“Cô nhi viện” trong ngôi chùa đặc biệt ở Đồng Nai

Chùa Diệu Pháp ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai để lại ấn tượng cho các phật tử cũng như khách thập phương không phải bởi cảnh đẹp hay sự uy nghi từ kiến trúc mà ấn tượng là tại đây đang nuôi dưỡng và chăm sóc gần mấy trăm đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Từ sư thầy đến các sư cô đều xem các thân phận không may mắn này như ruột thịt trong nhà mình.

Tròn 30 năm trước, một đêm trời mưa như trút nước. Cánh cổng chùa vừa khép lại sau một ngày tất bật đón các phật tử về cúng viếng và vãng thăm. Sư trụ trì Huệ Đức bước về phòng riêng của mình chuẩn bị cho những giờ tụng kinh niệm phật. Ngay sau vách căn phòng của trụ trì Thích Nữ Huệ Đức là một bãi đất trống mênh mông, cỏ lên xanh rậm rịt.

Bỗng nhiên, khi vừa nhập tâm vào bài kinh, tiếng khóc từ phía sau réo gọi rõ ràng và yếu ớt khiến thầy Huệ Đức không thể tập trung, bà nhổm dậy, vội vã khoác áo mưa ra sau vườn. Tiếng khóc bỗng im bặt, trong tâm trí bà càng hoảng sợ và bồn chồn. Linh cảm có đứa trẻ nào đó đang gặp nạn hoặc bị bỏ rơi, mặc mưa gió, bà vạch cỏ cao đến tận đầu gối cuống cuồng tìm kiếm. Hình ảnh khiến cho bà ngỡ ngàng đến đau nhói là đưa trẻ mới sinh, toàn thân tím tái được quấn sơ sài trong một tấm tã lót. Toàn thân đứa trẻ đã lạnh toát. Quá hốt hoảng, sư Huệ Đức ôm đứa trẻ vào và cấp cứu suốt đêm đó. Sau khi tiêm thuốc và sơ cứu đứa bé vẫn không chịu tỉnh, cả chùa đêm đó thức trắng. Đến trưa ngày hôm sau, đứa trẻ dần hồi phục trở lại trong niềm vui của các ni sư trong chùa. Các sư đã thay nhau chăm sóc và mua sữa cho đứa trẻ uống. Một thoáng ý nghĩ xuất hiện, thầy Huệ Đức quyết định đặt tên cho đứa trẻ là Hồ Đức Diệu Hiền.

Sư trụ trì Huệ Đức cùng những thân phận bất hạnh trong chùa. Ảnh: V. Thị

Nhớ lại thời điểm đó, sư Huệ Đức tâm sự: “Hôm đó cả chùa chỉ lo đứa bé không qua khỏi. Dù gì lẽ ra cũng nên bọc đứa bé cẩn thận trong áo ấm và để trước cổng chùa cho dễ phát hiện. Đằng này họ lại vứt bỏ phía sau, giữa bụi rậm, nếu không ai kịp phát hiện ra thì chắc buồn lắm”. Diệu Hiền lớn lên trong sự đùm bọc của rất nhiều bà mẹ nuôi là sư sãi. Quên đi mặc cảm thân phận, đến nay Hiền đã bước sang tuổi 30, đã học hết cao đẳng. Sư Huệ Đức cho biết; khi tôi đặt tên Diệu Hiền cho cháu bé bất hạnh đầu tiên đó là cũng có ý cả, nghĩa là cái tên đó sẽ mang ước vọng cho cháu một cuộc sống bình yên, kỳ diệu sau này. May mắn, thực tế bây giờ cũng diễn ra với Hiền như vậy.

Sau cái duyên tình cờ đó, liên tiếp nhiều người mang những hài nhi vừa sinh xong vứt bỏ sau chùa. Có bao nhiêu chùa cũng nhận nuôi hết. Ni sư Thích Nữ kể: “Sau ngày nhặt được bé Diệu Hiền trong tình trạng tím tái đó, vài tháng sau cứ trung bình mỗi tháng chùa chúng tôi lại thấy sau chùa xuất hiện trẻ nhỏ được quấn trong tã lót giấu trong bụi cỏ rậm. Ban đầu chúng tôi cũng rất ngạc nhiên và lấy làm lạ nhưng sau nghĩ chắc do người ta biết chùa cưu mang các thân phận bất hạnh đó nên họ mang đến bỏ”.

Những đứa trẻ khuyết tật đang được học chữ.

Ngày đó, tiền công đức ít ỏi, số trẻ bị mang đến cổng chùa bỏ rơi thì tăng vùn vụt nên cứ rảnh rang là gần 20 phật tử lẫn ni sư trong chùa lại miệt mài cày cuốc hơn 2ha đất quanh chùa để trồng rau mang xuống chợ bán lấy tiền mua sữa cho các cháu. Sư Huệ Đức ngậm ngùi nhớ: “Từ đứa trẻ đầu tiên, một năm sau trong chùa đã tăng lên tới gần 40 cháu. Có cháu bị bệnh tật rất nặng, khó chăm sóc lắm nên chẳng đêm nao chúng tôi có thể ngủ tròn giấc được”. Xòe bàn tay dày đặc vết chai sần, sư Huệ Đức bảo: “Ngoài những giờ đón khách và hướng dẫn các ni sư tụng kinh tôi cũng tham gia làm rẫy sau chùa để có thêm điều kiện nuôi các con. Có những ngày làm đến tứa cả máu bàn tay, các sư khác trong chùa cũng như vậy cả”.

