Có những vết thương sẽ không bao giờ lành sẹo

Sự hy sinh anh dũng nơi chiến trường năm xưa, những thầm lặng giữa thời bình của các thương binh, bệnh binh, tại trung tâm điều dưỡng người có công Long Đất luôn là những tấm gương để thế hệ trẻ học tập về tinh thần dũng cảm, lòng yêu nước, tự hào của dân tộc.

Những người sống thần lặng giữa thời bình

Nhân dịp đất nước chuẩn bị lễ kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020), chúng tôi có dịp ghé thăm trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người có công Long Đất (trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đóng trên địa bàn thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vào một ngày đầu tháng 7, lòng thấy bồi hồi bởi cảnh đẹp làng quê của Bà Rịa Vũng Tàu. Cùng với đó là cảm xúc lâng lâng ùa về khi giữa hối hả đua chen của dòng đời, lại có một nơi mà tình yêu thương và tình người còn nồng nàn nhiều đến vậy.

Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người có công Long Đất - nh Phan Trà

Gặp Giám đốc trại điều dưỡng, anh Tống Đức Bình cho biết: Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người có công Long Đất là đơn vị nuôi dưỡng, điều trị thương bệnh binh có số lượng thương binh khá đông và thương tật nặng nhất. Ở đây, những người thương binh họ đã bỏ lại một phần cơ thể, bỏ lại tuổi thanh xuân, và những cảm xúc tình yêu chân thành nhất nơi chiến trường được sống trong tình yêu thương của đồng đội.

Người đầu tiên, anh giới thiệu cho tôi là bác Nguyễn Văn Ni 75 tuổi. Bác Ni là thương binh hạng 1/4, mất tới 95 % sức khỏe. Bác Ni đã sống ở đây hơn 30 năm. Trước kia bác hay lên cơn lắm. Khi ấy bác có thể phá bất kỳ cái gì, đánh bất kỳ ai. Có biết bao lần những hộ lý, bác sỹ đã bị đánh tím cả người. Nhưng gần đây, có thể do quá trình điều trị có hiệu quả nên bác đã khá hơn nhiều. Đó là những thương binh dạng đặc biệt, họ mất đến hơn 90% sức khỏe. Chính vì lẽ đó, Nhà nước đã có chính sách khi họ chết sẽ được tôn vinh là những liệt sĩ quên mình vì Tổ quốc.

Tôi lại gần khẽ chào bác Ni. Bác giơ tay chào tôi như kiểu nhà binh và nói. Cháu cho bác điếu thuốc lá, rút bao thuốc lá trong túi ra tôi mời bác một điếu. Tôi hỏi: “Bác có muốn gì không?”. Có vẻ như bác không để ý đến câu hỏi của tôi cho đến khi anh Bình Giám đốc trung tâm nhắc lại câu hỏi thì bác mới trả lời: “Muốn về quê…”. rồi chẳng nói gì nữa, phá lên cười và bỏ đi chỗ khác.

Một câu chuyện tình cảm động

Theo giới thiệu của Ban Giám đốc trung tâm, chúng tôi tìm về khu phố Hải Sơn, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để thăm gia đình một thương binh hạng nặng 1/4, bác Nguyễn Văn Hạnh cũng là một trong những thương binh thuộc quân số của trung tâm.

Anh Tống Đức Bình Giám đốc trung tâm chia sẻ với PV Báo Công lý -nh Phan Trà

Đón khách là một người đàn ông đang ngồi co ro trên chiếc ghế, khuôn mặt khắc khổ, bên cạnh là một phụ nữ với đôi chân trần đầy bùn gầy gộc. Khi biết chúng tôi đến viết bài về bác, bác vui ra mặt. “May cho chú đấy, hôm trước có một anh nhà báo đến định phỏng vấn chồng tôi nhưng thật không may đúng vào hôm anh lên cơn, quát mắng ầm ĩ, chỉ thẳng ngón tay về phía anh phóng viên hô bắn bắn… Cuối cùng anh đành phải ra về mà chưa ghi được lời nào”. Bác Trần Thị Mai Cúc một bệnh binh hiền thảo, nết na của trại. Chuyện tình của hai bác được mọi người kể lại đẹp như một câu chuyện cổ tích. Hơn 30 năm trước, cô gái Trần Thị Mai Cúc là một bệnh binh mất đến 86% sức khỏe, không hiểu sao do duyên số hay một định mệnh nào đó, khiến bác Mai đã quyết định lấy anh thương binh dạng đặc biệt nằm liệt giường này.

