Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/5

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/5 của các công ty chứng khoán.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu VTP nằm tại mức 100

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu VTP nằm tại mức 100

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu VTP của Tổng CTCP Bưu chính Viettel đang ở trong trạng thái hồi phục trở lại sau khi có giai đoạn giảm trong 4 tháng đầu năm nay. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 đồng thời đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 nên cổ phiếu tiềm năng sẽ thiết lập đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VTP nằm tại khu vực 88.5-89. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 100, cắt lỗ nếu ngưỡng 86.3 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STK với giá mục tiêu 41.000 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

Chiến lược phát triển sợi tái chế tạo động lực tăng trưởng dài hạn: Xu hướng các nhãn hàng thời trang lớn đang chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường với những tính năng nổi trội đã tạo ra nhu cầu ngày càng cao cho sản phẩm sợi tái chế.

Nắm bắt được xu hướng ngành, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) đặt kế hoạch gia tăng tỷ trọng sợi tái chế đồng thời giảm tỷ trọng sợi nguyên sinh khi biên lợi nhuận mảng sợi nguyên sinh ngày càng thu hẹp. STK kỳ vọng sẽ gia tăng tỷ trọng sợi tái chế lên 100% doanh thu vào năm 2025, tạo động lực tăng trưởng cho Công ty.

Dự án liên minh Sợi – Dệt – Nhuộm gia tăng cơ hội hưởng lợi gián tiếp từ CPTPP: STK đã thành lập liên minh từ vải đến may mặc với đối tác dệt và đối tác may. Đối tác dệt sẽ khởi công xây dựng trước vào năm 2020, tiếp theo STK sẽ khởi công xây dựng nhà máy sợi vào năm 2021.

CPTPP yêu cầu các công đoạn từ sợi trở đi phải được thực hiện ở các nước thành viên CPTPP. Do đó, để hưởng lợi từ CPTPP, các doanh nghiệp may và dệt nhuộm sẽ ưu tiên sợi sản xuất trong nước. Hơn nữa, với chủ trương phát triển chuỗi cung ứng dệt nhuộm may nội địa của nhà nước, nhu cầu sợi nội địa có tiềm năng gia tăng trong tương lai.

Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex: Nhà máy mới tại Tây Ninh với tổng công suất là 60,000 tấn/năm, gấp đôi công suất hiện tại, được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 36,000 tấn/năm; giai đoạn 2: 24,000 tấn/năm). Tổng vốn đầu tư của dự án là 120 triệu USD (giai đoạn 1: 75 triệu USD, giai đoạn 2: 45 triệu USD). Cơ cấu vốn của dự án: 70% nợ vay và 30% vốn chủ sở hữu.

Nhà máy khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2021. Năm 2023, nhà máy đưa vào hoạt động giai đoạn 1 khởi công xây dựng giai đoạn 2. Đến năm 2025 thì hoàn thành giai đoạn 2. Nhà máy tập trung sản xuất sợi tái chế, sợi chất lượng cao, và sợi đặc biệt. Theo ước tính của STK, nhà máy mới sẽ giúp công ty đặt tốc độ tăng trưởng bình quân năm (CAGR) vào khoảng 20% trong giai đoạn 2021-2025.

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu STK khoảng 41.000 đồng/cổ phiếu (+25% so với giá hiện tại). Do đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Khuyến nghị bán dành cho cổ phiếu TCM

CTCK Phú Hưng (PHS)

Chuỗi cung ứng Dệt – Nhuộm – May tạo lợi thế giúp CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) ổn định nguồn cung nguyên liệu, khắc phục “điểm nghẽn” của ngành dệt may. TCM sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh gồm sợi, dệt, đan, nhuộm, may và phân phối, giúp TCM tự chủ nguồn cung vải và ổn định biên lợi nhuận.

Tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu là điểm vượt trội của TCM so với các doanh nghiệp khác trong ngành khi “điểm nghẽn” của ngành là 70% vải nguyên liệu phục vụ cho sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu.

TCM sẽ đầu tư xây dựng nhà máy may số 2 tại Vĩnh Long vào tháng 4/2021. Nhà máy với công suất 12 triệu sản phẩm/năm, đi vào hoạt động sẽ tăng công suất may thêm 50% lên 36 triệu sản phẩm/năm trong năm 2022.

Bên cạnh đó, TCM có kế hoạch đầu tư nhà máy nhuộm và đan của dự án Vĩnh Long trong 2022, sau khi hoàn thành sẽ tăng thêm 33% công suất vải đan và 50% công suất vải dệt.

Hơn nữa, trong năm 2019, TCM đã gia nhập chuỗi giá trị của Adidas, việc nhà máy Vĩnh Long số 2 đi vào hoạt động sẽ giúp TCM tháo gỡ thách thức trong năm 2019 khi năng lực may hiện tại không thể giải quyết hết được các đơn hàng xuất khẩu đã nhận và nắm bắt tốt hơn cơ hội từ Adidas.

Chiến lược tập trung công tác nghiên cứu phát triển (R&BD) nâng cao giá trị chuỗi cung ứng. Nhằm bắt kịp xu hướng thời trang thế giới và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, TCM đã hợp tác với Viện nghiên cứu dệt may Hàn Quốc (KOTITI Global) gia tăng công tác R&BD, để phát triển các loại vải có tính năng nổi trội, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm của TCM. Năm 2020, TCM đã cho ra mắt thương hiệu thời trang INNOF bán trong nước và ONLEE bán trên Amazon.

Hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA nhiều hơn so với những doanh nghiệp cùng ngành. Chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho TCM đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ của CPTPP và EVFTA. .

Định giá và khuyến nghị Chúng tôi ước tính doanh thu năm 2021 khoảng 3.806 tỷ đồng (tăng 9,7% so với năm ngoái), trong khi lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 287 tỷ đồng (tăng trưởng 4%). Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu TCM khoảng 82.800 đồng/cổ phiếu (-20% so với giá hiện tại).

Chúng tôi cho rằng các tiềm năng tăng trưởng của TCM đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Do đó đưa ra khuyến nghị bán cổ phiếu này trong ngắn và trung hạn.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-25-5-post270122.html