'Cổ phần hóa không làm ào ào, định giá tài sản nhanh rồi bán'

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), thời gian vừa qua có hiện tượng nhập nhằng giữa nguồn lực đất đai với ngành nghề kinh doanh trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Từ trái qua: ông Phùng Văn Hùng, ông Lưu Bích Hồ, ông Đặng Quyết Tiến

Doanh nghiệp nhà nước dựa quá nhiều vào ưu đãi

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chủ trương cổ phần hóa là chủ trương lớn của nhà nước đã được chỉ đạo xuyên suốt nhiều năm nhưng tiến độ cổ phần hóa những năm gần đây chậm lại. Đây là công việc đòi hỏi sự quyết tâm cao không chỉ của cơ quan nhà nước mà chính bộ máy quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp có sẵn sàng không.

“Khi chúng ta phải từ bỏ quyền hạn của mình đối với các doanh nghiệp chắc chắn trong thâm tâm cũng còn có những luyến tiếc. Trong những năm qua có phê bình, kiểm điểm, khiển trách ai chưa tích cực trong vấn đề này chưa?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Ông Hùng cho biết, trong giai đoạn hiện nay tiến tới cổ phần hóa doanh nghiệp lớn nắm khối lượng vốn nhà nước rất lớn tham gia vào nhiều lĩnh vực, quá trình hoạt động dài cả những vấn đề liên quan đến pháp lý, đất đai, nợ... làm cho quy trình cổ phần hóa bị ảnh hưởng.

Do đó, cần vào cuộc và đẩy nhanh quá trình xây dựng nghị quyết Ủy ban vốn nhà nước hoạt động có như vậy chúng ta mới có đầu mối sớm hoàn thiện cơ chế tiến hành cổ phần hóa tốt hơn. Hiện nhiều doanh nghiệp lớn nằm rải rác quy trình thủ tục rất phức tạp.

Cũng theo ông Hùng, những năm qua doanh nghiệp nhà nước dựa quá nhiều vào ưu đãi ví dụ nguồn vốn, đất đai, nhiều khi không quan tâm nhiều đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy sản xuất nên khả năng cạnh tranh trong nước và nước ngoài hạn chế.

“Các doanh nghiệp nhà nước cần thấm nhuần quan điểm không dựa dẫm nhiều vào ưu đãi, nguồn lực được hưởng thời gian trước đây mà dựa vào nội lực để cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, cổ phần hóa là con đường hay nhất, đúng đắn nhất vì có nhiều sở hữu tham gia vào doanh nghiệp nhà nước. “Đã đến lúc chúng ta không chần chừ, bán cổ phần có thể giá thế này, thế kia, nuối tiếc xem khi nào có giá cao hơn nhưng thời hạn đã quy định cần cố gắng thực hiện, càng kéo dài giá trị doanh nghiệp càng thấp đi”, ông Hồ nói.

“Không làm ào ào, định giá tài sản nhanh rồi bán”

Đồng tình với những ý kiến vừa được nêu ra, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành cũng như người dân trông cậy vào khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả và minh bạch thông tin mới kêu gọi đầu tư.

“Thời gian vừa qua có hiện trạng nhập nhằng giữa nguồn lực cụ thể là đất đai với ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên Chính phủ đã đi trước một bước, Chính phủ kiến tạo, trước sự bức xúc người dân chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp nhà nước sắp xếp lại, đất không dùng phải giao lại, doanh nghiệp nhà nước làm ngành nghề gì thì sau cổ phần hóa làm ngành nghề đó. Đảm bảo quyền lực nhà nước hiệu quả là một trong những vấn đề Chính phủ đưa ra”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho biết, chính vì thế đây là một trong những điểm thay đổi hoàn toàn cách làm, trước đây làm ào ào định giá tài sản nhanh rồi bán, tạo ra lợi thế giả tạo, doanh nghiệp cơ khí lấy đất làm nền tảng gia tăng khi cổ phần hóa là không được.

Đại diện Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh: “Các lãnh đạo doanh nghiệp chần chừ lo lắng, bản thân họ luyến tiếc cái gì đó và bộ ngành không quyết liệt. Quan trọng nhất là trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới tư duy”.

Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng cổ phần hóa không phải số thu, xác định ngành nghề chúng ta cổ phần hóa duy trì, thu hút công nghệ quản trị. Ông dẫn chứng về 12 dự án thua lỗ thuộc ngành Công thương đều là sản phẩm trọng điểm trong đó, dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Tập đoàn Hòa Phát sẵn sàng đầu tư vào Gang thép Thái Nguyên nhưng phải công khai, họ sẵn sàng tham gia đấu giá.

“Các nhà đầu tư chân chính trong quy định nói rõ, đầu tư làm thép, làm phân bón sẵn sàng vào làm, khu vực dân doanh có nhiều doanh nghiệp mạnh, quản trị tốt hơn nhiều. Chính vì vậy rà soát đất đai kỹ tránh tình trạng như vừa qua doanh nghiệp đang sản xuất phim sau cổ phần hóa lại nhăm nhăm lấy đất chuyển đổi mục đích”, ông Tiến nêu quan điểm.

Về vấn đề rà soát đất đai trước cổ phần hóa, ông Hùng cho biết, cần công khai minh bạch thông tin này vì các nhà đầu tư chân chính đề cao vấn đề công khai minh bạch, định giá đúng giá thị trường như đã mong muốn để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/co-phan-hoa-khong-lam-ao-ao-dinh-gia-tai-san-nhanh-roi-ban-3470512.html