Có phải tăng vốn điều lệ khi góp vốn thực hiện dự án?

Vốn điều lệ của doanh nghiệp không nhất thiết phải tương đương với vốn đầu tư của dự án. Doanh nghiệp thực hiện việc góp vốn là huy động nguồn vốn khác để thực hiện dự án theo quy định tại quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Ông Lại Hiệp Hải (Nghệ An) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn trường hợp như sau:

Tại Khoản 15 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định: “15. Vốn đầu tư của dự án là vốn góp của nhà đầu tư và vốn do nhà đầu tư huy động để thực hiện dự án đầu tư được ghi tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.

Trường hợp công ty A là doanh nghiệp mới thành lập, chưa phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có lợi nhuận, có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng (đã góp đủ vốn 100 tỷ đồng). Đăng ký thực hiện dự án với cơ cấu góp vốn như sau: Tổng vốn đầu tư: 400 tỷ đồng, trong đó: Vốn góp là 150 tỷ đồng; vốn huy động là 250 tỷ đồng.

Công ty A đã được tổ chức tín dụng và công ty mẹ cam kết bảo đảm cung cấp tài chính để thực hiện dự án.

Ông Hải hỏi, trường hợp công ty A có bảo đảm điều kiện về phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư và doanh nghiệp hay không? Nếu chưa thì công ty A có cần phải tăng vốn điều lệ lên thành 150 tỷ đồng để bằng với số vốn góp đăng ký để thực hiện dự án hay không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Đầu tư, dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.

Theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư, vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

Theo quy định tại Khoản 15 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, vốn đầu tư của dự án là vốn góp của nhà đầu tư và vốn do nhà đầu tư huy động để thực hiện dự án dầu tư được ghi tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Căn cứ các quy định nêu trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp không nhất thiết phải tương đương với vốn đầu tư của Dự án. Doanh nghiệp thực hiện việc góp vốn là huy động nguồn vốn khác để thực hiện Dự án theo quy định tại quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Do vậy, việc công ty A (có vốn điều lệ 100 tỷ đồng) góp vốn (150 tỷ đồng) để thực hiện dự án đầu tư là không trái với quy định tại Luật Đầu tư.

Trong quá trình thực hiện dự án, công ty phải có đủ năng lực thực hiện dự án theo mục tiêu, nội dung, quy mô, tiến độ và các điều kiện khác theo quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).

Đề nghị ông Hải liên hệ với cơ quan đăng ký đầu tư để được hướng dẫn cụ thể theo hồ sơ dự án.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/co-phai-tang-von-dieu-le-khi-gop-von-thuc-hien-du-an/414735.vgp