Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/6): GMD, HDB và PC1

Công ty chứng khoán SSI duy trì giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu GMD là 61.500 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá khoảng 23%). Tuy nhiên, SSI cũng hạ khuyến nghị xuống khả quan (từ mua), do nhận thấy rủi ro suy giảm đối với thương mại Việt Nam nói chung và ước tính của đơn vị đối với GMD trong năm 2023.

 Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/6): GMD, HDB và PC1.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/6): GMD, HDB và PC1.

GMD: SSI hạ khuyến nghị xuống khả quan, mục tiêu 1 năm giá 61.500 đồng/cổ phiếu

Quý I/2023, tổng sản lượng container thông qua Việt Nam của Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) giảm 15% so với cùng kỳ do nhu cầu bên ngoài yếu. Tổng sản lượng đạt 600 nghìn TEU trong quý I/2023 (giảm 23% so với cùng kỳ), doanh thu hợp nhất đạt 901 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ) và lãi trước thuế đạt 302 tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ).

Năm 2023, GMD đặt kế hoạch lãi trước thuế đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ), ban lãnh đạo cho rằng công ty có khả năng đạt kết quả cao hơn so với mức giả định cơ sở này. Kế hoạch này chưa bao gồm khoản lãi bất thường từ việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ dự kiến ghi nhận vào quý II/2023. Công ty chứng khoán SSI hiện ước tính khoản lãi bất thường này là 1,5 nghìn tỷ đồng, dựa trên giả định tổng giá trị định giá cảng là 2,5 nghìn tỷ đồng.

Về vốn đầu tư, GMD giữ nguyên kế hoạch tập trung vốn cho 2 dự án cảng: Nam Đình Vũ – giai đoạn 3 (hoàn thành năm 2024 với chi phí kế hoạch là 100 triệu USD) và Gemalink – giai đoạn 2 (hoàn thành năm 2025, kế hoạch chi phí đầu tư là 300 triệu USD).

Bên cạnh đó, công ty cũng có kế hoạch thực hiện một M&A khác với giá trị ước tính 50 triệu USD. Theo đó, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2023-2025 là khoảng 450 triệu USD, phù hợp với ước tính của SSI về khoản đầu tư của GMD trong cùng giai đoạn. Chi phí vốn có thể là một vấn đề mà ban lãnh đạo phải giải quyết trong môi trường lãi suất cao như hiện nay. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận sắp tới từ việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ được đánh giá là một sự tiếp ứng về vốn rất kịp thời cho GMD.

Về phương án tăng vốn, GMD chưa được UBCKNN chấp thuận phương án phát hành thêm. Ban lãnh đạo đang cân nhắc không phát hành thêm và thay vào đó sẽ tìm nguồn tài trợ khác. Về triển vọng năm 2023, ban lãnh đạo nhận thấy khả năng phục hồi mạnh sẽ diễn ta ra từ quý III/2023, do đây là mùa cao điểm của xuất khẩu. Sản lượng tháng 4 và tháng 5 cải thiện nhẹ so với quý I, nhưng vẫn rất yếu.

Công ty chứng khoán SSI hiện tại vẫn giữ nguyên ước tính cho GMD, nhưng cho biết sẽ điều chỉnh giảm ước tính nếu xuất khẩu không cải thiện hơn trong những tháng tới trong năm 2023. Cụ thể, công ty chứng khoán này duy trì giả định tổng sản lượng cảng cho GMD là 2,7 triệu TEU, giảm 10% so với cùng kỳ trong năm 2023 và 3,4 triệu TEU, tăng 22% so với cùng kỳ trong năm 2024. Các mức phí dự kiến sẽ duy trì ổn định trong giai đoạn này.

Do không có thay đổi về giả định, SSI duy trì giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu GMD là 61.500 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá khoảng 23%). Tuy nhiên, SSI cũng hạ khuyến nghị xuống khả quan (từ mua), do nhận thấy rủi ro suy giảm đối với thương mại Việt Nam nói chung và ước tính của đơn vị đối với GMD trong năm 2023.

Nhưng báo cáo phân tích của SSI cũng nhìn nhận trong ngắn hạn, thông tin về việc hoàn tất thương vụ thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ và khoản lợi nhuận lớn từ thương vụ được ghi nhận trong quý II/2023 sẽ là động lực giúp tăng giá cho cổ phiếu GMD.

HDB: VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu là 25.000 đồng/cổ phiếu

Quý I/2023, lãi ròng của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) tăng 8,8% so với cùng kỳ lên 2.088 tỷ đồng. Tăng trưởng thu nhập lãi của HDB đạt 19% so với cùng kỳ nhờ tài sản sinh lãi tăng 19,7% so với cùng kỳ và NIM tăng 18 điểm cơ bản so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí/thu nhập được kiểm soát tốt ở mức 34,6% trong quý I/2023 (so với 37,6% trong quý I/2022). Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng 42,8% so với cùng kỳ (tỷ lệ chi phí dự phòng/LN trước dự phòng là 26% - cao hơn mức bình quân các quý trước), do rủi ro nợ xấu tăng là khó tránh khỏi với một ngân hàng có tỷ trọng cho vay tiêu dùng và cho vay cá nhân lớn trong cơ cấu cho vay như HDB.

