Có những dấu hiệu này cần đi khám ngay nếu không muốn mắc ung thư thanh quản

Ung thư thanh quản có thể phát triển ở bất kì phần nào của thanh quản; hút thuốc lá và uống rượu mạnh chính là tác nhân gây ra bệnh này.

Hút thuốc nhiều năm

Ông L.G.T (50 tuổi, ở Thanh Ba, Phú Thọ) được chẩn đoán mắc ung thư thanh quản từ nhiều năm trước đây. Bệnh nhân chia sẻ, cách đây 4 năm, bệnh nhân bỗng nhiên thấy khàn cổ, ho nhiều, giọng nói thay đổi. Tình trạng ngày càng nặng hơn khiến ông bị mất tiếng, hụt hơi và lúc nào cũng có cảm giác có vật gì vướng trong cổ họng. Bệnh nhân đã đi khám ở các cơ sở y tế tuyến dưới, được chẩn đoán ung thư thanh quản.

Tiền sử bệnh án, bệnh nhân này có “thâm niên” hút thuốc từ khi mới 15 tuổi và nghiện nặng với số lượng hút hơn 2 bao/ngày, hơn nữa còn thường xuyên uống rượu mỗi ngày. Kết quả khám nội soi sinh thiết cho thấy, bệnh nhân mắc ung thư thanh quản và được chỉ định phẫu thuật. Các bác sĩ đã mổ vét hạch và cắt u thanh quản cho bệnh nhân vào năm 2018.

Nhưng sau phẫu thuật 1 năm, sức khỏe bệnh nhân giảm sút trầm trọng. Công việc làm thợ xây đành bỏ vì không thể làm được việc nặng. Mỗi lần mang vác vật nặng, bệnh nhân không thở được. Giọng nói bệnh nhân gần như mất hẳn, chỉ có tiếng kêu ú ớ… Các bác sĩ tuyến dưới quyết định mổ lại lần 2 cho bệnh nhân nhằm mở khí quản do hẹp khít thanh quản.

Đây là một biến chứng thường gặp sau các phẫu thuật ở vùng thanh quản hoặc sau các chấn thương thanh quản do tác động bên ngoài hoặc tác động từ bên trong (đặt ống nội khí quản kéo dài..), nhưng lại là biến chứng nặng, khó xử lý. Các bác sĩ tiến hành lắp ống thở và nong thanh quản cho bệnh nhân. Các bác sĩ sử dụng kỹ thuật cắt dính bên trong thanh quản bằng dao mổ laze. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh nhân phải đeo dụng cụ nong thanh quản liên tục và xuất hiện các cơn ho kéo dài. Việc hít thở của bệnh nhân trở nên khó khăn, lúc nói thì câu được câu chăng, thậm chí gần như bị câm… vì phát âm không thành tiếng.

Bệnh nhân tìm tới Khoa tai mũi họng của BV E trung ương để khám. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết bệnh nhân đã được tư vẫn tạo hình lại thanh quản.

Dấu hiệu ung thư thanh quản

PGS.TS Lê Minh Kỳ - nguyên Trưởng khoa Ung bướu của BV Tai Mũi Họng Trung ương, cho biết những người hút thuốc lá, đặc biệt kèm theo thường xuyên uống rượu thì khả năng bị bệnh càng cao. Những người đã ngừng hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư thực quản cũng như ung thư phổi, khoang miệng, tụy, bàng quang và thực quản.

PGS Lê Minh Kỳ khám cho bệnh nhân L.

PGS Lê Minh Kỳ khám cho bệnh nhân L.

Theo PGS Kỳ, nếu được phát hiện triệu chứng ung thư thanh quản sớm thì tỷ lệ chữa khỏi là 80%, nhưng đa phần các trường hợp chủ quan và thiếu hiểu biết nên bệnh đã tiến triển ở giai đoạn muộn. Vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo, nếu chứng khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt ở độ tuổi trên 40 cần được xét nghiệm, thăm khám kịp thời.

Đây là triệu chứng ung thư thanh quản sớm, thường gặp và đôi khi là duy nhất ở nhiều bệnh nhân. Hoặc nếu xuất hiện nhiều bệnh về đường hô hấp như: viêm họng, viêm amidan… cũng là dấu hiệu thường gặp khi mắc bệnh ung thư thanh quản nên cẩn trọng.

Khi mắc bệnh này, chứng ho kín đáo hơn và mang tính chất kích thích, đôi khi có từng cơn ho kiểu co thắt. Ở giai đoạn muộn bệnh nhân còn thấy nuốt khó, sặc thức ăn, xuất tiết vào đường thở thì gây nên những cơn ho sặc sụa. Người bệnh có biểu hiện khó thở có thể xuất hiện sớm hoặc cùng lúc với khàn tiếng. Kích thước khối u ngày càng tăng thì khẩu kính của thanh môn ngày càng hẹp.

Lúc đầu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức (lên cầu thang, mang vật nặng…), nhưng càng về sau, hiện tượng càng có biểu hiện rõ rệt và thường xuyên hơn, lúc này khối u đã lan ra vùng hầu họng kèm theo dấu hiệu đau tai.

Bệnh nhân ở giai đoạn này không ăn cơm được, chỉ ăn cháo hoặc uống sữa, thậm chí phải đặt ống sonde dạ dày để bơm thức ăn. Sút cân không rõ nguyên nhân kèm theo những bất thường nói trên là bằng chứng rõ ràng cho bệnh ung thư thanh quản.

Do đó, người bệnh cần lưu ý thăm khám kịp thời ở bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để xác định tình trạng bệnh và có phương án điều trị phù hợp.

Đối với trường hợp của ông L., PGS Kỳ cho biết do người bệnh đã từng phẫu thuật nội soi cắt các khối u ở thanh quản bằng laze nhưng không hiệu quả mà lại tạo thành sẹo xơ, hẹp thanh quản khiến người bệnh khó thở qua đường tự nhiên, nhất là không rút ống canuyn khí quản. Sau đó, người bệnh tiếp tục được đặt ống nong thanh quản bằng silicon (hoặc kim loại) trong vòng 1-2 năm. Do đặt vật liệu “lạ”, người bệnh ho suốt (do kích thích thanh quản), ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng lao động. Thậm chí, có trường hợp tắc ống nong có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Vì vậy, các bác sĩ ở Bệnh viện E đã quyết định cho bệnh nhân thực hiện kỹ thuật tạo hình lại thanh quản bằng chính tổ chức của cơ thể. Kỹ thuật này hầu như chưa được thực hiện cho người bệnh có sẹo hẹp thanh quản ở Việt Nam. Đây là một kỹ thuật khó thường được chỉ định và thực hiện cho bệnh nhân bị ung thư thanh quản để các bác sĩ đồng thời phẫu thuật cắt bỏ khối u và tạo hình thanh quản trong một lần. Nhờ được tạo hình thanh quản nên giọng nói của bệnh nhân được phục hồi tối đa, thậm chí người bệnh còn có thể hát.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/phong-chong-thuoc-la/dau-hieu-cua-ung-thu-thanh-quan-khan-tieng-thay-doi-giong-noi-279395.html