Cổ phiếu GEX bất ngờ bùng nổ, khớp lệnh cao nhất trong hơn 1 năm
Trong bối cảnh thanh khoản thị trường giảm về mức thấp nhất trong hơn nửa tháng qua, cổ phiếu GEX đã tăng vọt về giá với khối lượng khớp lệnh kỷ lục nhất kể từ khi chào sàn.
Nếu trong phiên giao dịch sáng, GEX chỉ khớp lệnh vài triệu đơn vị, thì sang phiên chiều, lực cầu sôi động đã tiếp sức cho sự bùng nổ của cổ phiếu này. Có thời điểm GEX được kéo lên sát trần và có chút hạ độ cao về cuối phiên khi đóng cửa tăng 4,5% lên mức giá 15.000 đồng/CP, tương ứng tăng gần 20% kể từ cuối tháng 4.
Bên cạnh đà tăng mạnh về giá, khối lượng khớp lệnh của GEX vượt trội trên thị trường, với xấp xỉ 31,38 triệu đơn vị giao dịch thành công, gấp 2,5 lần so với mức thanh khoản của trung bình 10 phiên gần đây. Đồng thời, đây cũng là khối lượng khớp lệnh kỷ lục nhất của GEX trong hơn 1 năm qua (phiên 6/4/2022 khớp 47,67 triệu đơn vị).
Được biết, từng tạo đột biến trên thị trường ngay trong ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM (ngày 25/12/2015) khi thỏa thuận hơn 122 triệu cổ phiếu, cổ phiếu GEX đã niêm yết trên sàn HOSE từ tháng 1/2018 và là điểm sáng của ngành điện.
Mới đây, tổ chức có liên quan đến Tổng giám đốc Công ty là Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX đã thông báo bán thành công toàn bộ hơn 33 triệu cổ phiếu GEX, tỷ lệ 3,91%, để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận từ ngày 18/5 đến ngày 22/5.
Trái với diễn biến của GEX, thị trường chung vẫn trong trạng thái giằng co nhẹ và đã kết phiên trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index vẫn giữ vững mốc 1.060 điểm nhưng thanh khoản thị trường lại tiếp tục sụt giảm, về mức thấp nhất trong khoảng nửa tháng qua (từ 10/5).
Chốt phiên, sàn HOSE có 227 mã tăng và 146 mã giảm, VN-Index giảm 0,87 điểm (-0,08%) xuống 1.063,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 640,71 triệu đơn vị, giá trị 10.888,67 tỷ đồng, giảm 4,3% về khối lượng và 6,97% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 44,87 triệu đơn vị, giá trị 1.463,38 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn khá cân bằng với 11 mã tăng và 12 mã giảm, tuy nhiên, các mã lớn như SAB, VCB, BVH, GAS, VIC đều giảm hơn 1%, đã gây sức ép khiến rổ này kết phiên giảm hơn 1 điểm.
Trong khi đó, cổ phiếu GVR vẫn dẫn đầu trong xu hướng tăng khi kết phiên vẫn đứng tại mức giá 17.200 đồng/CP, tăng 2,7% cùng thanh khoản tiếp tục sôi động hơn với hơn 5,41 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục gia nhập thêm nhiều mã tăng kịch trần. Cụ thể, bên cạnh SJF, TDH duy trì sắc tím từ phiên sáng, nhiều mã nóng khác như QCG, FIT, TSC, ABS cũng đã kéo trần thành công trong phiên chiều với lượng dư mua trần khá lớn tới 1-2 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, cũng như phiên sáng nay, nhiều cổ phiếu bất động sản và và nhỏ đã nổi sóng. Điển hình như DXG có thời điểm tăng sát trần và kết phiên tăng 4% với thanh khoản thuộc top 5, đạt hơn 20 triệu đơn vị; DIG cũng hồi phục khi tăng 1,2% và khớp 15,84 triệu đơn vị, CII tăng 3,3% lên 17.300 đồng/CP và khớp xấp xỉ 13 triệu đơn vị; HHV và HQC cũng đều tăng nhẹ khớp lệnh trên 10 triệu đơn vị…
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm nhẹ với gánh nặng chính đến từ “anh cả” VCB giảm 1,3%. Cổ phiếu SHB tiếp tục nới rộng đà giảm khi mất 1,7% xuống mức thấp nhất trong ngày 11.550 đồng/CP và thanh khoản lớn nhất ngành, đạt 20,27 triệu đơn vị, chỉ thua GEX trên toàn thị trường.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng nhẹ, trong đó VIX vẫn là mã giao dịch tốt nhất ngành với xấp xỉ 19 triệu đơn vị khớp lệnh và đã hồi phục tích cực khi kết phiên tăng 3,8% lên 9.080 đồng/CP.
Trên sàn HNX, dù có chút đảo chiều giảm khi mở cửa phiên chiều, nhưng lực cầu tích cực cùng diễn biến khởi sắc ở nhóm HNX30 đã giúp thị trường nhanh chóng tăng điểm.
Đóng cửa, sàn HNX có 108 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 0,87 điểm (+0,4%), lên 217,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 79,67 triệu đơn vị, giá trị 1.192,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,85 triệu đơn vị, giá trị 162,16 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS hồi nhẹ với mức tăng 0,9% và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 9,9 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 cũng khởi sắc hơn trong phiên chiều như CEO tăng 2%, LAS tăng 2,9%, VCS và DVM cùng tăng hơn 1%...
Ngoài CEO tăng tốt hơn với thanh khoản đạt 5,19 triệu đơn vị, nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ khác cũng diễn biến tích cực như MBG tăng 3,6% và khớp 4,2 triệu đơn vị, IDJ tăng 3,5% và khớp hơn 3 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, thị trường rung lắc và quay đầu điều chỉnh nhẹ.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,16%), xuống 80,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 79,33 triệu đơn vị, giá trị 807,98 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có 11,53 triệu đơn vị, giá trị 156,9 tỷ đồng.
Trong khi BSR vẫn giữ vững mức tăng tốt 4,2% và đóng cửa tại 17.200 đồng/CP cùng thanh khoản vượt trội, đạt 22,88 triệu đơn vị; cổ phiếu dầu khí còn lại là OIL nới rộng biên độ với mức tăng 7,4%, lên 10.100 đồng/CP và thanh khoản đạt 4,49 triệu đơn vị.
Ngoài ra, PFL cũng tăng mạnh 10,3% lên 3.200 đồng/CP và khớp lệnh 1,63 triệu đơn vị.
Một trong những điểm sáng đáng chú ý là MSR. Sau khi không giữ được sắc tím khi chốt phiên sáng, cổ phiếu MSR đã kéo trần thành công trong phiên chiều và đóng cửa tại mức giá 17.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,73 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tương lai tăng và 2 hợp đồng giảm, với VN30F2306 giảm 0,5 điểm xuống 1.056,5 điểm, khớp lệnh có gần 121.120 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.700 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, trong đó mã CMWG2302 khớp lệnh lớn nhất, đạt hơn 1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,2% xuống 300 đồng/cq.