Cổ phần hóa Hãng phim truyện: Vivaso đã thoái vốn đến đâu?

Câu hỏi mà nhiều nghệ sĩ đặt ra là công tác thoái vốn của Vivaso tại Hãng phim truyện Việt Nam đã được thực hiện đến đâu, thời hạn là bao giờ?

Hãng phim truyện Việt Nam.

Mòn mỏi chờ đợi câu trả lời?

“Treo băng rôn, biểu ngữ phản đối việc bị cắt lương, bảo hiểm”. Chuyện mới xảy ra tại Hãng phim truyện Việt Nam khiến không ít người ngao ngán và tò mò dõi theo câu chuyện của các nghệ sĩ, cán bộ Hãng phim truyện – nơi từng được xưng tụng là cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh Việt Nam.

Sự việc theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân là “giọt nước tràn ly” cho những chờ đợi và chịu đựng đến phẫn uất của các nghệ sĩ, cán bộ.

Ông cho biết: "Nhiều năm nay, chúng không được làm việc, phải chịu "tra tấn" bởi cách quản lý cứng nhắc của Ban giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mà cụ thể là nhà chiến lược đầu tư Vivaso".

Nghệ sĩ, cán bộ Hãng phim truyện Việt Nam căng băng rôn phản đối việc Vivaso cắt lương, bảo hiểm vào ngày 17.1.2019.

Tháng 9.2018, sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, đã có những công bố và cam kết về việc Vivaso sẽ thoái vốn tại Hãng phim. Tuy nhiên, cho đến nay, sự việc vẫn chưa có kết quả.

Đạo diễn Thanh Vân cho hay, sự chậm trễ này buộc các nghệ sĩ, cán bộ tại hãng phim đặt câu hỏi, liệu có điều gì khuất tất trong quá trình để Vivaso rút vai trò chiến lược cổ đông tại đơn vị này?

Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, có 2 vấn đề hiện nay: một là Vivaso đang cố tình trì hoãn việc thoái vốn để chờ đợi dự án phim Người yêu ơi – bộ phim do Bộ VH-TT&DL đặt hàng Hãng phim từ trước khi Vivaso nắm quyền kiểm soát tại đây.

“Nếu dự án này kịp về tay Vivaso, rất có thể việc thoái vốn sẽ kéo dài 1-2 năm tới. Vì một bộ phim muốn làm xong phải từ 1-2 năm”, đạo diễn Thanh Vân cho hay.

Vấn đề thứ 2, vì Bộ VHTT&DL không đưa ra bất cứ một thông tin cụ thể nào về thời hạn để Vivaso rút khỏi vai trò nhà đầu tư chiến lược tại Hãng phim, cộng với việc đơn vị này liên tục cắt lương, bảo hiểm khiến đời sống nghệ sĩ, cán bộ tại Hãng phim hiện nay rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.

“Từ khi trở thành cổ đông chính, nắm quyền điều hành, Vivaso không hề mang về nổi một thước phim cho anh em nghệ sĩ, lại còn quản lý nhân sự theo kiểu cứng nhắc, coi thường những giá trị lịch sử của Hãng phim. Nghệ sĩ, cán bộ cần có phim để làm việc chứ không phải đến chấm công bằng vân tay rồi về. Quản lý như thế vừa mệt mỏi cho nghệ sĩ vừa làm mất thời gian của Vivaso vì không hề mang lại hiệu quả”.

Kho súng đạn bị bỏ quên?

Một nguồn tin mới từ các nghệ sĩ cho biết, hiện nay, kho súng đạn thuộc sở hữu của hãng phim cũng đang bị bỏ mặc và rơi vào tình huống “rất nguy hiểm”.

Ông Phan Trọng Bích, Phó xưởng Thiết kế mỹ thuật, Hãng phim truyện Việt Nam vốn là người được giao quản lý kho súng đạn nhưng nay đã bị cắt lương. Ông cho hay, Hãng phim truyện Việt Nam có một kho vật liệu, khói lửa ở Đông Anh.

"Đây là kho trung chuyển thuốc nổ, đạn mã tử, khói có từ những năm 1950. Với đặc thù làm phim chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ nên hãng phim có kho liệu lớn về vật liệu nổ, súng đạn. Hiện tại ở kho súng vẫn lưu nhiều đầu đạn từ mấy chục năm qua. Nếu không được quản lý và bảo vệ, việc xảy ra cháy nổ là hoàn toàn có thể ", ông Bích nói.

Đ.B

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/co-phan-hoa-hang-phim-truyen-vivaso-da-thoai-von-den-dau-653296.ldo