Có những 'đùa cợt' khá phổ biến là quấy rối tình dục nhưng người trong cuộc không biết

Theo cuốn sách về nhận biết 'quấy rối tình dục' thì những hành vi bị coi là quấy rối tình dục bao gồm: Có những bình luận cá nhân và xúc phạm về cách ăn mặc và ngoại hình người khác; Có những câu hỏi không mong muốn về đời tư cá nhân của người khác; Những trò đùa không phù hợp về tình dục...

Quấy rối tình dục là một vấn nạn toàn cầu

Tại cuộc khảo sát năm 2013 -2014 về "Bạo lực và quấy rối phụ nữ trên các phương tiện truyền thông, một bức tranh toàn cầu" IWMF và INSI cho thấy quấy rối tình dục là một vấn nạn toàn cầu, có 48% nhà báo nữ đã từng trải qua một số hình thức bị quấy rối tính dục trong công việc; 83% thừa nhận rằng họ không tố cáo những hành vi này.

Vào năm 2017, tổ chức Phụ nữ và báo chí đã tiến hành khảo sát 119 phụ nữ ở 9 quốc gia xuyên suốt Châu Phi vùng tiểu Sahara, Trung Đông và Bắc Phi. Kết quả cho thấy, bị quấy rối qua lời nói là 64% ở Châu Phi, 59% ở Trung Đông và Bắc Phi. Bị quấy rối về thể xác là 24% ở Châu Phi và 17% ở Trung Đông và Bắc Phi.

Các đại biểu chia sẻ về tình trạng quấy rối tình dục trong truyền thông

Các đại biểu chia sẻ về tình trạng quấy rối tình dục trong truyền thông

Theo nghiên cứu "Phụ nữ và Báo chí ở Việt Nam" do Viện Đào tạo Báo chí Thụy " Điển (FOJO) thực hiện năm 2018 thì tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo nữ ở mức cao, trên 27% người được khảo sát. Trong khi đó, cơ chế hướng tới mục tiêu xử lý các vấn đề này còn chưa triệt để.

Tại Lễ ra mắt bản hướng dẫn nhận biết, ngăn chặn "quấy rối tình dục trong truyền thông", ông Nguyễn Tiến Dũng báo Đại đoàn kết chia sẻ, khi đọc bản hướng dẫn nhận biết, ngăn chặn quấy rối tình dục trong truyền thông khiến ông nhiều lần "giật mình" vì chính bản thân và đồng nghiệp cũng đã từng có những lời nói bị quy vào hành vi "quấy rối tình dục" mà không hề hay biết. Những người trong cuộc cho rằng đó chỉ là "đùa cợt".

Một số ý kiến cho rằng phụ nữ làm trong lĩnh vực báo chí, báo chí có cơ hội tiếp xúc với nhiều người cả ở trong lẫn ngoài nơi làm việc nên có nguy cơ cao bị quấy rối tình dục. Không chỉ riêng phụ nữ mà đàn ông cũng bị quấy rối tình dục. Các đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị quấy rối tình dục là sinh viên thực tập, nhân viên mới... tại các cơ quan báo chí…

Quấy rối tình dục có ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài, mang đến những tổn thương lớn về thể xác, tinh thần cho những ai liên lụy bao gồm cả nạn nhân, người vi phạm, cơ quan báo chí và lớn hơn là xã hội.

Cần nhận biết, ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Theo ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới thì cần phải đề cập vấn đề về nhận biết, ngăn chặn quấy rối tình dục ở phạm vi rộng hơn, không chỉ nơi công sở hay môi trường báo chí, truyền thông mà "ở nơi làm việc". Bởi hành vi quấy rối có nguy cơ xảy ra ở bất cứ môi trường làm việc nào chứ không riêng công sở, báo chí hay truyền thông.

Theo cuốn sách về nhận biết "quấy rối tình dục" thì trong môi trường công sở, những hành vi như sau bị coi là quấy rối tình dục (ngoài những hành vi dễ nhân biết như thể xác, cử chỉ…), còn bao gồm: Nhắn tin, gửi thư, gọi điện, đăng bài hoặc gửi tin nhắn trên mạng xã hội, gọi điện hoặc các tài liệu về tình dục; để lại dấu hiệu gạ gẫm; Có những bình luận cá nhân và xúc phạm về cách ăn mặc và ngoại hình người khác; Tạo âm thanh hôn, kêu, bập môi; huýt sáo (có hành vi bỡn cợt); Có những câu hỏi không mong muốn về đời tư cá nhân của người khác; Có những câu hỏi không mong muốn về nhu cầu tình dục; Những trò đùa không phù hợp về tình dục; Nhìn chằm chằm hoặc liếc; Tặng quà không mong muốn; công khai xem phim tình dục; Theo dõi, bám đuôi người khác…

Nhằm ngăn chặn vấn nạn quấy rối tình dục trong môi trường báo chí cũng như góp phần xây dựng môi trường báo chí chuyên nghiệp, lành mạnh Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xuất cuốn sách về nhận biết, ngăn chặn và xử lý về "Quấy rối tình dục trong truyền thông". Được biết ấn phẩm này sẽ được gửi tới 500 cơ quan báo chí song song với bản điện tử. Cùng với đó, sắp tới Cục Báo chí cũng sẽ dự kiến có 4 buổi tập huấn tại 3 miền và lựa chọn một cơ quan báo chí kiểu mẫu về ngăn chặn quấy rối tình dục để nhân rộng mô hình.

Ông Nguyễn Tiến Dũng báo Đại đoàn kết cho rằng, nhờ đọc ấn phẩm hướng dẫn, nhận biết, ngăn chặn và xử lý Quấy rối tình dục trong truyền thông mà ông phải nhìn lại bản thân và các đồng nghiệp để điều chỉnh hành vi, nhất là trong lời nói, đùa cợt.

Nhiều nhà báo, chuyên gia đánh giá ấn phẩm nhận biết, ngăn chặn và xử lý "Quấy rối tình dục trong truyền thông" là một cẩm nang chi tiết, ngắn gọn, dễ hiểu, hữu ích cho cơ quan báo chí và truyền thông nhằm góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường làm việc an toàn, hiệu quả và lành mạnh.

Sáng 29/11, tại Hà Nội, Cục Báo chí (Bộ Thông tin – Truyền thông) đã có buổi ra mắt bản hướng dẫn, nhận biết, ngăn chặn và xử lý Quấy rối tình dục trong truyền thông. Buổi ra mắt đã thu hút đông đảo báo chí cũng như các chuyên gia về lĩnh vực truyền thông và bình đẳng giới.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/co-nhung-dua-cot-kha-pho-bien-la-quay-roi-tinh-duc-nhung-nguoi-trong-cuoc-khong-biet-20191129221112742.htm