Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/5): GAS, PVT và NLG

VNDirect tin rằng GAS vẫn là một lựa chọn đầu tư tốt trong dài hạn nhờ vào vị trí quan trọng của GAS trong quá trình chuyển dịch sang điện khí LNG trong dài hạn với nhiều dự án kho cảng LNG đã và đang được triển khai, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ từ chuỗi dự án Lô B – Ô Môn đi kèm vị thế tài chính vững mạnh.

 Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/5): GAS, PVT và NLG

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/5): GAS, PVT và NLG

GAS: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 119.900 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) công bố doanh thu thuần quý I/2023 giảm 20,5% so với cùng kỳ xuống còn 21.214 tỷ đồng chủ yếu do giá dầu FO Singapore (giảm 25,9% so với cùng kỳ) và giá CP LPG (giảm 12% so với cùng kỳ) đều giảm. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp quý I/2023 mở rộng 3,6 điểm % so với cùng kỳ lên 22,8% nhờ đóng góp cao hơn của mảng khí khô, vốn thường mang lại mức biên lợi nhuận cao hơn đáng kể so với mảng LPG.

Bên cạnh đó, lợi nhuận tài chính thuần tăng 189,2% so với cùng kỳ lên 461 tỷ đồng nhờ thu nhập tiền gửi tăng mạnh (tăng 114,8% so với cùng kỳ lên 480 tỷ đồng). Kết quả, lợi nhuận ròng quý I/2023 giảm nhẹ 2,3% so với cùng kỳ xuống 3.350 tỷ đồng, hoàn thành 23,9% dự phóng cả năm của Công ty Chứng khoán VNDirect.

Trong giai đoạn 2023-2024, do giá năng lượng giảm, VNDirect dự báo lợi nhuận sau thuế của GAS sẽ giảm 13,7% so với cùng kỳ trong năm 2023, sau đó gần như đi ngang trong năm 2024. Tuy nhiên, về dài hạn, VNDirect nhận thấy sự sụt giảm giá khí (và giá LNG) trên toàn cầu gần đây có thể tạo điều kiện thuận lợi cho xu hướng chuyển dịch LNG tại Việt Nam do giá LNG tham chiếu ở châu Á đã giảm về vùng giá hợp lý.

Điện khí LNG là phân khúc đầy hứa hẹn trong những năm tới theo Dự thảo Quy hoạch Điện 8 nhờ tính ổn định trong sản xuất điện và khả năng gia tăng công suất dễ dàng thông qua nhập khẩu. VNDirect tin rằng LNG sẽ đóng góp đáng kể vào hoạt động kinh doanh của GAS từ năm 2025 khi nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 đi vào vận hành theo kế hoạch.

VNDirect giảm dự phóng EPS năm 2023-2024 của GAS xuống 8,8% và 2,9% do giảm dự phóng doanh thu năm 2023-2024 xuống 9,2% và 6,8% do giả định giá dầu, sản lượng khí khô và doanh thu mảng LPG thấp hơn, nhưng nâng giả định lợi nhuận tài chính thuần trong năm 2023-2024.

Sau một năm 2022 kỷ lục, VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của GAS sẽ giảm 13,7% so với cùng kỳ trong năm 2023 do tác động của giá năng lượng sụt giảm sẽ lấn át mức tăng 6,2% so với cùng kỳ của sản lượng tiêu thụ khí khô.

VNDirect giảm giá mục tiêu 14,5% xuống 119.900 đồng/cổ phiếu do dự phóng EPS năm 2023-2024 thấp hơn và chuyển mô hình DCF sang năm 2023. VNDirect tin rằng GAS vẫn là một lựa chọn đầu tư tốt trong dài hạn nhờ vào vị trí quan trọng của GAS trong quá trình chuyển dịch sang điện khí LNG trong dài hạn với nhiều dự án kho cảng LNG đã và đang được triển khai, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ từ chuỗi dự án Lô B – Ô Môn và vị thế tài chính vững mạnh với số dư tiền mặt ròng là 30.800 tỷ đồng và tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu là -47,7% vào cuối quý I/2023.

