Cổ phần hóa nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2019 – 2020 của cả nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định, Bộ Tài chính cho biết: Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ.

Quá trình cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trong đó cổ phần hóa là một biện pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại DNNN được triển khai liên tục trong hơn 30 năm qua, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như:

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có chuyển biến tích cực, đóng góp số thu cho ngân sách nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn chi đầu tư phát triển.

Nhiều ngành, nghề lĩnh vực nhà nước nắm giữ được thu gọn, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, Nhà nước chỉ đầu tư, nắm giữ vốn ở những ngành, lĩnh vực thành phần kinh tế khác không được phép làm hoặc không muốn làm.

Qua đó, đã hình thành được cơ cấu DNNN hợp lý, đáp ứng yêu cầu như: Đảm bảo mục tiêu chiến lược về quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội; Là công cụ khắc phục những thiếu hụt của thị trường; Tạo lập, dẫn dắt để hình thành, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế; Làm công cụ hỗ trợ để cùng với các công cụ chủ yếu khác thực hiện điều tiết nền kinh tế trong các trường hợp cấp thiết (như khủng hoảng, thiên tai, lạm phát...).

Tùy từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước để làm cơ sở cho các đơn vị triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, các đơn vị căn cứ vào tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020 được ban hành tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai công tác cổ phần hóa.

Quá trình cổ phần hóa giai đoạn từ năm 2016 đến 6/2019 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như tổng quy mô vốn nhà nước của các DN đã cổ phần hóa giai đoạn 2016 – 6/2019 bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các DN cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015; Lũy kế tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 – 6/2019 gấp 2,79 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, nếu xét về số lượng DN thực hiện cổ phần hóa thì vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra, theo Bộ Tài chính, giai đoạn từ 2016 – 6/2019 cổ phần hóa được 35/127 DN theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017.

Tại hội thảo “Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2030, kế hoạch 2021-2025” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, cho rằng, trong nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng: tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh. Trong đó, cần tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.

T. Anh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/co-phan-hoa-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-313839.html