Cổ phần hóa ở TP.HCM: Doanh nghiệp lũng đoạn tài sản nhà nước bằng chiêu gì?

Nhiều chiêu thức làm thất thoát vốn nhà nước khi cổ hóa doanh nghiệp nhà nước ở TP.HCM đã được đại diện Thanh tra TP.HCM chỉ ra tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2018, vừa diễn ra chiều 24.1. Mới đây, Thanh tra TP.HCM có báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn TP.HCM và đã phát hiện 103 địa chỉ đất công sai phạm.

Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) có sai phạm khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc IPC - Ảnh: ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bà Lương Thị Nga, Trưởng phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo số 6 (Thanh tra TP.HCM) cho biết phòng của bà được giao nhiệm vụ xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo các lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc UBND TP.HCM.

Qua thanh tra, kiểm tra đơn vị này nhận thấy có những thiếu sót, bất cập diễn ra dẫn đến khả năng gây thất thoát tài sản nhà nước thường liên quan đến công tác thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp và xác định tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ.

Về việc xác định gia trị doanh nghiệp, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của đơn vị tư vấn và thẩm định của các cơ quan chức năng chưa chính xác, chưa phù hợp với quy định, chưa đảm bảo chặt chẽ về trình tự, thủ tục, cụ thể:

Xác định số lượng tài sản của doanh nhiệp chưa đầy đủ dẫn đến giảm giá trị doanh nghiệp: kiểm kê tài sản thiếu; có những tài sản cố định đã hết khấu hao nhưng còn giá trị sử dụng, nhưng đơn vị không đánh giá lại và không có trong danh mục kiểm kê; diện tích thực tế công trình xây dựng có hiện trạng lớn hơn so với diện tích được giao (do quá trình quản lý, sử dụng, doanh nghiệp mở rộng diện tích sàn sử dụng) nhưng vẫn tính tài sản theo diện tích được giao làm giảm tài sản nhà nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (giữa) cho biết sắp tới sẽ có những chỉ đạo để lực lượng Thanh tra TP.HCM hoạt động hiệu quả hơn, trong đó giám sát chặt việc cổ phần hóa ở doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM - Ảnh: Trung Hiếu

Xác định giá trị tài sản chưa đúng thực tế làm giảm giá trị doanh nghiệp, cụ thể: xác định tỷ lệ chất lượng còn lại của tài sản thấp hơn thực tế; áp dụng không đúng đơn giá xây dựng đối với nhà cửa, vật kiến trúc, công trình khác… được quy định tại biểu giá chuẩn về suất vốn đầu tư xây dựng công trình; quá trình quản lý, sử dụng, doanh nghiệp có cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu mà không hạch toán tăng giá trị tài sản; đánh giá giá trị địa lý khu đất chưa phù hợp với giá thị trường.

Để vốn nhà nước như "chỉ mành treo chuông"

Về xử lý các khoản nợ khó đòi: có các khoản nợ thực tế không đòi được, tuy nhiên không được xử lý trước khi cổ phần hóa làm ảnh hưởng đến tính minh bạch tài chính của doanh nghiệp dẫn đến khó thu hút nhà đầu tư tham gia góp vốn. Mặt khác cũng có trường hợp, doanh nghiệp hạch toán tăng nợ không đòi được dẫn đến giảm vốn nhà nước.

Về tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa, bà Lương Thị Nga cho hay việc xác định vốn điều lệ chưa căn cứ vào nhu cầu vốn cần thiết thực tế của doanh nghiệp; tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ cổ phần hóa và phần vốn nhà nước ban hành ra ngoài không phù hợp với đề án tái cơ cấu và phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

Việc lựa chọn cổ đông chiến lược chưa được thực hiện đầy đủ các thủ tục về việc lựa chọn, phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược theo quy định của Bộ Tài chính. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho doanh nghiệp và chưa đáp ứng dầy đủ những yêu cầu thực tiễn với ngành nghề kinh doanh của đơn vị, dẫn đến không thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm và tài chính để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Đáng chú ý, bà Lương Thị Nga nêu trong quá trình cổ phần hóa, người đại diện quản lý doanh nghiệp, ban chỉ đạo cổ phần hóa thường thiếu thẩm tra, mà chủ yếu căn cứ kết quả thẩm định giá của đơn vị tư vấn dẫn đến không phát hiện những thiếu sót gây thất thoát tài sản nhà nước.

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, đơn vị gây ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về nhà đất công, tài chính, ký khống hợp đồng hàng chục tỉ đồng... Từ các sai phạm này, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc tổng công ty này, là ông Lê Tấn Hùng vừa bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng - Ảnh: ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Vốn điều lệ khi thành lập công ty thẩm định giá thường có giá trị chỉ vài tỉ đồng, nhưng thực hiện dịch vụ tư vấn thẩm định giá tài sản có giá trị hàng trăm tỉ đồng. Mặt khác hiện chưa có quy định bắt buộc công ty thẩm định giá phải có bảo hiểm trách nhiệm vật chất đủ để bảo đảm việc bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố, sai sót, do đơn vị tư vấn chỉ chịu trách nhiệm bồi thường trong phạm vi đăng ký vốn.

Bà Lương Thị Nga cũng nêu lên bất cập khi cổ phần hóa các doanh nghiệp không đánh giá lại phần vốn nhà nước đã đầu tư vào các dự án dở dang mà vẫn giữ nguyên giá trị sổ sách dẫn đến các dự án không được thẩm định lại theo giá trị thị trường. Trong khi đó có nhiều khu đất giá thực tế tại thời điểm cổ phần hóa đã tăng gấp nhiều lần so với thời điểm bồi thường, nhưng vẫn tính theo giá trị sổ sách, làm thiệt hại vốn nhà nước...

Hàng trăm địa chỉ nhà đất công sai phạm

Trong năm 2018, Thanh tra TP.HCM có báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn TP.HCM và đã phát hiện 103 địa chỉ đất công sai phạm (tính đến tháng 6.2018).

Đa số sai phạm là vấn đề mục đích sử dụng (92 mặt bằng), trong đó sử dụng không đúng mục đích, sai quy định là 17 mặt bằng; cho thuê trái phép 32 mặt bằng; không quản lý, bỏ trống gây lãng phí 26 mặt bằng; để xảy ra lấn chiếm 3 mặt bằng… Ngoài ra, có nhiều trường hợp sai phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng; trái quy hoạch xây dựng; trái quy hoạch sử dụng đất...

Khu "đất vàng" số 8 - 12 Lê Duẩn (Q.1) được xác định có sai phạm trong quá trình giao cho tư nhân thao túng. Vụ việc này khiến nhiều cán bộ lãnh đạo của TP.HCM bị khởi tố do vi phạm quy định pháp luật về quản lý đất đai - Ảnh: ẢNH: VŨ DƯƠNG

Liên quan đế việc quản lý nhà đất công để xảy ra sai phạm, hàng loạt cán bộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài; nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín; nguyên Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt; nguyên Bí thư Quận ủy Q.2 Nguyễn Hoài Nam...

Đáng chú ý nhất, ông Tất Thành Cang cũng vừa bị Trung ương thi hành kỷ luật cách chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng do sai phạm trong vụ chuyển nhượng hơn 30 ha đất dự án khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè.

Đình Quân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/co-phan-hoa-o-tphcm-doanh-nghiep-lung-doan-tai-san-nha-nuoc-bang-chieu-gi-1046971.html