Có Phật trong nhà

Trong cuộc trò chuyện với đôi vợ chồng Phật tử trẻ Diệu Âm Hương Tràng và Xương Thiện, chúng tôi được nghe những chia sẻ đầy thú vị của đôi bạn trẻ về 'tình yêu với Đức Thế Tôn' bằng cách áp dụng giáo lý của Ngài vào đời sống, từ việc dạy con cho đến việc dựng xây mái ấm...

Hướng con về nẻo thiện

Bạn Diệu Âm Hương Tràng (32 tuổi, TP.Long Khánh, Đồng Nai) kể, có lần nhờ tình cờ nghe được bài giảng “Bóng mây” của TT.Thích Thiện Thuận, rồi tìm nghe nhiều bài giảng từ Pháp âm của chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM) mà bạn biết đến Phật pháp. Sau đó, bạn tham gia Hội Phật tử Trái Tim Yêu Thương để trao đổi, học hỏi, cùng nhau làm từ thiện, bạn và ông xã hiện tại đã quen biết nhau từ trong nhóm. Nhờ duyên lành mà hai vợ chồng được làm lễ hằng thuận trang nghiêm tại chùa Long Phước (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) dưới sự chứng minh của quý Sư cô tại bổn tự. “Giờ đây chúng tôi đã có ba bé: Gia An 5 tuổi, Gia Lạc 3 tuổi và Tuệ Tâm 1,5 tháng tuổi”, Diệu Âm Hương Tràng bộc bạch.

Hai đứa con lớn của Diệu Âm Hương Tràng chơi cùng em, yêu thương em, trêu cho em cười, theo cách riêng của “anh, chị”

Trong câu chuyện kể, bạn cho biết bản thân luôn áp dụng lời Phật dạy vào đời sống:

“Hai vợ chồng đều tâm niệm ba mẹ là tấm gương để con noi theo. Vì vậy, tụi mình luôn lấy hành động của bản thân để hướng thiện cho con, dạy con biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn bằng cách cho con tự tay nuôi heo đất để giúp đỡ các anh chị vùng Tây Bắc, tự tay gửi đến các cụ già những món quà nho nhỏ và giải thích cho các con nghe về việc mà các con đang làm”.

Hai vợ chồng thường dẫn các con đến chùa lạy Phật, tham gia sớt bát, cúng dường Tam bảo để mong con tạo duyên lành với Phật pháp. Các bé rất thích nghe đọc truyện, cả hai tìm truyện về Đức Phật và những mẩu chuyện về đạo làm người để đọc cho các con nghe, nhắc nhở các con luôn kính trọng lễ phép với người lớn, hiếu thuận với ông bà.

Hai vợ chồng rất hiếm khi cho các con xem tivi, điện thoại. Muốn cho các con sống gần gũi với thiên nhiên, nên cả hai không ngại làm một mảnh vườn nho nhỏ để cùng các con tham gia trồng trọt và thu hoạch, cho các con nhiều cơ hội để phụ giúp ba mẹ và mọi người, trải nghiệm xung quanh. Các con thường lượm những trái sầu riêng non trong vườn rơi rụng để chơi trò bán đồ hàng, nhào nặn đất, dẫm bùn, tắm mưa. Đặc biệt, hai bạn dạy các con không được dùng tính mạng của con vật khác để làm trò vui cho mình. Không giết con gì, không làm con gì tổn thương.

Đi rẫy, khi được các bác hàng xóm cho những con cua, hai bạn luôn nói với các con chỉ nên nhìn, không làm đau các con vật để chúng về với gia đình của chúng. Vì con cua cũng có mẹ, nên thả chúng về nhà. Bạn kiên nhẫn nói cho các con nghe về tình thương, mình cũng muốn có mẹ, thì con cua cũng vậy. Nghe xong, các con đều tự nguyện trả tự do cho con cua. Từ đó các con yêu loài vật hơn, không bao giờ muốn làm đau chúng.

Từ câu chuyện của các con mình, Diệu Âm Hương Tràng đúc kết: “Trong mỗi câu chuyện, mỗi hành động hàng ngày, quan sát các con chính là cơ hội để dạy con những bài học, góp nhặt yêu thương, cũng là cách để tụi mình trưởng thành hơn, với chức trách là cha, là mẹ”.

“Cơm lành, canh ngọt” nhờ lời Phật dạy

Câu chuyện dựng xây mái ấm của Diệu Âm Hương Tràng khiến người đối diện dù chỉ lắng nghe thôi cũng cảm nhận rõ nét về niềm hạnh phúc lớn lao trong gia đình nhỏ của cô. Những câu chuyện Phật pháp luôn được mang vào những sinh hoạt rất đời thường. Bạn kể: “Có nhiều lúc hai vợ chồng giận nhau ghê lắm. Nhưng nhớ lại lời dạy của quý Sư cô lúc làm lễ hằng thuận, vợ chồng phải thương kính nhau nên mình thường dịu lại. Hơn nữa nhìn kỹ, mình thấy bản thân cũng có cái sai, còn ông xã cũng có những điều tốt của ông xã. Giận nhau là do mình cứ nhìn cái xấu không thôi, khi nhớ lại cái tốt thì mình nghĩ ông xã mình vậy là tốt lắm rồi. Vậy là huề nhau, cơm lành canh ngọt”.

Bạn Xương Thiện hướng dẫn con trẻ tham gia lễ sớt bát cúng dường quý Sư

Riêng Xương Thiện cũng hạnh phúc chia sẻ: “Trong thời gian quen nhau, yêu nhau, sống cùng với nhau, tụi mình có nhiều giận hờn. Lúc này, chỉ cần một trong hai người rủ người còn lại đi chùa lễ Phật là mọi giận hờn tan biến. Đối diện trước tôn tượng của Đức Phật, nhớ về giáo lý của Đức Phật, nhớ lời phát nguyện lúc làm lễ hằng thuận tại chùa, cả hai gác lại những bức bách, dỗi hờn, nhìn lại mình và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Và cũng nhờ áp dụng lời dạy của Đức Phật vào việc nuôi dạy các con trong đời sống hàng ngày mà các con trở thành những cô bé cậu bé rất giàu tình cảm, biết thương yêu chia sẻ, biết nhường nhịn, tuy nhiên vẫn giữ được sự tinh nghịch theo cách của trẻ con”.

Cứ như vậy, mỗi ngày, giáo lý Đức Phật đã nâng đỡ, hướng đôi vợ chồng trẻ về với lối sống giản đơn, biết đủ và tìm thấy hạnh phúc từ những điều nhỏ nhặt theo cách riêng của mình, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Khánh Vi

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phatgiaotuoitre/2020/05/14/3bd691/