"Ngày đó, lý do gì khiến bác quyết định lấy bác Hạnh?", tôi hỏi. Mắt bác Mai sáng lên và nói: “Vì anh có một ý chí, một ý chí sắt đá mà cuộc đời tôi chưa bao giờ gặp một người đàn ông nào dũng cảm, kiên định đến thế”. Không hiểu sao, ngay từ lần gặp nhau ấy, mặc dù anh bị mất cả hai tay, hỏng cả hai mắt, bị nhiều mảnh đạn trong đầu, lên cơn triền miên nhưng tôi đã quyết với lòng mình sẽ gắn bó cuộc đời mình với người thương binh này, một người anh hùng trong lòng tôi!” Giọng bác Mai đầy tự hào khi nói về bác Hạnh.

Bác Nguyễn Văn Ni Thương binh hạng 1/4 tại trung tâm - Ảnh Phan Trà

Bác Mai tâm sự: Ngày mới về ở với nhau anh yếu lắm, gần như chỉ nằm một chỗ. Ngày đó, ngoài tiền trợ cấp của Nhà nước, tôi đã bán tất cả những gì có thể, cả kỷ vật ngày cưới của mẹ tôi tặng cho tôi để mua thêm thuốc thang, bồi dưỡng cho anh. Dần dần, sức khỏe anh ngày càng được cải thiện hơn, anh có thể giúp được tôi những việc nhỏ trong gia đình. Cho đến giờ này, tôi không có điều gì ân hận khi quyết định lấy anh. Đã vài lần tôi cứ tưởng anh đã tuột khỏi đôi bàn tay tôi ra đi. Không biết tôi sẽ sống ra sao khi mất anh” mắt bác Mai ngân ngấn lệ.

Qua bao năm lao động vất vả, dành dụm từ tiền trợ cấp của hai bác, tiền lao động của cả gia đình, hai bác đã cất được ngôi nhà mái bằng. Hai con đều đã trưởng thành có gia đình hạnh phúc. Tôi hỏi: “Bác có mong muốn điều gì không?”. Giọng bác Mai trầm xuống buồn: “Vợ chồng tôi được như thế này là hạnh phúc lắm rồi, nhưng nhiều đồng đội tôi, những người thương binh khác khổ lắm vì họ không có gia đình. Tôi ước có một ngày được vào lại chiến trường xưa, thắp nén nhang cho những người bạn ngã xuống sau những trận đánh năm xưa. Nhưng có lẽ là không thể”.

Vợ chồng bác Nguyễn Văn Hạnh tại trung tâm - Ảnh Phan Trà

Đột nhiên, mắt bác Hạnh chợt nhìn thẳng về phía trước đến ngây dại. Như biết điều gì sắp xảy ra, bác Mai vội kéo tôi ra ngoài hiên và nói nhỏ: “Thôi chú về đi không có lại phiền đấy vì cứ mỗi lần nói về chiến tranh là ông ấy nhà tôi lại lên cơn”.

Tôi ra đến cổng còn nghe thấy tiếng bác hô xung phong, rời nhà bác khi đã xế chiều, một cơn mưa ập đến, mưa trong Miền Nam thì nhanh và mạnh. Nước chảy xối xả. Tôi đứng tựa lưng vào một mái nhỏ ven đường mà lòng ngổn ngang những suy tư. Ngoài kia, cuộc sống đang nhộn nhịp với biết bao nỗi lo toan. Chiến tranh đã đi qua từ lâu, nhưng những vết thương do chiến tranh gây ra nó sẽ chẳng bao giờ lành sẹo và vẫn lẩn quất đây đó, và luôn nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm, tình nhân ái, sự đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng đối với những người đã đổ xương máu cho cây đời mãi xanh tươi.

Thanh Bình

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/co-nhung-vet-thuong-se-khong-bao-gio-lanh-seo-49064.html