Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/2): PHR, DGC và MBS

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 24/2, bao gồm: PHR, DGC và MBS.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/2): PHR, DGC và MBS

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/2): PHR, DGC và MBS

VCSC: Khuyến nghị mua PHR với giá mục tiêu 74.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tiếp tục duy trì khuyến nghị mua dành cho Công ty Cổ phần Cao Su Phước Hòa (HoSE: PHR) và nâng giá mục tiêu thêm 4,5% lên mức 74.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 25,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,5%.

Phía VCSC nâng giá mục tiêu chủ yếu nhờ số dư tiền mặt của PHR cao hơn, phần nào bù đắp cho điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021/2022 của công ty lần lượt 2,3%/3,3%.

Mức điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số chủ yếu phản ánh giả định kéo dài thời gian ghi nhận bán đất khu công nghiệp; tuy nhiên, VCSC duy trì giả định thời gian triển khai của các khu công nghiệp chính thuộc PHR trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, công ty chứng khoán này dự báo doanh thu 2021 của PHR đạt 1.700 tỷ đồng (tăng 1,3% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1.100 tỷ đồng (tăng trưởng 1,5%). Lợi nhuận dự kiến chủ yếu được dẫn dắt bởi thu nhập từ đền bù 898 tỷ đồng cho chuyển đổi đất cao su tự nhiên của PHR sang khu công nghiệp VSIP III.

VCSC cho rằng PHR sẽ là công ty được hưởng lợi chính từ nhu cầu đất khu công nghiệp gia tăng nhanh chóng tại tỉnh Bình Dương nhờ quỹ đất cao su có sự kết nối tốt với hệ thống hạ tầng đường bộ hiện hữu.

Ngoài ra, kỳ vọng diễn biến chuyển đổi mang tính chiến lược của PHR sang mảng khu công nghiệp sẽ mở khóa giá trị đất tiềm năng. Dựa theo dự phóng của VCSC vốn thận trọng hơn kế hoạch chuyển đối đất của PHR, định giá của PHR là hấp dẫn khi ước tính giá trị dựa theo phương pháp Tổng của từng phần (SoTP) của PHR là 74.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, VCSC vẫn nhấn mạnh về rủi ro đối với khuyến nghị mua, bao gồm việc trì hoãn trong phê duyệt các khu công nghiệp trong tương lai; tỷ lệ hấp thụ thấp hơn dự kiến của đất khu công nghiệp; giá cao su tự nhiên tiếp tục giảm.

BSC: Khuyến nghị mua DGC với giá mục tiêu 2021 là 72.800 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, kết quả kinh doanh năm 2020 của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) đã cho thấy tốc độ tăng trưởng vượt bậc với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 22,5% và 65,8% so với năm trước, đạt 6.236 tỷ đồng và 948 tỷ đồng. Kết quả này tương đương với 95,3% và 101% dự phóng mới nhất của BSC.

Năm 2021, BSC cho rằng DGC có các triển vọng phát triển như nhu cầu Phốt pho vàng vẫn tiếp tục tăng trưởng sau khi nhận thấy triển vọng đơn hàng cho các thiết bị 5G (cần nhiều hơn 40% lượng chip so với 4G) khả quan trong năm 2020. Với các sản phẩm khác (Axit Photphoric, Phân bón), công ty chứng khoán cũng giữ quan điểm thận trọng với doanh thu đi ngang/tăng nhẹ.

BSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế (mảng truyền thống) năm 2021 của DGC sẽ đạt 7.144 tỷ (tăng trưởng 14,5% so với năm trước) và 1.198 tỷ (tăng trưởng 26,4%). Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 7.572 đồng, PE đạt 7,8, thấp hơn 10% mức PE ngành và 55% mức PE của VN-Index.

Thêm vào đó, BSC cũng dự phóng giá trị RNAV dự án bất động sản 44 Đức Giang là 352 tỷ.

Trên cơ sở điều chỉnh dự phóng kinh doanh của năm 2021 tăng 9% (mảng truyền thống), nâng mức PE mục tiêu lên 9.5 và đưa vào dự phóng RNAV dự án bất động sản 44 Đức Giang, BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 2021 là 72.800 đồng/cổ phiếu, tăng 32% so với mức giá ngày 22/2 là 58.400 đồng.

MBS: Khuyến nghị mua MBS với giá mục tiêu 28.300 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa đưa ra khuyến nghị mua đối với chính cổ phiếu của mình, giá mục tiêu 28.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn 39% so với giá đóng cửa ngày 22/2.

Phía MBS cho rằng, cơ sở đưa ra khuyến nghị này bao gồm bối cảnh tăng trưởng khả quan của thị trường chứng khoán; tiềm năng mở rộng tệp khách hàng cá nhân nhờ hưởng lợi từ hệ sinh thái của Tập đoàn mẹ là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và giữ vững vị trí Top 6 thị phần môi giới và Top 3 IB.

MBS cho biết, hiện nay Ngân hàng TMCP Quân đội đang sở hữu hơn 5 triệu khách hàng tính đến cuối quý III/2020 và phục vụ hơn 80% khách hàng doanh nghiệp, do đó MBS hoàn toàn có khả năng mở rộng tệp khách hàng thông qua đẩy mạnh các hoạt động bán chéo với ngân hàng mẹ và các công ty con khác trong tập đoàn, đặc biệt đối với hoạt động IB và tư vấn phát hành trái phiếu – vốn nằm trong Top 3 các công ty chứng khoán về mảng kinh doanh này.

Thêm vào đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo tăng trưởng khả quan nhờ quy mô thị trường ngày càng tăng với số lượng tài khoản cá nhân mở mới tăng mạnh; kinh tế vĩ mô ổn định và hệ thống pháp luật hoàn thiện minh bạch hơn và cơ hội từ nâng hạng thị trường.

Bên cạnh đó, kế hoạch tăng vốn, bán vốn cho đối tác ngoại và đẩy mạnh đầu tư công nghệ số nhằm gia tăng thị phần môi giới trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong ngành khi có sự tham gia của các công ty chứng khoán ngoại với lợi thế lớn hơn về vốn và chi phí thấp. Năm 2020, MBS chiếm 4,79% thị phần, tăng nhẹ so với mức 4,77% của năm 2019.

Kỳ vọng nâng cao hiệu quả kinh doanh nhờ ký hợp đồng tư vấn chiến lược giai đoạn 2021 – 2025 với Boston Consulting Group (BCG). Với những trường hợp ghi nhận dấu ấn tăng trưởng vượt bậc như Techcombank, VPBank… khi có sự tham gia tư vấn chiến lược của các đơn vị tư vấn hàng đầu (McKinsey, BCG, PwC…), MBS kỳ vọng rằng hiệu quả kinh doanh của công ty mình sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai.

Tân Mai

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/co-phieu-khuyen-nghi-hom-nay-242-phr-dgc-va-mbs-20180504224249892.htm