Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/12

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/12 của các công ty chứng khoán.

BSR nhiều khả năng không đạt được kế hoạch năm 2019

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Trong 11 tháng năm 2019, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR - UPCoM) đã sản xuất 6,4 triệu tấn sản phẩm, tương đương công suất 107% do BSR không có đợt đại tu trong 2019. Doanh thu 11 tháng ước đạt 92.848 tỷ đồng, hoàn thành được 94,7% kế hoạch 2019; theo đó, trong 2 tháng 10/2019 và 11/2019, BSR đã đạt doanh thu 18.922 tỷ đồng, tương đương 82,2% doanh thu quý III/2019.

Theo KBSV, BSR nhiều khả năng sẽ không đạt được kế hoạch năm 2019 do giá các sản phẩm chính như xăng và diesel đang dao động đi ngang.

Về tình hình 2020, KBSV kì vọng crack spread diesel và xăng sẽ được cải thiện do IMO 2020 và tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lắng xuống. Năm 2020, BSR sẽ có đợt đại tu 3 năm/lần khiến nhà máy phải tạm dừng khoảng 2 tháng. Lợi nhuận BSR 2020 được dự báo giữ nguyên hoặc tăng nhẹ.

>> Tải báo cáo

Đánh giá khả quan hoạt động kinh doanh của TNG

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi đánh giá khả quan với hoạt động kinh doanh của TNG trên cơ sở (i) hiệu quả trong hoạt động tái cơ cấu tệp khách hàng, tập trung vào khách hàng lớn và uy tín, (ii) hệ thống quản trị nhân lực và hoạt động kinh doanh tốt, và (iii) chủ trương mở rộng năng lực sản xuất (khoảng 290 chuyền may đến 2020), đảm bảo đáp ứng sự gia tăng đơn hàng.

TNG đã có những bước đi thành công trong việc tái cơ cấu tệp khách hàng, trong đó tập trung vào các khách hàng lớn có thương hiệu và uy tín. Đây được coi là tiền đề giúp doanh nghiệp tránh được tình trạng sụt giảm đơn hàng trong bối cảnh tình hình chung của ngành đang gặp khó khăn do lo ngại căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Bên cạnh đó, TNG đã có đủ đơn hàng cho năm 2020. Đại diện TNG cho biết trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đang phải đối mặt với tình trạng giảm mạnh đơn hàng, đặc biệt ở các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh sợi do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tình hình đơn hàng của Công ty vẫn ghi nhận khả quan nhờ theo đuổi phát triển bền vững và cải tiến quản trị đáp ứng được tiêu chuẩn của khách hàng. Các khách hàng chủ yếu đến từ EU và Mỹ với yêu cầu TNG nâng công suất.

Ngoài các khách hàng truyền thống như Decathlon, Cosco và The Children’s place, TNG đang tiếp xúc với các khách hàng Nga và bước đầu nhận được phản hồi khá tốt.

Lợi nhuận 2019 dự kiến đạt 220 tỷ đồng, tăng 22% so với năm ngoái. Căn cứ vào các đơn hàng hiện có trong năm 2019, TNG có thể ghi nhận 4.500 tỷ đồng doanh thu và 220 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 25% và 22%. Với kết quả này, TNG vượt 8% kế hoạch doanh thu và 6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Theo kết quả kinh doanh tháng 10/2019, TNG đạt 403 tỷ đồng doanh thu, tăng 28% n/n, trong khi đó lợi nhuận sau thuế đạt 22 tỷ đồng, tăng ~32% n/n. Biên lợi nhuận gộp giảm còn 15,6%, thấp hơn so với mức 17,1% cùng kỳ năm ngoái, khiến biên lợi nhuận gộp 10 tháng chỉ còn khoảng 16,5%. Lũy kế 10 tháng, TNG ghi nhận tăng 32% n/n doanh thu, đạt tương ứng 3.971 tỷ đồng.

TNG tiếp tục tập trung sâu vào công tác quản trị đến từng bộ phận, nhà máy trực thuộc cũng như cải tiến máy móc, từ đó giúp tăng năng suất và giảm chi phí. Cụ thể, CP bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng thấp hơn doanh thu, tương ứng tăng 26% và 22% n/n, giúp biên lợi nhuận ròng cải thiện nhẹ, đạt 4,9%, cao hơn mức 4,84% năm ngoái.

Cơ cấu tài chính vẫn nghiêng về nợ vay với tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản vẫn chiếm tỷ trọng cao ~55%, trong đó nợ vay ngắn hạn 1.006 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 606 tỷ đồng. Việc sử dụng vay ngắn hạn cho mục đích dài hạn tiếp tục là điểm yếu của TNG trong cân đối nguồn vốn của doanh nghiệp.

Đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 12%/năm và lợi nhuận 15%/năm giai đoạn 2020-2024. Theo kế hoạch, TNG dự kiến sẽ đạt 7.247 tỷ đồng doanh thu và 442 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đến năm 2024, trong đó chỉ đến từ hoạt động dệt may.

Công ty tiếp tục định hướng may mặc vẫn là ngành giữ vai trò chủ đạo và đóng góp chính cho doanh thu và lợi nhuận của công ty. TNG lên kế hoạch tăng đầu tư 100 tỷ đồng vào nhà máy may TNG Đồng Hỷ giai đoạn 2 với 15 chuyền may trong năm 2020, theo đó tổng chuyển may toàn công ty sẽ đạt 267 chuyền may. Trong tháng 12/2919, TNG cũng sẽ khởi công nhà máy may TNG Võ Nhai với tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng và quy mô 32 chuyền may.

D2D có thể mất giá cho đến khi chạm ngưỡng 65

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu D2D của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 đang trong quá trình giảm giá sau khi đã chưa thể vượt được vùng đỉnh lịch sử tại xung quanh giá 90. Thanh khoản tăng cao tại những phiên giảm điểm mạnh cho thấy áp lực bán tháo đang diễn ra tại cổ phiếu này.

Chỉ báo MACD duy trì histogram âm đồng thuận với đà giảm của D2D.

Bên cạnh đó, các đường EMA đã xuất hiện Death Cross, xác nhận sự khởi đầu của một viễn cảnh kém tươi sáng trong thời gian tới đối với diễn biến giá cổ phiếu. Đồng thời, chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá bán cho thấy dư địa giảm vẫn còn.

Dự kiến D2D có thể mất giá cho đến khi chạm ngưỡng hỗ trợ 65 trong vài tuần tiếp theo. Nếu mốc này bị xuyên thủng thì cổ phiếu sẽ xác nhận mô hình hai đỉnh hướng xuống và sẽ kiểm tra tiếp các khu vực hỗ trợ bên dưới.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhan-dinh/co-phieu-can-quan-tam-ngay-312-305820.html