Có Patriot Mỹ bảo kê, F-16 Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đánh thẳng vào Syria trước mặt Nga

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nếu có hệ thống phòng không Patriot Mỹ bảo vệ, họ sẽ cho chiến đấu cơ tấn công thẳng vào quân đội Syria mà không chút lo sợ.

 Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ tái triển khai tên lửa Patriot ở sát biên giới Syria, sau khi nhóm phiến quân thân Ankara bị cường kích Nga tấn công.

Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ tái triển khai tên lửa Patriot ở sát biên giới Syria, sau khi nhóm phiến quân thân Ankara bị cường kích Nga tấn công.

"Chúng tôi đề nghị Mỹ triển khai 2 đơn vị tên lửa phòng không Patriot ở biên giới phía Nam để trừng phạt bất cứ cuộc tấn công nào trong tương lai của quân đội Syria do Nga hậu thuẫn. Chúng tôi có thể cho tiêm kích F-16 không kích quân đội Chính phủ Syria ở Idlib nếu các tổ hợp Patriot được triển khai tại tỉnh Hatay", một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara cho biết hôm qua.

Tuyên bố được đưa ra sau khi không quân Nga ngày 20-2 triển khai cường kích Su-24 không kích nhóm phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công vị trí của quân đội chính phủ Syria ở Idlib.

Nhóm phiến quân này dưới sự yểm trợ của pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã chọc thủng phòng tuyến quân đội Syria tại khu vực Qminas và Nayrab thuộc tỉnh Idlib, nhưng phải rút lui sau khi bị máy bay Nga không kích.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cho biết một vụ không kích ở Idlib khiến 2 binh sĩ nước này thiệt mạng, song không trực tiếp đổ lỗi cho Nga.

Mỹ chưa phản hồi đề nghị triển khai tên lửa Patriot của Thổ Nhĩ Kỳ. Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cung cấp thông tin, phát ngôn viên của Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chưa đưa ra bình luận.

"Mỹ từng cử các đơn vị tên lửa phòng không tới chỗ chúng tôi. Theo cùng cách đó, Mỹ có thể hỗ trợ 1 đơn vị Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi quyết tâm sử dụng vũ lực để đảm bảo ngừng bắn tại Idlib. Nga không nên can thiệp vào hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib. Chúng tôi không có ý định đối đầu với Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói trên kênh CNN-Turk ngày 20-2.

Mỹ, Hà Lan và và Đức từng triển khai tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013 sau khi Ankara đề nghị đồng minh NATO hỗ trợ bảo vệ trước nguy cơ bị tập kích bằng tên lửa từ Syria.

Tuy nhiên, các đồng minh NATO lần lượt rút tên lửa về nước sau khi nhiệm vụ 2 năm kết thúc và không được gia hạn, song Mỹ cho biết có thể tái triển khai Patriot nếu Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu.

Quân đội Syria với sự hỗ trợ từ không quân Nga đang triển khai chiến dịch tấn công vùng lãnh thổ cuối cùng do phiến quân kiểm soát tại Idlib.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách ngăn chặn đà tiến quân của Syria nhằm duy trì khu vực kiểm soát tại Idlib và ngăn nguy cơ 2 triệu người tị nạn đổ về nước này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 19-2 nói, hàng nghìn binh sĩ nước này đã tới Idlib và sẵn sàng tấn công để bảo vệ lợi ích tại Syria. Trong 3 tuần qua, ít nhất 15 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với lực lượng chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn. Tuy vậy, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và liên quân Nga-Syria tiếp tục tăng cao khi máy bay Nga không kiêng nể tấn công thẳng ào một số cánh quân Thổ Nhĩ Kỳ đang trợ giúp phiến quân, điều này buộc Ankara cầu cứu Patrito Mỹ.

Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm góc) và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ).

Hệ thống Patriot đã phục vụ trong quân đội Mỹ từ tháng 12-1981.

Hệ thống phòng không Patriot gồm có: Trạm chỉ huy AN/MSQ-104; radar đa chức năng AN/MPQ-53; bệ phóng M901; tên lửa phòng không MIM104; trạm nguồn năng lượng AN/MSQ-26; phương tiện kỹ thuật ngụy trang điện tử và cuối cùng là thiết bị kết nối thông tin.

Xe chỉ huy AN/MSQ-104 được bố trí trên khung xe M814, là nơi điều khiển, kiểm soát toàn bộ khả năng tác chiến của tổ hợp Patriot. Bên trong xe chỉ huy có các thiết bị liên lạc, các máy tính dữ liệu thiết bị đầu cuối và một số phụ kiện khác.

Cho đến nay, nó là một hệ thống phòng không được nhiều nước sử dụng nhiều nhất, hiện có tới 16 quốc gia đang có hệ thống này trong biên chế, nó chỉ đứng sau S300 của Liên Xô về độ phổ biến.

Ngày nay, các biến thể mới trong gia đình tên lửa Patriot luôn được cải tiến, và biến thể PAC3 mới nhất sử dụng kiểu đạn đánh chặn mới với phương thức Hit to Kill (truy đuổi và tiêu diệt), đây là phương thức có độ chính xác cực cao và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng thay vì bằng đầu đạn nổ.

Với phương thức này, quả đạn tên lửa sẽ nhỏ và nhẹ hơn, điều đó cho phép mỗi hệ thống có thể mang nhiều đạn hơn trong mỗi lần xuất trận.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-co-patriot-my-bao-ke-f16-tho-nhi-ky-se-danh-thang-vao-syria-truoc-mat-nga/843730.antd