Tính đến cuối quý I/2023, tín dụng của HDB tăng 9% so với đầu năm, chủ yếu đến từ cho vay doanh nghiệp (tăng 15,1% so với đầu năm; chiếm 50,3% tổng cho vay, bao gồm SME) do tình trạng thiếu thanh khoản trước đó tại doanh nghiệp đã thúc đẩy nhu cầu vay. Trong khi đó, môi trường lãi suất cao đã làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng cũng như khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ, làm giảm nhu cầu vay và khiến các ngân hàng thận trọng hơn khi giải ngân vào nhóm này để giảm thiểu rủi ro nợ xấu. Do đó, tăng trưởng cho vay cá nhân đã chậm lại (tăng 5,9% so với đầu năm) và cho vay tiêu dùng giảm 7,8%. Chất lượng tài sản cũng có dấu hiệu suy yếu trong quý I/2023.

Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng mọi thứ sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023 đối với HDB nhờ Ngân hàng Nhà nước có sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ với 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành và tác động của các chính sách hỗ trợ.

Theo đánh giá của VNDirect, cho vay doanh nghiệp và tiền gửi cá nhân tăng là xu hướng chính hiện nay, theo đó NIM toàn ngành nhìn chung sẽ thu hẹp. Tuy nhiên, các ngân hàng có dư nợ cho vay bán lẻ cao và đặc biệt là thanh khoản dồi dào có thể hạn chế được rủi ro này và HDB là một trong số đó.

Mặc dù tài chính tiêu dùng (TCTD) bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn khó khăn này, khiến lợi suất tài sản giảm, nhưng HDB vẫn có thể quản lý tốt chi phí vốn nhờ thanh khoản ổn định với LDR không quá cao (khoảng 73%) vào cuối quý I và cơ cấu huy động đa dạng. Dự kiến NIM của HDB sẽ giảm 7 điểm cơ bản và đạt xấp xỉ 5% trong 2023-2024.

VNDirect cũng kỳ vọng lợi nhuận ròng của HDB sẽ tăng 18%/21% so với cùng kỳ trong 2023-2024 (tăng trưởng kép 2020-2022 là 35%) – cao hơn mức trung bình ngành 12% nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM ổn định bất chấp áp lực từ các khoản trích lập dự phòng. Theo đó, công ty chứng khoán này duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu HDB với giá mục tiêu không đổi là 25.000 đồng/cổ phiếu.

PC1: VNDirect khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu 1 năm tăng lên 33.600 đồng/cổ phiếu

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1), doanh thu quý I/2023 tăng 2% so với cùng kỳ nhờ mảng xây lắp tăng 26% so với cùng kỳ cũng như dòng doanh thu bổ sung từ mảng bất động sản khu công nghiệp, bù đắp mức giảm 15% so với cùng kỳ của mảng điện và 66% so với cùng kỳ mảng sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, lợi nhuận gộp quý I/2023 giảm 12% so với cùng kỳ do kết quả kém tích cực tại những mảng có biên lợi nhuận cao như điện, bất động sản nhà ở.

Cùng với đó, doanh thu tài chính tăng 72% so với cùng kỳ do doanh thu tiền gửi tăng mạnh, trong khi chi phí tài chính tiếp tục là gánh nặng chính, tăng 75% so với cùng kỳ trong bối cảnh môi trường lãi suất cao. Đáng chú ý, phần lớn lợi nhuận sau thuế được phân bổ cho cổ đông thiểu số, chủ yếu cho bất động sản khu công nghiệp và điện gió. Theo đó, lợi nhuận ròng quý I/2023 giảm mạnh 89% so với cùng kỳ đạt 15 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Công ty chứng khoán VNDirect dự phóng doanh thu và lợi nhuận gộp của PC1 tăng 13% so với cùng kỳ và 21% so với cùng kỳ nhờ: đóng góp bổ sung từ mảng khai khoáng và bất động sản khu công nghiệp; bất động sản nhà ở ghi nhận dự án PC1 Gia Lâm, hỗ trợ doanh thu mảng này tăng 259% so với cùng kỳ, theo đó, bù đắp cho mảng xây lắp trong bối cảnh EVN gặp khó khăn về tài chính, cũng như mảng điện khi thủy điện đi ra khỏi pha thời tiết thuận lợi.

VNDirect cũng đánh giá rằng chi phí tài chính sẽ tiếp tục là gánh nặng trong năm nay của PC1, tăng 10% so với cùng kỳ và thu hẹp tăng trưởng lợi nhuận ròng của PC1 còn 2,5% so với cùng kỳ.

Trong 2024, công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận gộp của PC1 đạt 20,8% so với cùng kỳ và 10,8% so với cùng kỳ. VNDirect dự phóng lợi nhuận ròng 2024 của PC1 sẽ tăng 55% so với cùng kỳ, đạt 705 tỷ đồng.

Theo đó, đơn vị duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 1 năm đạt 33.600 đồng/cổ phiếu (tăng 9% so với dự phóng trước). Mục tiêu này được đưa ra dựa trên điều chỉnh tăng trưởng kép 2023-2027 từ 14,2% lên 19,8% với những kỳ vọng tích cực hơn cho mảng khai khoáng Niken, cũng như đẩy lùi tiến độ các dự án bất động sản nhà ở và khu công nghiệp.

Trong bối cảnh bước ngoặt lợi nhuận sẽ đến từ 2024, VNDirect cho rằng đây là thời điểm phù hợp để bắt đầu tích lũy cổ phiếu tăng trưởng với nhiều yếu tố cơ bản tốt. Tiềm năng tăng giá cho mã cổ phiếu này sẽ bao gồm: các dự án bất động sản nhà ở bàn giao nhanh hơn dự kiến; chính sách giá năng lượng tái tạo được ban hành sớm.

Minh Tuệ

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/co-phieu-khuyen-nghi-hom-nay-16-gmd-hdb-va-pc1-20180504224285020.htm