Cổ phiếu Đất Xanh (DXG), Gilimex (Gil)… giảm mạnh sau tin phát hành riêng lẻ

Hàng loạt các doanh nghiệp khi ra thông tin phát hành riêng lẻ, cổ phiếu của các công ty ngay lập tức giảm mạnh.

Mới đây, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã chứng khoán DXG – sàn HOSE) ra thông tin lên kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ, chiếm 38,59% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, giá phát hành dự kiến chiết khấu tới 20% bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 phiên giao dịch gần nhất trước thời điểm quyết định giá. Mục đích phát hành để huy động vốn, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Diễn biến giá cổ phiếu DXG

Ngay sau khi ra tin trên, giá cổ phiếu DXG đã giảm mạnh. Cụ thể, trong phiên 8/6 cổ phiếu DXG giảm 1.900 đồng/CP về mức giá sàn 25.900 đồng/CP và phiên giao dịch ngày 9/6 tiếp tục giảm sàn về mức 24.100 đồng/CP. Như vậy, chỉ sau 2 phiên giao dịch, cổ phiếu DXG đã giảm 13,3%, và nếu nhìn rộng hơn từ ngày 3 - 9/6, giá cổ phiếu DXG đã giảm 16,6%.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã chứng khoán GIL – sàn HOSE).

Trong đó, ngày 20/5/2021, GIL công bố kế hoạch phát hành 16,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư, giá chào bán riêng lẻ là 35.000 đồng/CP. Được biết, trước đó cổ phiếu GIL đang giao dịch tại vùng đỉnh là 80.000 đồng/CP (ngày 13/5). Như vậy, giá phát hành thấp hơn tới 56,3% so với giá đỉnh trước đó.

Diễn biến giá cổ phiếu GIL

Tuy nhiên, cổ phiếu GIL cũng đã bị bán ồ ạt và nhanh chóng quay đầu giảm sau đó. Cụ thể, kể từ ngày 20/5 đến ngày 9/6, cổ phiếu GIL đã giảm 7,3% về còn 58.000 đồng/CP. Đặc biệt, nếu xét từ đỉnh ngày 13/5 đến ngày 9/6, cổ phiếu GIL đã giảm 27,5%.

Đặc điểm chung của cả GIL và DXG là giá cổ phiếu có dấu hiệu giảm trước khi công bố thông tin phát hành riêng lẻ và tiếp tục giảm mạnh hơn khi thông tin chính thức được công bố.

Diễn biến giá cổ phiếu APC giai đoạn đầu năm 2018 đến 28/5/2018

Trong quá khứ, cổ phiếu APC của CTCP Chiếu xạ An Phú bất ngờ lao dốc khi ngày 5/3/2018 doanh nghiệp công bố tài liệu Đại hội cổ đông phát hành 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 20.000 đồng/CP. Sau đó, cổ phiếu giảm từ 77.200 đồng/CP về còn 25.500 đồng/CP vào ngày 28/5/2018, tức giảm gần 67% giá trị (giá cổ phiếu đã được điều chỉnh cổ tức hàng năm).

Ngoài ra, một số đợt phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư cũng nhanh chóng chốt lời. Cụ thể, trong lần tăng vốn 2017, CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (AMV) tăng thêm 250 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 271,2 tỷ đồng. Trong đợt tăng vốn này, AMV phát hành 25 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 5 cổ đông, với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu chỉ hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Sau phát hành, 5 cổ đông chiến lược nắm giữ tổng cộng 92,98% vốn của AMV.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm có thể chuyển nhượng, nhóm cổ đông lớn này đã liên tục bán ra cổ phiếu. Tính đến ngày 31/12/2019, không còn ai trong số này là cổ đông sở hữu trên 5% vốn AMV. Ước tính với giá mua là 10.000 đồng/CP và giá bán trên vùng 21.000 đồng/CP, nhóm cổ đông này đã lãi tối thiểu 110% chỉ trong hơn 2,5 năm nắm giữ cổ phiếu AMV.

Nhà đầu tư được mất gì từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hiện nay có hai hình thức tăng vốn mà không chịu sự điều chỉnh giá cổ phiếu.

Thứ nhất, phát hành trái phiếu chuyển đổi cho chủ nợ để huy động vốn, khi trái chủ chuyển đổi từ trái phiếu qua cổ phiếu thì sẽ dẫn tới sự pha loãng cổ phiếu nhưng khi phát hành không ảnh hưởng tới giá thị trường.

Thứ hai, khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp, giá thị trường sẽ không bị tác động so với giá phát hành.

Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với giá cao hơn giá thị trường sẽ giúp cho nhà đầu tư trên sàn hưởng lợi và doanh nghiệp có thêm vốn kinh doanh. Tuy nhiên, trên sàn đa phần các doanh nghiệp thường chọn hình thức phát hành riêng lẻ cho nhóm nhà đầu tư với giá chiết khấu so với thị trường và chỉ hạn chế chuyển nhượng 1 năm, sau 1 năm dễ dàng bán ra cổ phiếu và chốt lời, tỷ lệ pha loãng cổ phiếu đã và sẽ tác động tiêu cực tới nhà đầu tư.

Trong trường hợp của GIL, hiện doanh nghiệp có gần 36 triệu cổ phiếu đang niêm yết và dự kiến phát hành riêng lẻ thêm 16,8 triệu cổ phiếu mới để huy động 588 tỷ đồng bổ sung vốn lưu.

Nếu phát hành thành công, doanh nghiệp sẽ có tổng cộng là gần 52,8 triệu cổ phiếu (chưa tính tới cổ tức cổ phiếu dự kiến phát hành). Như vậy, việc bổ sung vốn từ phát hành riêng lẻ trong ngắn hạn chưa giúp lợi nhuận tăng trưởng ngay nhưng đã làm số cổ phiếu tăng lên dẫn tới EPS giảm xuống và định giá P/E tăng lên, điều này dẫn tới cổ phiếu kém hấp dẫn về định giá so với các doanh nghiệp khác trong ngành.

Như vậy, trong ngắn hạn việc phát hành cổ phiếu lẻ đã dẫn tới sự pha loãng EPS của doanh nghiệp từ đó dẫn tới định giá cổ phiếu đắt hơn trong mắt nhà đầu tư. Mặc dù biết pha loãng như vậy nhưng nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục chọn một mức giá phát hành riêng lẻ quá thấp so với giá thị trường, điều này tiếp tục đẩy rủi ro cho nhà đầu tư đang giao dịch cổ phiếu trên sàn.

Vũ Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-dat-xanh-dxg-gilimex-gil-giam-manh-sau-tin-phat-hanh-rieng-le-post271460.html