PVT: Vietcap khuyến nghị mua với giá mục tiêu 24.700 đồng/cổ phiếu

Ban lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) kỳ vọng giá cước tàu chở dầu quốc tế năm 2023 chỉ giảm nhẹ so với mức cơ sở cao trong năm 2022. Bất chấp rủi ro suy thoái kinh tế, PVT vẫn cho rằng triển vọng nhu cầu tấn-dặm thuận lợi tiếp tục được duy trì (do xung đột Nga-Ukraine), mức tăng 2 triệu thùng/ngày trong lượng tiêu thụ dầu toàn cầu và triển vọng nguồn cung tàu mới hạn chế sẽ hỗ trợ cho triển vọng tích cực đối với thị trường vận tải dầu thô và sản phẩm dầu.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (Vietcap) dự báo giá cước tàu sẽ phục hồi trong các quý tới sau khi hạ nhiệt trong quý I/2023; giá cước tàu chở sản phẩm dầu vững chắc hơn so với giá cước tàu chở dầu thô. Trong quý I/2023, giá cước thuê định hạn tàu Aframax (Indonesia đến Nhật Bản) – tiêu chuẩn cho giá thuê tàu chở dầu thô — đã giảm 15% so với quý trước. Tuy nhiên, giá cước này vẫn cao gấp 2 lần so với quý I/2022.

Ngoài ra, giá thuê định hạn tàu tầm trung (MR) trung bình (giá cước chuẩn cho tàu chở sản phẩm dầu/hóa chất) chỉ giảm 2% so với quý trước trong quý I/2023 và vẫn tăng 2,2 lần so với cùng kỳ. Vietcap kỳ vọng những giá cước này sẽ phục hồi trong các quý tới do thị trường thắt chặt hơn.

Trong giai đoạn 2023-2024, Clarksons dự báo giá dầu thô theo tấn-dặm sẽ tăng 6%/năm và dự phóng nguồn cung tàu chở dầu thô sẽ tăng 0-3%/năm. Ngoài ra, Clarksons dự báo nhu cầu sản phẩm dầu theo tấn dặm sẽ tăng 7-9%/năm so với tăng trưởng nguồn cung 0-1%/năm trong giai đoạn 2023-2024.

Những dự báo này được đưa ra do tiếp tục tồn tại sự chuyển dịch dòng chảy thương mại từ các lệnh trừng phạt đối với Nga, cũng như sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc do nước này dần mở cửa trở lại.

Vietcap dự báo lợi nhuận ròng cốt lõi năm 2023 tăng trưởng 23,7% so với cùng kỳ, đóng góp chủ yếu từ mảng sản phẩm dầu/hóa chất do Vietcap tin rằng việc PVT gia hạn hợp đồng với mức giá cước cao hơn trong quý IV/2022 và quý I/2023 sẽ giúp giá cước tàu chở dầu của công ty tăng trung bình 15 % so với cùng kỳ trong năm 2023.

Ngoài ra, PVT vừa gia hạn hợp đồng vận tải dầu thô với BSR. Tuy nhiên, Vietcap dự báo lợi nhuận ròng báo cáo năm 2023 sẽ giảm 3,4% so với cùng kỳ do PVT sẽ không có khoản lãi thanh lý tàu chở dầu đáng kể như năm 2022.

Vietcap dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS cốt lõi trong giai đoạn 2022-2025 của PVT đạt 20,3% do nhu cầu gia tăng từ hoạt động vận tải dầu thô, hóa chất và LPG ở nước ngoài cũng như các hợp đồng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSR).

PVT đang giao dịch ở EV/EBITDA năm 2023 đạt 3,7 lần — thấp hơn 55% so với mức trung bình của các công ty cùng ngành trong khu vực. Vietcap nâng giá mục tiêu cho PVT thêm 3,3% lên 24.700 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua.

Vietcap tăng giá mục tiêu chủ yếu do Vietcap tăng dự báo lợi nhuận ròng giai đoạn 2023-2027 thêm 1%, đến từ giả định mức tăng trưởng 5% giá cước gia hạn đối với các hợp đồng vận tải cho BSR theo kế hoạch của PVT, bên cạnh tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu của Vietcap đến giữa năm 2024.

