Cổ phiếu chứng khoán sẽ hút dòng tiền trở lại?

Cổ phiếu chứng khoán thuộc nhóm giảm mạnh nhất trong giai đoạn thị trường điều chỉnh và hiện đang ở mức định giá hấp dẫn. Từ nay tới cuối năm, mặc dù khó tìm lại sự bùng nổ, tuy nhiên, nhóm ngành này đang được kỳ vọng sẽ thu hút trở lại dòng tiền và trên thực tế tín hiệu tích cực đã có dấu hiệu xuất hiện.

Top ngành giảm giá sâu nhất, nhưng dần hồi lại

Cùng với diễn biến chung thị trường chứng khoán trong nước từ đầu năm tới nay, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có nhiều biến động theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung của thị trường, giá của nhiều cổ phiếu chứng khoán giảm có phần mạnh hơn, do đây là nhóm ngành chịu tác động trực tiếp từ biến động của thị trường, nhất là việc thanh khoản giảm.

Thống kê cho thấy, kể từ đầu năm tới nay, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là nhóm có mức giảm mạnh nhất trên thị trường, bình quân giảm 48%, trong đó nhiều cổ phiếu đầu ngành hiện giá chỉ bằng một nửa so với cuối năm ngoái. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/7/2022, SSI đóng cửa tại 20,9 nghìn đồng/cổ phiếu; HCM đạt 24,65 nghìn đồng/cổ phiếu; MBS đạt 20,3 nghìn đồng/cổ phiếu; VCI đạt 38 nghìn đồng/cổ phiếu; VND đạt 18,95 nghìn đồng/cổ phiếu;… Như vậy, nếu so mới vùng đỉnh trong năm 2021, một số cổ phiếu giá chỉ còn khoảng 1/3 so với đỉnh.

Cổ phiếu chứng khoán đã hút dòng tiền trở lại tích cực trong thời gian gần đây. Ảnh: Duy Dũng

Tuy vậy, thị trường chứng khoán trong nước đang có dấu hiệu tạo đáy trong tháng 7, nên nhóm chứng khoán có mức giảm sâu đang được dòng tiền bắt đáy quan tâm. Thống kê cho thấy, nếu tính từ đáy, mức hồi bình quân của nhóm cổ phiếu chứng khoán đã tăng 31% - đây cũng là mức “nẩy” tốt thứ 2 thị trường chỉ sau nhóm cổ phiếu thủy sản.

Cùng với đó, mức tập trung vốn ở nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng rất tích cực, từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 4 chỉ sau tỷ trọng vốn của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng. Quan sát trên thị trường trong 2 tuần vừa qua, dòng tiền vào nhóm chứng khoán đã tăng mạnh, mức tập trung vốn đã vươn lên vị trí thứ 2 thị trường, chiếm tới 16,3%, chỉ đứng sau nhóm cổ phiếu bất động sản.

Có lý do để kỳ vọng

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia của công ty chứng khoán cho rằng, cổ phiếu chứng khoán thường có biến động thuận chiều với diễn biến chung của thị trường chứng khoán. Đây là nhóm ngành có tính đặc thù, vì kết quả kinh doanh phụ thuộc khá lớn vào diễn biến thị trường, nhất là thanh khoản và danh mục đầu tư của từng công ty. Do vậy, việc cổ phiếu chứng khoán giảm mạnh hơn trong tương quan các ngành, cũng như thường có tín hiệu phục hồi trước cũng hoàn toàn dễ lý giải.

Cùng với việc hồi phục theo nhịp hồi chung của thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán thời gian gần đây nhận được sự quan tâm của dòng tiền là nhờ kỳ vọng thanh khoản sẽ tăng trong giai đoạn cuối năm. Mới đây, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã ra thông báo về việc chuẩn bị hệ thống để triển khai áp dụng việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán chứng khoán có chu kỳ thanh toán T+2. Với việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán chứng khoán có chu kỳ thanh toán T+2, nhà đầu tư sẽ giao dịch được vào chiều ngày T+2 khi chứng khoán và tiền đã được hoàn tất thanh toán (T+1,5), không phải đợi tới ngày T+3 như hiện nay. Bên cạnh đó, hiện giao dịch cổ phiếu lô lẻ cũng đang trong quá trình kiểm thử ở giai đoạn cuối, cũng là một thông tin tích cực cho nhiều nhà đầu tư.

Tăng trưởng kinh tế sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,8% trong 6 tháng cuối năm, từ đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,1%. Các động lực chính cho mức tăng trưởng này đến từ mức nền thấp của quý III/2021 khi GDP của Việt Nam giảm 6%, các hoạt động dịch vụ, bao gồm giao thông công cộng, du lịch và giải trí phục hồi mạnh mẽ hơn, các gói kích thích kinh tế mới (giảm 2% VAT, gói bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng, ...), dòng vốn FDI phục hồi sau khi Chính phủ cho phép nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

Dù con số thực tế phải cần thêm thời gian để đo đếm cụ thể, nhưng việc rút ngắn chu kỳ thanh toán sẽ tác động tích cực tới thanh khoản chung của thị trường. Do vậy, đây là thông tin tích cực cho nhóm cổ phiếu chứng khoán, đặc biệt là những công ty có thị phần môi giới cổ phiếu lớn.

Cùng với đó, theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán và các chuyên gia, thị trường chứng khoán trong nước đang có dấu hiệu tạo đáy, đang trong quá trình đi ngang, tích lũy và dự báo sẽ tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm. Các thông tin quốc tế, đặc biệt là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất vẫn khó đoán định, tuy nhiên, thị trường đã dần quen và hấp thụ khá nhiều vào diễn biến giá. Trong khi đó, thông tin kinh tế vĩ mô trong nước, đặc biệt là tăng trưởng GDP và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn rất khả quan.

Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn cuối năm, các thông tin trong nước có thể là luồng động lực chính hỗ trợ thị trường ổn định và tăng trưởng trở lại. Trên thực tế, tăng trưởng GPD quý II đã cho thấy sự ấn tượng và nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận tăng trưởng tốt. Trong tuần qua, nhiều công ty chứng khoán cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng, với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng dương, bất chấp thị trường điều chỉnh mạnh và thanh khoản suy giảm.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ khó tạo sự tăng trưởng ở mức bùng nổ như giai đoạn năm 2021, nhưng trong tương quan chung, nhóm cổ phiếu này vẫn được đánh giá có triển vọng tích cực. Mặc dù nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã hồi phục khá tích cực trong tháng qua, tuy nhiên, xét về mặt định giá thì đang ở mức rất hấp dẫn nếu so sánh với định giá chung của thị trường và mức giá trong quá khứ.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-phieu-chung-khoan-se-hut-dong-tien-tro-lai-109486-109486.html