Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam có nhiều dấu hiệu trái luật

Chiều 20-9, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra 'Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam' trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó nhiều nội dung được người dân và giới nghệ sỹ quan tâm.

Trước hết, Thanh tra Chính phủ (TTCP) khẳng định, thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam là phù hợp với chủ trương của nhà nước và cần thiết để huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong tình trạng doanh nghiệp nhiều năm liền thua lỗ triền miên, dẫn đến gần bờ vực của phá sản. Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm.

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam.

Tại thời điểm thanh tra (30-10-2017), TTCP cho rằng, trong quá trình cổ phần hóa, đối với việc thực hiện quy trình các bước tiến hành cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam; lựa chọn tổ chức tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, trong đó việc xây dựng, ban hành Kế hoạch và tiến độ thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam sau 1 năm và lựa chọn đơn vị tư vấn sau 6 tháng kể từ khi có Quyết định thành lập ban chỉ đạo là chưa đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch Bộ trưởng Bộ VHTT&DL.

TTCP cũng cho rằng, ban chỉ đạo cổ phần hóa không thực hiện việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, để công ty lựa chọn là chưa thực hiện đúng thủ tục theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo Luật Đấu thầu 2013 về chỉ định thầu được hướng dẫn thực hiện tại Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, Công ty thực hiện việc ký kết hợp đồng với 2 đơn vị tư vấn: định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa chưa tuân thủ theo mẫu hợp đồng được quy định tại Thông tư số 06/2010/TT-BKHĐT ngày 09-3-2010 về quy định chi tiết lập Hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn.

Đối với nội dung, quản lý sử dụng và thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, TTCP cho rằng, việc Hãng phim truyện Việt Nam ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty, tổ chức chuyên nghiệp quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền quy định. Trong quá trình quản lý sử dụng 4 cơ sở nhà, đất, Hãng phim truyện Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Cụ thể là chậm nộp tiền thuê đất đến thời điểm 30-2017 số tiền là hơn 21,7 tỷ đồng, cho đến ngày 10-10-2017, Hãng phim truyện Việt Nam đã nộp số tiền thuê đất tại 3 cơ sở nhà, đất số tiền hơn 14,6 tỷ đồng.

Đến thời điểm kiểm tra, mặc dù Công ty đã được Bộ Tài chính và UBND thành phố Hà Nội cho tiếp tục sử dụng đối với 2 cơ sở nhà (số 46 ngõ 151 Hoàng Hoa Thám và xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội), đối với 2 cơ sở: số 4 Thụy Khuê và số 6 Thái Văn Lung chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng công ty chưa có phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và chưa xử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Đặc biệt, TTCP nêu rõ: Việc xây dựng phương án sử dụng đất tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty cổ phần, Hãng phim truyện Việt Nam xây dựng phương án sử dụng đất, trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích 1.208m² tại khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TPHCM và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc quản lý tài sản, tiền vốn và hoạt động kinh doanh; việc xác định giá trị thương hiệu cũng có nhiều sai phạm về đối tượng, hạch toán khoản nợ vay dài hạn đối với một số công ty là không đúng. Việc xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ VHTT&DL tổ chức thực hiện, tuy nhiên, chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim là như thế nào.

Việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có nhiều sai sót, Công ty xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, không nêu cụ thể các điều kiện, làm hạn chế việc chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến việc sản xuất phim và văn hóa điện ảnh. Xây dựng tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh. Bên cạnh đó, TTCP cũng cho biết, việc lập danh sách, xây dựng phương án sử dụng lao động chưa thực hiện đúng theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Từ những thiếu sót, sai phạm trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các qui trình, thủ tục theo qui định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy xin rút vốn trước thời hạn; Chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo qui định và các đơn vị có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam. Thành lập ngay Hội đồng xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam. Sau khi có kết quả, xác định lại giá trị doanh nghiệp và tỷ lệ cổ phần của mỗi cổ đông cho phù hợp, đảm bảo đúng luật định.

TTCP cũng đề nghị xử lý dứt điểm những vướng mắc về đất đai, hoàn thiện phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở phương án sử dụng đất được duyệt, xác định lại giá trị doanh nghiệp có tính đến yếu tố về lợi thế vị trí địa lý.

Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển phim truyện Việt Nam, TTCP đề nghị rà soát, xử lý dứt điểm đối với 6 trường hợp là lao động phản ánh trong danh sách cổ phần hóa thuộc đối tượng nghỉ chế độ không hưởng lương và không tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc trong thời gian dài trước cổ phần hóa, hoàn thiện phương án sắp xếp lại lao động để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với 2 cơ sở nhà đất: số 46 ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình và tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội Công ty cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý và các nghĩa vụ tài chính để ký hợp đồng thuê đất, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, TTCP cũng đề nghị công ty kiện toàn ngay bộ máy lãnh đạo của; sắp xếp lại các phòng, ban, chi nhánh cho phù hợp; xây dựng các quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế làm việc, quy chế sử dụng lao động… Công ty cần có phương án điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, việc này trách nhiệm của Bộ VHTT&DL phải kiểm tra, rà soát, xác định thanh toán lương còn thiếu đối với những lao động theo luật định.

TTCP đề nghị UBND Thành phố Hà Nội và TPHCM cần rà soát, đối chiếu quy hoạch về đất đai, đối chiếu với phương án sử dụng đất của Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam để phê duyệt cho phù hợp; theo dõi, đôn đốc xử lý dứt điểm những vi phạm, lập hồ sơ xử lý thu hồi cơ sở nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội và số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/co-phan-hoa-hang-phim-truyen-viet-nam-co-nhieu-dau-hieu-trai-luat-546937.html