Có nối lại được ngón tay bị nghiền đứt?

Báo Sức khỏe&Đời sống mở chuyên mục Tư vấn thẩm mỹ nhằm giải đáp những thắc mắc của bạn đọc trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ.

Người tư vấn:Đại tá - TS.BS. Nguyễn Huy Thọ (ảnh), nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình - Bệnh viện TW Quân đội 108, Ủy viên Hội đồng Khoa học Sở Y tế Hà Nội.

Tôi bị máy nghiền ngô nghiến đứt 3 đốt ngón tay và đã phải cắt bỏ, hiện tôi đã bình phục và làm việc bình thường. Tuy nhiên, 3 ngón tay bị thương thì trở nên ngắn ngủn, rất mất thẩm mỹ. Sau đó có người nói nếu tôi giữ được các mẫu trên ngón tay bị đứt, bảo quản lạnh thì có thể nối lại được. Ở quê tôi có rất nhiều tai nạn kiểu này, có người còn bị mất hẳn một ngón tay vì lơ đễnh khi làm việc, nên tôi rất quan tâm đến thông tin mà người ấy đưa ra. Thưa bác sĩ, nếu ngón tay bị nghiền đứt bởi máy móc thì có thể nối lại được không?

Công Tráng (Đông Anh, Hà Nội)

Nhiều trường hợp bị đứt ngón tay được nối thành công.

Nhiều trường hợp bị đứt ngón tay được nối thành công.

Từ hàng chục năm trở lại đây, các khoa Phẫu thuật tạo hình và Chấn thương chỉnh hình ở những bệnh viện lớn tại Hà Nội (Bệnh viện TW Quân đội 108, Việt Đức, Xanh Pôn) và TP. Hồ Chí Minh (Bệnh viện Chợ Rẫy) đều có khả năng khâu nối các chi thể bị đứt lìa. Thông tin mà bạn nghe được (có thể nối liền các mẩu ngón tay bị đứt nếu biết bảo quản lạnh) là đúng. Tôi xin nói rõ hơn những tiêu chuẩn để nối liền chi thể đứt lìa để mọi người có thêm kinh nghiệm đối phó với những tình huống bất ngờ: Phải cho chi thể đứt lìa vào túi ni lông, để vào thùng và đổ đá xung quanh (chi thể sống ở 4 độ C mới có khả năng nối lại được, ở nhiệt độ thường thì chóng chết mà nóng quá thì chóng hỏng). Chỉ băng ép vết thương để máu đừng chảy thêm, không được thắt mạch máu. Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt (6 tiếng sau tai nạn, chi thể giảm sự sống). Chi thể muốn được nối lại phải có đường cắt tương đối gọn. Những chi thể dập nát vì bị chó nhai, bị ô tô nghiền, bị máy cuốn giập hết gân thì hầu như không cứu vãn được. Các chi thể càng ở phía ngọn chi thì tỉ lệ sống càng dễ (nối ngón tay dễ sống hơn nối bàn tay, nối bàn tay dễ sống hơn nối cánh tay). Nhưng về mặt kĩ thuật thì khó nhất là ở các đầu chi. Để nối ngón tay, phải dùng đến kĩ thuật vi phẫu với một ê-kíp được đào tạo bài bản, các bác sĩ phải mất từ 8 - 10 tiếng cho một bệnh nhân.

Nhân đây, cũng xin lưu ý thêm với bạn là không chỉ nối được ngón tay, các bác sĩ Việt Nam có thể nối liền nhiều thứ khác nữa. Khi gặp tai nạn, mọi người nên giúp nạn nhân tìm và bảo quản phần bị đứt rời theo cách trên, kể cả dương vật, môi, đầu mũi, má, thậm chí là phần da đầu bị máy cuốn mất cả mảng (với phần da đầu thì cần cắt bớt tóc trước khi cho vào túi ni lông và ướp đá).

VHT (ghi

V.H.T (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-noi-lai-duoc-ngon-tay-bi-nghien-dut-n183365.html