Cổ phiếu công nghệ đồng loạt bị bán ra, chứng khoán Mỹ khép lại tuần giảm mạnh

Theo thống kê của Wall Street Journal, mức giảm trong phiên của cả ba chỉ số trong ngày hôm qua cao nhất tính từ tháng 6/2020.

Ảnh: MarketWatch

Phiên ngày thứ Sáu là một phiên biến động cực mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ. Ngay từ khi thị trường mở cửa vào lúc 9h30 sáng, nhà đầu tư đồng loạt bán ra cổ phiếu.

Các lệnh và khối lượng bán ra ngày một nhiều, cao điểm nhất ở thời điểm lúc 10h45 sáng, lực bán ra mạnh quá khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 2,02%; chỉ số S&P 500 giảm 3% còn chỉ số Nasdaq sụt đến 5% do cổ phiếu công nghệ đồng loạt bị bán ra.

Sau khoảng thời gian này, tâm lý nhà đầu tư phần nào bình ổn, các lệnh bán ra ít dần và đến chốt phiên thị trường chỉ còn giảm điểm nhẹ, Dow Jones mất 0,57%; S&P 500 giảm 0,83% còn Nasdaq mất 1,28%.

Theo thống kê của Wall Street Journal, mức giảm trong phiên của cả ba chỉ số trong ngày hôm qua như vậy cao nhất tính từ tháng 6/2020.

Nhiều chuyên gia lý giải việc cổ phiếu công nghệ bị bán tháo có nguyên nhân trực tiếp từ việc cổ phiếu công nghệ đã tăng điểm quá mạnh trong khoảng thời gian trước đó. Nhà đầu tư kỳ vọng các công ty công nghệ vượt trội so với các công ty khác trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp công nghệ phát triển mạnh khi mà nhiều người tiêu dùng phụ thuộc vào ứng dụng và phần mềm để phục vụ cho công việc và cuộc sống, ngoài ra họ cũng có nhu cầu giải trí và kết nối cao với bạn bè và gia đình khi các quy định phong tỏa được áp dụng.

Tính cả tuần, các chỉ số giảm điểm mạnh, chuỗi nhiều tuần tăng giá của chỉ số S&P 500 và Nasdaq chấm dứt. Trong 5 ngày giao dịch gần nhất, S&P 500 giảm 2,3% và nhu vậy có tuần giảm giá sâu nhất tính từ tháng 6/2020. Tính cả tuần, chỉ số Nasdaq giảm 3,3% và như vậy có tuần giảm điểm sâu nhất tính từ tháng 3/2020.

Chỉ số Nasdaq mất 1,8% trong tuần. Dù rằng giảm điểm trong tuần nhưng cả ba chỉ số chính hiện vẫn tăng hơn 50% so với mức thấp thiết lập vào tháng 3/2020, chỉ số S&P 500 giao dịch ở ngưỡng tương đương với 2 tuần trước đây.

Tính trong tương quan với quy mô nền kinh tế, nợ tại Mỹ đã leo lên mức cao nhất tính từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai (WWII) và dự kiến đến năm sau, nợ Mỹ sẽ cao hơn tổng quy mô nền kinh tế.

Theo lý giải của giới chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp của điều này chính là việc chính phủ phải chi tiêu nhiều để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Theo Wall Street Journal, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ vào ngày thứ Tư công bố nợ liên bang dự kiến sẽ tương đương hoặc vượt 100% GDP của Mỹ (trong năm tài khóa bắt đầu vào ngày 1/10/2020).

Như vậy, nước Mỹ sẽ chính thức vào nhóm các nước có tỷ lệ nợ vượt quy mô kinh tế bao gồm Nhật, Italy và Hy Lạp.

Trong năm nay, tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ ước tính ở mức 98% , cao nhất tính từ Chiến tranh Thế giới thứ II.

Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng nợ Mỹ đã vượt ngưỡng 20,5 nghìn tỷ USD từ mức 17,7 nghìn tỷ USD, mức tăng ghi nhận 16,6% trong vòng chỉ 3 tháng, theo số liệu của Bộ Tài chính.

Trong cùng thời gian quý 2/2020, kinh tế suy giảm 9,5%, tỷ lệ nợ tính trên tổng GDP ước tính 105,5% từ mức 82% trong quý 1/2020.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vang-tien/co-phieu-cong-nghe-dong-loat-bi-ban-ra-chung-khoan-my-khep-lai-tuan-giam-manh-3551198.html