Cổ phiếu chăn nuôi 'hút' tiền sau siêu bão Yagi
Cổ phiếu chăn nuôi bứt phá trong bối cảnh giá heo hơi tiếp tục tăng cao trở lại trong những ngày gần đây.
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên 10/9 với sắc xanh nhưng nhanh chóng giảm xuống dưới tham chiếu, nhà đầu tư ngoại bán ròng 226 tỷ đồng tính đến kết phiên sáng.
Nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu nhận được sự quan tâm đáng kể. Sau sự tăng trưởng của nhóm thép vào ngày hôm qua, sáng 10/9, các cổ phiếu bán lẻ, tiêu dùng và chăn nuôi như MSN, VNM, SAB, DBC, BAF, HAG, PAN, MML, VLC, VSN, LTG, NAF, VHC, ANV, IDI... đều giao dịch khởi sắc.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu nông nghiệp, chăn nuôi như HAG, BAF, DBC... bất ngờ hút tiền và tăng mạnh từ 3% đến hơn 6%, khớp từ vài triệu đến hàng chục triệu đơn vị. Các cổ phiếu khác cùng ngành là NAF, AGM, PAN cũng đang tăng mạnh, dù thanh khoản thấp hơn.
Cổ phiếu chăn nuôi bứt phá trong bối cảnh giá heo hơi tiếp tục tăng cao trở lại trong những ngày gần đây.
Chuyên gia cho rằng đà tăng của nhóm cổ phiếu thép (ngày 9/9) và nhóm tiêu dùng, chăn nuôi (sáng 10/9) có nhiều yếu tố tâm lý ngắn hạn. Cụ thể, miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi và hoàn lưu sau bão, có thể đẩy nhu cầu sửa chữa và xây dựng tăng cao.
Trong khi đó, ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai... có thể gây thiệt hại đến các đàn gia súc, đặc biệt là lợn, từ đó tác động đến nguồn cung trên thị trường.
Trong bối cảnh trên, Chứng khoán DSC nhận định Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) sẽ là doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết hưởng lợi lớn trong sóng giá heo lần này.
Tính đến hết quý 2/2024, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của Tập đoàn Dabaco lên đến 3.937 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng tồn kho. Chứng khoán DSC nhận định phần lớn chi phí này là đàn heo thịt đợi xuất chuồng với tổng đàn thường xuyên là hơn 250.000 con.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco cũng cho biết đã chủ động tái đàn sớm hơn các đối thủ trong ngành, vì vậy tập đoàn sẽ có thể chiếm lợi thế lớn trong bối cảnh nguồn cung heo sụt giảm.
Lượng tồn kho dồi dào được kỳ vọng có thể trở thành một trong những đòn bẩy giúp Tập đoàn Dabaco cải thiện kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm.
Ngoài yếu tố giá heo tăng cao, biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi heo của Tập đoàn Dabaco còn có dư địa được mở rộng khi giá thức ăn chăn nuôi dần giảm xuống. Thức ăn chăn nuôi thường chiếm khoảng 60 - 70% giá thành sản xuất chăn nuôi.
Do tồn tại độ lệch giữa giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm nên doanh nghiệp sản xuất thường chốt hợp đồng mua nguyên liệu trước khoảng 3-6 tháng, cộng thêm thời gian vận chuyển khoảng 1,5 tháng và thời gian lưu kho dưới 3 tháng.
Vì vậy, lợi thế từ việc giá nguyên liệu giảm sẽ dần được phản ánh vào chi phí chăn nuôi của Tập đoàn Dabaco trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025.
Mặt khác, triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Dabaco còn được hỗ trợ bởi kế hoạch thương mại hóa vaccine dịch tả heo châu Phi trong quý IV/2024. Tập đoàn Dabaco cho biết vaccine đã được thử nghiệm thành công tại các đơn vị chăn nuôi của tập đoàn, nhờ vậy dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong giai đoạn vừa qua, năng suất sinh sản đàn heo nái được nâng cao, cá biệt có đơn vị đạt 33-35 con/nái/năm.
Hiện, tập đoàn đang khẩn trương hoàn tất các bước cuối cùng để đồng bộ hóa Nhà máy sản xuất vaccine và hoàn thiện các bước cuối cùng để thương mại hóa vaccine dịch tả heo châu Phi.