Cổ phần hóa DNNN: Khoảng cách với mục tiêu còn rất dài

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam cho hay, chúng ta đã tiến hành cổ phần hóa DNNN được gần 18 năm, kể từ khi có Nghị quyết Hội nghị TW 3 khóa IX năm 2001 đến nay. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng cho đến nay, so với mục tiêu đặt ra chúng ta còn khoảng cách rất dài.

"DNNN thường hoạt động không có hiệu quả kinh tế cao như DN tư nhân" (Ảnh TL)

Khối lượng cần thoái vốn còn rất lớn

Cũng theo TS. Lưu Bích Hồ, hiện mới thoái vốn được gần 10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch. Nếu thực hiện được như dự định là thoái còn khoảng 50% thì khối lượng vốn cần thoái còn rất lớn. Hơn nữa, một phần lớn khối lượng vốn này lại nằm tại các DN không dễ thoái vì chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn không cao, thậm chí thấp kém so với nhu cầu thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Điều đáng nói hơn là tuy đã có chủ trương, kế hoạch, chính sách rất rõ ràng, nhưng việc thực hiện còn ì ạch bởi nhiều vướng mắc, trong đó phổ biến nhất là việc xác định giá trị đất đai, tài sản, vốn, giá trị hữu hình và cả giá trị vô hình của DN, cùng với việc vượt qua sự níu kéo của các DN và các cơ quan chủ quản từ trước đến nay.

“Người ta đã nói nhiều đến lợi ích nhóm, “sân sau sân trước” là một lực cản lớn, không chỉ làm chậm mà còn phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, tham nhũng. Đây có lẽ là khâu quyết định nhất ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa, đổi mới DNNN thời gian qua” - TS. Lưu Bích Hồ chia sẻ.

Nói về hướng đi của DNNN trong thời gian tới như thế nào để đạt được những mục tiêu đã đề ra,nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam cho rằng, trước hết, để nói về định hướng, cần tạo sự thống nhất thêm về nhận thức và quan điểm với DNNN. DNNN là một sản phẩm – chủ thể của kinh tế thị trường, không riêng của loại hình kinh tế thị trường nào trên thế giới. Nó có vai trò quan trọng như thế nào tùy theo thể chế kinh tế của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Lịch sử cũng cho thấy, vai trò của DNNN giảm dần theo sự phát triển của kinh tế thị trường ngày càng hiện đại.

Theo đó, vai trò này được nhường lại cho khu vực kinh tế tư nhân mà DNNN chủ yếu chỉ tồn tại ở các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ công ích, kể cả công nghiệp quốc phòng, mà Nhà nước cần nắm giữ, hoặc khu vực tư nhân không muốn hoặc không có khả năng đảm nhận. Do đó, tỷ trọng của sở hữu nhà nước trong nền kinh tế theo đó cũng giảm bớt đến mức cần và đủ.

Ở một khía cạnh khác, nói chung, DNNN thường hoạt động không có hiệu quả kinh tế cao như DN tư nhân, nhưng bù lại sẽ dễ có hiệu quả xã hội tốt hơn do Nhà nước chi phối để thực hiện chính sách xã hội của mình, như đối với DNNN công ích.

Từ luận giải trên, việc chúng ta đang đi theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN là phù hợp với quy luật phát triển của kinh tế thị trường và điều kiện thực tế của nước ta sau nhiều năm đổi mới. Tất nhiên, sau gần 20 năm chúng ta chưa làm được như yêu cầu, thì khoảng thời gian trước mắt cũng không hề đơn giản. Vì vậy cần có quyết tâm cao nhất của DN, của “siêu ủy ban”, quyết tâm của Chính phủ và sự đồng hành của các cơ quan liên quan, để thật sự tạo được bước đột phá khi chúng ta bước vào giai đoạn 2 của cuộc đổi mới.

Đến nay, còn hơn 500 DNNN đã cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định (Ảnh TL)

Nhiều lo ngại về thất thoát tài sản công

Tại diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN tổ chức gần đây, các chuyên gia đều thừa nhận tình trạng cổ phần hóa DNNN diễn ra còn chậm, đặc biệt còn nhiều điều đáng quan ngại về thất thoát tài sản công, kể cả hiện tượng tư nhân hóa ngầm các DNNN.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận: “DNNN đang được giao quản lý, sử dụng khối lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp, chưa xứng với nguồn lực được đầu tư. Một số dự án thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN chậm, chưa đạt số lượng đề ra”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cũng cho rằng, quá trình cổ phần hóa DNNN không chỉ chậm về tiến độ, mà việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, chấp hành chế độ báo cáo tài chính hoạt động cũng chưa được thực hiện nghiêm túc.

Đến nay, còn hơn 500 DNNN đã cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định. Sau hơn 20 năm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, tính đến 31/12/2017, cả nước mới chỉ phê duyệt phương án cổ phần hóa của 32 đơn vị sự nghiệp công lập và tỷ lệ thoái vốn nhà nước mới đạt khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu ngân sách nhà nước từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác; tình trạng “trốn thầu” hoặc lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất mà DNNN nắm giữ khi cổ phần hóa”, ông Trí nhấn mạnh.

Nguyễn Mạnh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/co-phan-hoa-dnnn-khoang-cach-voi-muc-tieu-con-rat-dai-48405