Cổ phiếu bị bán tháo, chứng khoán châu Á xuống đáy 6 tháng

Giới đầu tư toàn cầu rơi vào trạng thái 'ngồi trên lửa' kể từ khi ông Trump tuyên bố áp thuế lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc...

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thị trường chứng khoán châu Á giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng rưỡi trong phiên giao dịch đầu tuần (5/8), khi cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu và rót vốn mạnh vào những tài sản an toàn như Yên Nhật, trái phiếu chính phủ và vàng.

Nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu rơi vào trạng thái "ngồi trên lửa" kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuần trước bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Động thái của ông Trump đặt dấu chấm hết cho quãng thời gian hòa hoãn kéo dài hơn 1 tháng, và Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ sớm có biện pháp đáp trả tương xứng.

Cùng với sự lao dốc của chứng khoán châu Á sáng nay, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc lần đầu tiên giảm dưới mốc 7 tệ đổi 1 USD kể từ năm 2008.

"Mọi thứ đều đang bị bán tháo", ông Ray Attrill, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối thuộc National Australia Bank, phát biểu. "Chúng tôi không thấy có lý do gì để tin rằng việc bán tháo tài sản này sẽ sớm giảm bớt, trừ phi Trung Quốc có biện pháp mạnh để bảo vệ tỷ giá Nhân dân tệ. Chúng tôi cho rằng việc sớm có một giải pháp ý nghĩa cho mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung là điều rất khó đạt được".

Sắc đỏ tràn ngập các thị trường chứng khoán chủ chốt ở châu Á sáng đầu tuần. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản mất hơn 2,3% điểm số trong phiên sáng, chạm đáy kể từ đầu tháng 6 và đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.

Chứng khoán Australia có phiên giảm thứ tư liên tục, với mức giảm 1,4% của chỉ số ASX 200. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc sụt 2,2%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016.

Chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm hơn 0,8%.

Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông giảm 3%, chạm đáy của 7 tháng trong bối cảnh biểu tình diễn biến phức tạp.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản rớt 2,1%, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Phiên "đỏ lửa" này của chứng khoán châu Á là sự tiếp nối tuần giảm tệ nhất kể từ tháng 12/2018 của chứng khoán Mỹ vào tuần trước.

Cũng trong tuần trước, chứng khoán thế giới giảm mạnh nhất kể từ đầu năm dưới sức ép mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đặt ra cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Một nhân tố khác khiến giới đầu tư thất vọng trong tuần trước là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tuyên bố sẽ không cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay. Ông Powell nói rằng động thái hạ lãi suất hôm 31/7 của FED chỉ là "sự điều chỉnh giữa chu kỳ".

Tuy nhiên, giới đầu tư hiện không tin vào điều này. Sau kế hoạch áp thuế quan mới của ông Trump, thị trường cho rằng với áp lực mà thương chiến gây ra, FED sẽ buộc phải hạ thêm lãi suất trong thời gian còn lại của năm.

Các nhà phân tích của TD Securities hiện dự báo trong vòng khoảng 1 năm tới, FED sẽ phải có không dưới 5 lần giảm lãi suất, với tổng mức cắt giảm 1,25 điểm phần trăm.

Diễn biến lợi suất trái phiếu đang phản ánh dự báo lãi suất đi xuống, với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 7 điểm cơ bản trong phiên châu Á sáng nay, còn 1,77%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Australia và New Zealand cũng xuống thấp chưa từng thấy.

Hôm thứ Sáu, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức xuống thấp kỷ lục ở mức âm 0,502%. Toàn bộ đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Đức lần đầu tiên trong lịch sử chuyển sang trạng thái âm.

Ngoài trái phiếu chính phủ, giới đầu tư còn đang mua những tài sản khác được cho là an toàn như vàng, đồng Franc Thụy Sỹ và đồng Yên Nhật.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/co-phieu-bi-ban-thao-chung-khoan-chau-a-xuong-day-6-thang-20190805122314812.htm