Cổ phiếu MSH sẽ tiếp tục phục hồi?

Giá cổ phiếu MSH của Công ty Cổ phần May Sông Hồng (HoSE: MSH) đang có xu hướng phục hồi nhẹ sau khi giảm mạnh từ đầu tháng 8.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, giá cổ phiếu MSH tăng 0,91% lên mức 55.500 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, giá cổ phiếu MSH tăng 0,91% lên mức 55.500 đồng/cp.

Động lực tăng trưởng

MSH vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019. Theo đó, MSH đạt doanh thu gần 2.165 tỷ VND, tăng 24% và lợi nhuận sau thuế hơn 219 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ doanh thu và lợi nhuận của MSH tăng mạnh do tỷ lệ đơn hàng FOB tăng 24% và doanh nghiệp này cải thiện đơn giá bình quân nhờ thực hiện nhiều đơn hàng có độ khó cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Động lực tăng trưởng của MSH còn khá lớn trong thời gian tới. Thứ nhất, dưới sức ép của chiến tranh thương mại, đồng Nhân dân tệ (CNY) đã và đang có xu hướng mất giá mạnh so với USD và cả VND, giúp các doanh nghiệp dệt may nói chung và MSH nói riêng nhập được các nguyên phụ liệu dệt may rẻ hơn. Do nguyên liệu chiếm khoảng 60- 70% giá vốn hàng bán, nên biên lợi nhuận gộp của MSH sẽ tăng mạnh.

Thứ hai, việc Mỹ áp thuế cao với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ giúp MSH nói riêng và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung có thêm được thị phần của các doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ giá bán cạnh tranh hơn, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Thứ ba, trong nhiều năm qua, các sản phẩm dệt may Việt Nam chiếm thị phần khá nhỏ tại thị trường châu Âu do một số quốc gia như Bangladesh, Campuchia, … có lợi thế về thuế xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, với Hiệp định EVFTA, phần lớn dòng thuế với hàng may mặc Việt Nam sẽ giảm theo lộ trình về 0% trong 3- 5 năm và 100% dòng thuế về 0% sau 7 năm. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của MSH vào thị trường này.

Thứ tư, MSH định hướng tăng tỷ trọng các đơn hàng FOB rất phù hợp với bối cảnh hiện nay, giúp tăng biên lợi nhuận của doanh nghiệp này. Ngoài ra, nhà máy Sông Hồng 10 dự kiến hoạt động vào quý 3/2020, nâng công suất toàn doanh nghiệp thêm 20%, cũng sẽ là động lực lớn cho MSH.

Theo dự báo của BVSC, doanh thu năm 2019 của MSH dự kiến đạt gần 4.529 tỷ VND, tăng 15% và lợi nhuận sau thuế gần 448 tỷ VND, tăng 21% so với năm 2018.

Thách thức trong xuất khẩu

Mặc dù tiềm năng tăng trưởng của MSH còn lớn, nhưng doanh nghiệp này cũng đối mặt với không ít thách thức.

Nếu chiến tranh thương mại Mỹ- Trung còn tiếp tục kéo dài tới 10 năm như Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định, cộng với những bất ổn địa chính trị khác, như Brexit, căng thẳng Nhật- Hàn…, có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng, trong đó có sản phẩm dệt may.

Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ tận dụng được khoảng hơn 30% sợi sản xuất nội địa, còn lại được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng đến việc đáp ứng các nguyên tắc xuất xứ của Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA, CPTPP.

Bên cạnh đó, MSH đang đối mặt với rủi ro đối tác. Hiện MSH có khoảng 5 đối tác nước ngoài chính, gồm SAE-E Trading, New York & Company, Haddad, G-III và Columbia Sportswear, chiếm khoảng 80% doanh thu xuất khẩu của MSH. Nếu các đối tác này thay đổi chính sách kinh doanh, hoặc chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của MSH.

Đặc biệt, chi phí nhân công chiếm khoảng 30% tổng chi phí của MSH, nên áp lực tăng lương cũng tác động không nhỏ tới giá thành sản xuất của doanh nghiệp, qua đó làm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thanh toán quốc tế cũng tiềm ẩn rủi ro với MSH. Hiện tỷ lệ đơn hàng được thành toán bằng hình thức TT (Chuyển tiền bằng điện- không mở chứng thư bảo lãnh, chuyển tiền thanh toán trong 30 ngày sau khi đối tác nhận được hàng) đang chiếm phần lớn doanh thu xuất khẩu của MSH. Do đó, nếu đối tác bị phá sản, sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với MSH.

Ngoài ra, USD tăng giá mạnh, trong khi CNY giảm sâu, nhưng tỷ giá USD/VND vẫn khá ổn định trong thời gian qua, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của MSH, cũng như các doanh nghiệp may mặc Việt Nam trên thị trường quốc tế...

Trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu MSH tăng khoảng 34%, với khối lượng giao dịch bình quân 116.000 cổ phiếu/phiên. Tuy nhiên, trong 1 tháng qua, giá cổ phiếu này giảm gần 14%, với khối lượng giao dịch bình quân gần 167.000 cổ phiếu/phiên. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, giá cổ phiếu MSH tăng 0,91% lên mức 55.500 đồng/cp.

Được biết, vừa qua FPTS đã đăng ký bán 880.000 cổ phiếu MSH từ ngày 5-27/9. Nếu giao dịch thành công, FTS giảm số cổ phần MSH xuống còn 5,6 triệu cổ phiếu MSH, tương đương tỷ lệ 11,2%. Điều này cũng phần nào làm pha loãng cổ phiếu MSH.

Theo phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu MSH có xu hướng điều chỉnh từ 65.000đ/cp ở đầu tháng 8 xuống mức 54.000đ/cp vào 4/9. Do MSH đã rơi vào vùng vượt bán, nên các chỉ số Stochastic, RSI… đang cho thấy tín hiệu phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi chưa rõ ràng, vì MACD, Histogram, ADX… vẫn đang phân kỳ âm, đặc biệt MACD vẫn nằm dưới đường zero trên biểu đồ ngày. Theo đó, nếu vượt qua 60.000đ/cp (MA 50, MA100), thì MSH có thể sẽ phục hồi lên mức đỉnh cũ 65.000đ/cp, kế tiếp là vùng 70.000đ/cp. Ngược lại, MSH sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống vùng 50.000đ/cp.

Ngọc Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/co-phieu-msh-se-tiep-tuc-phuc-hoi-157351.html