NLG: MBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 38.000 đồng/cổ phiếu

Doanh thu quý I/2023 Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) đạt hơn 235 tỷ đồng, giảm khoảng 50% so với cùng kì chủ yếu đến từ bàn giao sản phẩm Flora và Valora thuộc dự án Mizuki (Bình Chánh). Biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể ở mức hơn 66% do dự án này bán được giá cao từ năm 2021.

Môi trường lãi suất cao khiến chi phí tài chính tăng gần 50% lên 76 tỷ đồng. Doanh thu giảm và chi phí tài chính chưa được kiểm soát khiến lợi nhuận sau thuế trong quý của NLG giảm mạnh xuống 16 tỷ đồng. Trong những quý tiếp theo, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng doanh thu của NLG sẽ cải thiện nhờ bàn giao các dự án lớn như Southgate hay Mizuki.

Theo MBS, ngành bất động sản chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn các dự án đang triển khai như Nghị định 08/2023/NĐ – CP hay Nghị quyết số 33/NQ – CP. Những khó khăn của thị trường còn hiện hữu và cần thêm thời gian để giải quyết đặc biệt là vấn đề đáo hạn trái phiếu và rủi ro pháp lý của các dự án.

Trong bối cảnh hiện nay, MBS ưu tiên những doanh nghiệp sở hữu cơ cấu tài chính lành mạnh, quỹ đất sạch lớn và dòng sản phẩm hướng tới nhu cầu ở thực. Với những yếu tố đó, MBS đưa ra khuyến nghị giữ đối với cổ phiếu NLG với 3 luận điểm chính.

Thứ nhất, phân khúc sản phẩm trung cấp và chung cư giá rẻ đạt tỷ lệ hấp thụ cao trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn. Nguồn cung căn hộ tại khu vực TP. HCM giảm mạnh từ năm 2022 đặc biệt là phân khúc trung cấp do những vướng mắc trong việc xác định giá đền bù. Sang năm 2023, các sản phẩm căn hộ trung cấp dự kiến đạt tỷ lệ hấp thụ duy trì cao khoảng 90% nhờ nhu cầu hiện hữu và nguồn cung thiếu hụt.

Thứ hai, cơ cấu tài chính lành mạnh giúp NLG không bị áp lực bởi chi phí lãi vay tăng cao và đáo hạn trái phiếu. Tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản ở mức 20%, thấp hơn đáng kể so với trung bình 40% của ngành. Theo thông tin từ ĐHCĐ 2023, công ty đang có chiến lược thực hiện M&A để mở rộng quỹ đất khu vực phía Nam.

Thứ ba, MBS đánh giá NLG hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành hiện nay nhờ chiến lược đúng đắn. Trong năm 2023, NLG tập trung triển khai các dự án trung cấp như Mizuki Park, chung cư Akari và Ehomes Southgate. Các dự án này sẽ giúp doanh số bán hàng không bị ảnh hưởng mạnh như các đối thủ trong ngành.

Theo dự phóng của MBS, doanh thu năm 2023 của NLG dự kiến vẫn duy trì tăng nhẹ khoảng 14%. Biên lợi nhuận gộp giảm về mức 40%, do các hợp đồng triển khai được kí kết vào cuối 2021 với giá cao bởi ảnh hưởng của đà tăng giá nguyên vật liệu. Chi phí tài chính giảm nhẹ 20% so với cùng kì do lãi suất giảm nhờ NHNN đã bắt đầu hạ lãi suất từ đầu năm khi nỗi lo tỷ giá hạ nhiệt.

Các chi phí khác như bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ nhưng sẽ duy trì ở mức cao do doanh nghiệp phải có những chính sách hỗ trợ người mua nhà. Với doanh thu tăng nhẹ và chi phí giảm, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của NLG đạt mức hơn 903 tỷ đồng (tăng 4%) và lợi nhuận ròng ở mức 617 tỷ đồng, tăng nhẹ 11% so với cùng kì.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/co-phieu-khuyen-nghi-hom-nay-165-gas-pvt-va-nlg-20180504224284393.htm