Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh: Vì sao chậm?

Theo kế hoạch, năm 2018, cả nước có 64 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải cổ phần hóa (CPH), riêng TP. Hồ Chí Minh đã chiếm 39 DN. Tuy nhiên, đến nay, thành phố chưa triển khai CPH được DNNN nào, làm ảnh hưởng chung tới tiến độ CPH DN của cả nước.

Những vấn đề phát sinh

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới DN TP. Hồ Chí Minh, tiến độ CPH các DNNN tại thành phố trong 5 năm trở lại đây diễn ra khá chậm. Giai đoạn 2013 - 2015, ghi nhận kết quả cao nhất với số vốn nhà nước thu về hơn 4.700 tỷ đồng. Năm 2016, UBND thành phố tiến hành thoái vốn nhà nước tại 51 DN và thực hiện các thủ tục pháp lý để xác định giá trị DN, quyết định CPH cho 39/45 DN; giao tài sản để CPH 7/45 DN khác. Năm 2017, tiến hành điều chỉnh kế hoạch thoái vốn của 10 tổng công ty và công ty mẹ có 100% vốn nhà nước trực thuộc thành phố, đã được phê duyệt tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015.

Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh còn chậm

Tuy nhiên, đến nay, tiến độ CPH những DN nêu trên vẫn không có chuyển biến do trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề mới. Cụ thể, vai trò của DNNN trong thực hiện các mục tiêu phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch vụ phải bảo đảm an sinh xã hội, không làm thất thoát tài sản nhà nước, xử lý các khoản đầu tư của DN liên doanh góp vốn bằng quyền sử dụng đất, xác định giá trị tài sản ở vị trí trung tâm thành phố còn chậm.

Ngoài ra, việc chuyển giao tài sản, mặt bằng cho DN CPH khá phức tạp. Nhiều DNNN lập phương án thoái vốn nhưng vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ vốn nhà nước chi phối, làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần. Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Trung Lâm - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN TP. Hồ Chí Minh, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý sử dụng vốn tài sản tại DN cũng làm ảnh hưởng tới chậm tiến độ CPH DNNN khi các DN chưa đăng ký giao dịch hay niêm yết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán trước CPH. Thời gian từ thời điểm xác định giá trị DN đến IPO (đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng) thông thường phải mất hơn 18 tháng.

Các giải pháp thực hiện

Để đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN, UBND TP. Hồ Chí Minh đã trình kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh tiến độ CPH và lộ trình thoái vốn DNNN giai đoạn 2018 - 2020 cũng như sau năm 2020. Theo đó, thay vì phải CPH 39 DNNN trong năm 2018, thành phố sẽ CPH 32 DNNN trong năm 2019 và 7 DNNN năm 2020. Sau năm 2020, sẽ thoái vốn tại các DN theo đúng tỷ lệ quy định tại Quyết định số 58 và Công văn 991 của Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN - đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh - các bộ, ngành về đẩy nhanh công tác CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP. Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng đồng tình với kiến nghị của thành phố là cần điều chỉnh kế hoạch, tiến độ CPH của địa phương để bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh cần chỉ đạo quyết liệt hơn, tập trung CPH một số DNNN đủ điều kiện.

Được biết, để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế CPH, Bộ Tài chính đang phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm hoàn thiện Nghị định chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Dự thảo Thông tư hướng dẫn bán cổ phần kèm nợ phải thu và Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 57/2015/TT- BTC hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN.

Tháng 11/2018, UBND TP. Hồ Chí Minh tiến hành rà soát, cơ cấu lại các đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng; rà soát các đơn vị đủ tiêu chuẩn theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-tai-tp-ho-chi-minh-vi-sao-cham-110754.html