Cổ phần hóa DNNN: Tài sản thất thoát đủ kiểu

Tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2018, ngày 24/1, Thanh tra TP.HCM chỉ ra nhiều chiêu thức gây thất thoát vốn khi thực hiện CPH DNNN.

Cụ thể, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời bà Lương Thị Nga, Trưởng phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo số 6 (Thanh tra TP.HCM) nói tại hội nghị cho biết, những sai sót, bất cập có thể dẫn tới khả năng thất thoát tài sản nhà nước thường liên quan đến công tác thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp và xác định tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ.

Công ty Tân Thuận sai phạm điển hình trong định giá tài sản. Ảnh: VietnamBiz

Bà Nga cho rằng, về việc xác định giá trị doanh nghiệp có tình trạng kiểm kê thiếu, không kiểm kê tài sản cố định còn giá trị sử dụng, kiểm kê không đúng diện tích thực tế sử dụng mà căn cứ theo diện tích được giao ban đầu... làm giảm giá trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, công tác định giá cũng có vấn đề như xác định tỉ lệ chất lượng còn lại của tài sản thấp hơn thực tế; áp dụng không đúng đơn giá xây dựng, vật kiến trúc, công trình; không hạch toán phần giá trị tài sản tăng thêm; đánh giá giá trị lợi thế vị trí địa lý khu đất chưa phù hợp giá trị thị trường.

Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp hạch toán tăng nợ không đòi được dẫn đến giảm vốn nhà nước.

Bà Nga cũng chỉ ra tình trạng tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa và phần vốn nhà nước bán ra ngoài không phù hợp với đề án tái cơ cấu và phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.

Đồng thời chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục lựa chọn và phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược theo quy định. Chọn nhà đầu tư chiến lược không đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho doanh nghiệp và chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Bà Nga cũng đề cập tới các khoản nợ của các DNNN nhưng lại không được xử lý trước khi thực hiện CPH đã làm ảnh hưởng đến tính minh bạch tài chính của doanh nghiệp dẫn đến khó thu hút nhà đầu tư tham gia góp vốn. Mặt khác cũng có trường hợp, doanh nghiệp hạch toán tăng nợ không đòi được dẫn đến giảm vốn nhà nước.

Đáng chú ý, bà Lương Thị Nga nêu trong quá trình cổ phần hóa, người đại diện quản lý doanh nghiệp, ban chỉ đạo cổ phần hóa thường thiếu thẩm tra, mà chủ yếu căn cứ kết quả thẩm định giá của đơn vị tư vấn dẫn đến không phát hiện những thiếu sót gây thất thoát tài sản nhà nước.

Thêm vào đó, nhiều đơn vị thẩm định giá có vốn điều lệ chỉ vài tỉ đồng nhưng tham gia định giá tài sản có giá hàng trăm tỉ đồng.

Mặt khác, hiện nay chưa có quy định bắt buộc việc công ty thẩm định giá phải có bảo hiểm trách nhiệm vật chất đủ để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố, sai sót.

Bà Nga đặc biệt lưu ý, các doanh nghiệp khi thực hiện CPH không đánh giá lại phần vốn nhà nước đã đầu tư vào các dự án dở dang mà vẫn giữ nguyên giá trị sổ sách dẫn đến các dự án không được thẩm định lại theo giá trị thị trường.

Trong khi đó có nhiều khu đất giá thực tế tại thời điểm cổ phần hóa đã tăng gấp nhiều lần so với thời điểm bồi thường, nhưng vẫn tính theo giá trị sổ sách, làm thiệt hại vốn nhà nước...

Ngoài ra cũng chưa có quy định về tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp mặc dù trên thực tế giá trị này rất lớn. Từ đó, Thanh tra TP đã đề xuất một số giải pháp nhằm giám sát chặt chẽ và làm tốt công tác cổ phần hóa trong thời gian tới.

Vì sao TP.HCM chậm trễ cổ phần hóa DNNN?

Trước đó, TP.HCM đã phải xin lùi lại tiến độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Lý do được lãnh đạo TP.HCM giải thích là do phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa chính thức được ban hành.

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố còn cho rằng, việc chậm trễ trong cổ phần hóa là do quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề mới, cần được nghiên cứu như vai trò của DNNN trong thực hiện các mục tiêu phát triển, bảo đảm an sinh xã hội của TP, bảo đảm lợi ích không làm thất thoát tài sản Nhà nước, xử lý các khoản đầu tư liên doanh nước ngoài góp vốn bằng quyền sử dụng đất, xác định giá trị tài sản ở vị trí trung tâm TP.

Theo Danh mục DNNN cổ phần hóa, trong 64 DNNN phải cổ phần hóa năm 2018, TP.HCM có 39 doanh nghiệp. Tuy nhiên tới nay, chưa có DNNN nào tại TP.HCM được cổ phần hóa đúng như kế hoạch.

An An(tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/co-phan-hoa-dnnn-tai-san-that-thoat-du-kieu-3373522/