Cổ phần hóa VRG: Khó khăn trong việc tìm nhà đầu tư chiến lược!

Việc cổ đông nhà nước vẫn nắm phần vốn lớn và khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược sẽ là những thách thức không nhỏ cho sự thành công của đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) mà tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) sắp tiến hành.

Chốt phương án cổ phần hóa

Mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký phê duyệt phương án cổ phần hóa tập đoàn Cao su Việt Nam với hình thức cổ phần hóa kết hợp bán phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là công ty cổ phần có vốn điều lệ 40.000 tỉ đồng. Về cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, tổng số cổ phần là 4 tỉ cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, cổ phần nhà nước là 3 tỉ cổ phần, chiếm 75% vốn điều lệ; cổ phần đấu giá công khai là 475 triệu cổ phần, chiếm 11,88% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược tương đương lượng cổ phần bán đấu giá công khai, cũng chiếm 11,88% vốn điều lệ; còn lại một phần nhỏ là bán ưu đãi cho người lao động và bán cho tổ chức công đoàn, chiếm 1,24% vốn điều lệ. Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa là 13.000 đồng/cổ phần. Tại mức giá này, vốn hóa của VRG đạt 52.000 tỉ đồng và lượng cổ phần đấu giá có giá trị gần 6.200 tỉ đồng. Như vậy, đợt IPO của VRG sẽ có giá trị tương đương với đợt IPO của Tổng công ty Điện lực Dầu khí PV Power (sẽ tiến hành đấu giá công khai 468 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.400 đồng/cổ phần vào ngày 31-1-2018).

“Điểm cộng” của VRG khi IPO là giá cao su đang có xu hướng phục hồi khá tốt. Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của tập đoàn này cũng không tệ, thậm chí “sống khỏe” ngay cả thời điểm giá cao su xuống đáy. Chưa kể, quỹ đất dồi dào của tập đoàn cũng đang là “món ngon” trong mắt nhiều nhà đầu tư. Đây là lợi thế không phải doanh nghiệp nào cũng có. Việc khai thác quỹ đất khổng lồ này có thể mang lại lợi nhuận khủng cho tập đoàn trong tương lai.

Doanh thu, lợi nhuận của VRG đến từ bốn mảng chính: kinh doanh gỗ (chiếm tỷ lệ lớn nhất), mủ cao su, các khu công nghiệp và chế biến mủ cao su. Năm 2016, lãi sau thuế của VRG đạt 1.500 tỉ đồng. Trong sáu tháng đầu năm 2017, doanh thu của tập đoàn ước đạt 10.537 tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 2.292 tỉ đồng, đạt 60% kế hoạch năm; nộp ngân sách 1.798 tỉ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Sẽ không dễ tìm nhà đầu tư chiến lược!

Liên quan đến việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, phương án cổ phần hóa VRG chỉ rõ: sẽ không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Vì sao Chính phủ lại nhất quyết như vậy? Lý do quan trọng nhất nằm ở tài sản đất đai mà VRG đang nắm giữ. Hiện tập đoàn đang quản lý quỹ đất rất lớn, tới 420.000 héc ta cao su, gồm 300.000 héc ta trong nước (nhiều nơi có vị trí rất quan trọng, tại khu vực đô thị cũng có những vị trí đắc địa) và 120.000 héc ta ở Lào và Campuchia (muốn cổ phần hóa, đưa thêm nhà đầu tư khác ở nước ngoài vào cần có sự đồng ý của hai nước bạn Lào và Campuchia).

Phương án đã chốt như vậy nên VRG chỉ có thể tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong nước. Điều này rõ ràng sẽ làm hẹp lại cơ hội của VRG trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Ngoài việc “kén” những nhà đầu tư am hiểu lĩnh vực nông nghiệp, cùng chung chí hướng thì thế khó lớn nhất của VRG là lượng vốn cần thoái hiện quá lớn so với các doanh nghiệp nông nghiệp trên thị trường. Việc tìm được một vài nhà đầu tư đủ tiềm lực để rót thêm hơn 6.000 tỉ đồng mua lại phần vốn của Nhà nước tại VRG hiện nay không hề đơn giản. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp được coi là có tỷ suất lợi nhuận thấp, các nhà đầu tư lựa chọn VRG không phải là “đầu tư tài chính”, mà là đầu tư chiến lược, có ý định tham gia lĩnh vực nông nghiệp thực sự. Nhìn trên thị trường, không phải không có nhà đầu tư, doanh nghiệp phù hợp với tầm nhìn và chiến lược của VRG, song các doanh nghiệp này cũng đang ấp ủ những dự án riêng trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, việc hợp tác với VRG có lẽ vẫn phải chờ đợi thêm.

Không chỉ vì quy mô quá lớn, mô hình tổ chức của VRG cũng khá phức tạp, có thể khiến một số nhà đầu tư nản lòng nếu muốn tham gia cơ cấu lại hoạt động của tập đoàn này. Theo báo cáo cổ phần hóa, VRG có đến 123 đơn vị thành viên, trong đó có 75 doanh nghiệp cấp II và 48 doanh nghiệp cấp III. Trong đó, đáng chú ý là rất nhiều đơn vị thành viên có quy mô rất lớn nhưng chưa tiến hành cổ phần hóa như Cao su Đồng Nai, Cao su Dầu Tiếng hay Phú Riềng... Điều này dẫn đến tính minh bạch và khả năng thu thập số liệu đủ độ tin cậy của tập đoàn bị ảnh hưởng.

Linh Trang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/267616/co-phan-hoa-vrg-kho-khan-trong-viec-tim-nha-dau-tu-chien-luoc.html