Hậu Giang, Traphaco, Imexpharm...

Việc đầu tư vào doanh nghiệp nội địa để sản xuất trực tiếp tại thị trường Việt Nam cũng giúp các thương hiệu nước ngoài có ưu thế hơn so với tự phát triển.

Gần đây xuất hiện thương vụ Stada Service Holding nhận chuyển nhượng cổ phần Pymepharco (PME) để nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên hơn 88%, hay ASKA Pharmaceutical (Nhật Bản) mua thêm cổ phần Dược phẩm Hà Tây (DHT) để nắm giữ gần 24,9% vốn.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-phieu-nganh-duoc-noi-song-post1256800.html