Có những nghề nên cho nghỉ hưu sớm 10 năm

Có 49,3% người lao động được khảo sát đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng; 50,7% người lao động không đồng ý tăng tuổi hưu và cho rằng người lao động cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn.

Đây là con số do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khảo sát với trên 1 triệu lao động tại các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng tuổi nghỉ hưu, được công bố tại Hội nghị phản biện xã hội dự luật Bộ luật Lao động sửa đổi dưới góc độ giới, Hội nghị do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức. Điều đó cho thấy, dù dự luật này chuẩn bị tiếp tục trình Quốc hội cho ý kiến nhưng vẫn đang nhận được sự quan tâm của cả xã hội.

Muốn nghỉ hưu sớm vì kiệt sức

Là công nhân thủy sản trực tiếp sản xuất tại Công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long (Quảng Ninh), chị Trần Thị Hường cho biết, công nhân ngành thủy sản rất vất vả, gần như phải đứng 48 tiếng liên tục, thường xuyên tiếp xúc với nóng và lạnh, rất vất vả nặng nhọc. “Thực tế tại công ty chúng tôi hiện nay, những ai đủ tuổi đóng bảo hiểm 20 năm đều xin về hưu sớm, chứ chưa cần chờ đến đủ 55 tuổi”, chị Hường cho hay

Cũng là lao động nữ với công việc đặc thù, chị Phan Thị Thu Hương, Công ty TNHH May Havina chia sẻ không đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Bởi đặc thù công việc của ngành may là phải dùng chân, tay, mắt nhiều.

“Chúng tôi phải ngồi may ít nhất 8 tiếng/ngày, chưa kể thời gian tăng ca. Đến khoảng 40- 45 tuổi, công nhân mắt đã mờ, chân tay chậm, run, sức khỏe không đảm bảo để đáp ứng được yêu cầu của công việc. Chúng tôi biết nghỉ hưu sớm thì mức hưởng lương hưu sẽ không cao nhưng sức khỏe không còn đủ để làm việc. Vì vậy, tôi đề nghị giảm tuổi hưu đối với những người làm nghề công nhân vất vả như chúng tôi xuống 50 chứ không phải tăng lên. Chúng tôi mong muốn các nhà làm luật cần lắng nghe ý kiến của người lao động, nhất là lao động trực tiếp”, chị Hương chia sẻ.

Thậm chí, có những ý kiến người lao động muốn được nghỉ hưu sớm vì kiệt sức. Anh Trần Đức Thủy, Tổ phó Tổ bốc xếp số 2, Công ty TNHH MTV Cảng Cửa Lò cho biết, công nhân bốc xếp thường xuyên làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, bụi mù mịt, trong những khoang tàu ngột ngạt. Đặc biệt là những lần bốc các lô hàng xi măng, phân bón thì mũi lúc nào cũng ngạt thở, cả người ngứa ngáy không chịu được, rồi nhiều bệnh nghề nghiệp như phổi, đau lưng, thoát vị đĩa đệm.

“Ở tuổi mới ngoài 40 nhưng sức khỏe của tôi đã giảm sút rất nhiều. Nhiều anh em của tôi đều phải xin nghỉ ở tuổi dưới 50. Chúng tôi biết nghỉ hưu sớm thì mức hưởng lương hưu không cao nhưng sức khỏe không đảm bảo để làm việc. Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay, hoặc giảm tuổi hưu đối với những người làm các ngành nghề nặng nhọc để tránh thiệt thòi quyền lợi của người lao động”, anh Thủy chia sẻ.

Nhiều lao động đặc thù muốn được nghỉ hưu sớm.

Nhiều lao động đặc thù muốn được nghỉ hưu sớm.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu linh hoạt

Đây là lần đầu tiên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người lao động về vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động trên diện rộng, với trên 1 triệu lao động. Đánh giá về con số 49,3% người lao động được khảo sát đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng; 50,7% người lao động không đồng ý tăng tuổi hưu và cho rằng người lao động cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, nếu chỉ quy định giảm tuổi hưu cho người lao động thuộc các lĩnh vực nặng nhọc độc hại, thì vô hình trung tuổi hưu của đối tượng này vẫn là ở mốc 55 tuổi, giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu hiện tại.

“Chúng tôi ủng hộ quan điểm có những ngành nghề không chỉ nghỉ hưu sớm 5 năm mà còn là 10 năm so với quy định”, bà Hà nêu ý kiến. Bà Hà cũng cho rằng, việc điều chỉnh tuổi hưu theo hướng linh hoạt là cần thiết và phù hợp, khi tiếp cận ở góc độ quyền và trách nhiệm của người lao động, tính đến các điều kiện, tính chất lao động theo các nhóm lao động khác nhau.

Bên cạnh đó, bà Hà còn cho rằng, nên phân định rõ việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với khu vực công chức, viên chức và khu vực sản xuất kinh doanh. Theo bà Hà, quy định như hiện nay dễ dẫn đến hiểu lầm, do đó nên đưa quy định tăng tuổi nghỉ hưu trên vào Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức… còn khu vực sản xuất kinh doanh đề xuất tăng chậm hơn nữa.

Ở góc độ về giới, bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội cho rằng, Bộ luật Lao động năm 2012 đã có nhiều điều khoản hỗ trợ bình đẳng giới, nhưng các khoảng cách giới vẫn tồn tại theo nhiều khía cạnh; một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới tuy hợp lý song tính khả thi chưa cao. Do đó, cần sửa đổi một số điều trong Bộ luật Lao động sửa đổi, góp phần trao cho phụ nữ quyền tự quyết; tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ trong môi trường làm việc cũng như vai trò trong gia đình; thúc đẩy bình đẳng giới trên thị trường lao động; ban hành các chính sách để thu hẹp khoảng cách giới.

“Việc dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và nữ ở tuổi 60 cần có cơ sở khoa học về quy định chênh lệch tuổi của hai đối tượng. Vì vậy, đề nghị việc này cần nghiên cứu thực hiện sớm, đừng quá kéo dài, sớm đưa ra cơ sở khoa học để quy định tuổi hưu khác nhau giữa nam và nữ, để tăng tính thuyết phục khi đưa ra quy định mới này”, bà An nêu quan điểm.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/co-nhung-nghe-nen-cho-nghi-huu-som-10-nam-562694/