Ông Nguyễn Toàn Văn, một phật tử của chùa cho biết: Từ ngày nhận trẻ mồ côi, cứ đêm mưa là cả chùa không dám ngủ, thắp điện sáng choang ở khu đất sau chùa để nếu có trẻ bị người ta mang đến đó vứt bỏ thì ẵm vào cho nhanh. Có đêm ẵm được ba đứa luôn. Rồi nhà chùa không đủ sức chăm sóc, có tháng ngay bản thân sư Huệ Đức cũng ngã bệnh vì kiệt sức. Đã có một số nhà hảo tâm đến tặng một số vật chất nhưng cũng chẳng thấm thía vào đâu. Khó khăn và ám ảnh nhất với các sư trong chùa Diệu Pháp là chăm sóc những đứa trẻ vừa sinh ra đã mang mầm bệnh HIV.

Các ni sư ở đây cho biết thêm: Cách đây 4 năm cũng vào một đêm trời mưa, chùa nhặt được hai đứa trẻ, chúng cứ sốt cao liên miên mà không khỏi. Sau khi đưa vào viện xét nghiệm, các bác sỹ thông báo các bé đã bị lây HIV từ cha mẹ. Lúc đó ai cũng thương xót nhưng vẫn cứ quyết định mang các cháu quay về chùa chăm sóc, được ngày nào hay ngày đó. Là người tu hành, từng ngày phải chứng kiến cái chết mòn của các sinh linh vô tội, ai cũng rưng rưng niềm thương cảm. Diệu Hiền, người con nuôi đầu tiên của chùa, xúc động cho biết; tuy giờ đã lập gia đình riêng nhưng trong lòng tôi xưa nay và mãi mãi cũng xem các sư trong chùa như cha mẹ ruột thịt của mình. Đồng cảm với các số phận khác, mỗi lúc rãnh tôi lại quay về giúp chùa chăm sóc các em. Thấy các em lại như thấy quãng đời trước kia của mình, thương lắm.

Dù đã cố gắng đến mức có thể nhưng một số đứa trẻ vì bị vứt bỏ khi còn quá non nớt nên chùa đã không thể cứu chữa. Càng day dứt hơn khi tất cả các sư đều không muốn đưa các em đến một nghĩa địa xa vắng nào đó vì sợ các em cô đơn. Sư Huệ Đức giãi bày: “Thân phận các em đã quá thiệt thòi rồi. Những em bất hạnh nhà chùa không cứu được chúng tôi đều an táng ngay trong chùa để có thể hàng ngày cầu kinh niệm phật cho linh hồn các cháu được siêu thoát. Có người bảo chúng tôi mang ra nghĩa địa hài nhi chôn cất nhưng như thế sợ các cháu cô quạnh và lạnh lẽo, chúng tôi lại không có điều kiện thường xuyên đến cầu kinh cho các cháu.”

Những tấm bia phía cuối sân chùa ghi chi chít những cái tên. Sư trụ trì Hiền Đức bảo rằng: “Trong những nấm mộ đó có cháu mới chỉ thọ được vài tháng trên dương gian thôi vì không có sữa mẹ. Cũng có vài cháu bị HIV mà chết. Có những trường hợp thương tâm lắm như em Nguyễn Hiền, khi nhà chùa phát hiện được phía sau vườn thì em đã bị kiến bu khắp lỗ tai, lỗ mũi và những nơi có máu. Hai bàn tay và chân thì đã bị chó cắt đứt và ăn mất rồi. Ngày nào không ra tụng kinh cho các cháu, chúng tôi lại thấy bứt rứt lắm.

Bị vứt bỏ ở cổng chùa Diệu Pháp còn có hàng chục đứa trẻ không bình thường, sinh ra đã mang dị tật như mù lòa, câm điếc. Tuy nhiên chùa vẫn nhận nuôi và tìm mọi phương pháp dạy chữ cho các em. Sau gần 30 năm nuôi dưỡng và chăm lo những thân phận bất hạnh, đến nay chùa Diệu Pháp đã giúp cho hơn 500 mảnh đời có được cuộc sống ổn định. Ni cô Thích Diệu Ngọc tâm sự: Nếu chỉ nuôi dưỡng các em không thì thiệt thòi với bạn bè nhiều quá nên trong không gian khiêm tốn của chùa chúng tôi mở các lớp học chữ và tự mình dạy. Khi thấy em nào có kiến thức tốt và khả năng nhanh nhạy thì sẽ gửi vào các trường học trong địa bàn. Có nhiều em học rất thông minh. Trụ trì Diệu Đức khẳng định: “Nuôi dưỡng là tất nhiên, đó là việc mấy chục năm nay chùa vẫn làm rồi. Nhưng chúng tôi luôn xác định phải trang bị đầy đủ kiến thức cho các em. Nên chỉ tính riêng chục năm trở lại đây đã có gần 50 trẻ mồ côi ở đây tốt nghiệp ĐH, đi làm và nhiều em đang còn theo học trong các trường nữa.

“Có lẽ đây là ngôi chùa nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi bị bỏ rơi nhất ở Đồng Nai. Tất cả chúng em đều có chung một ước vọng khi trưởng thành sẽ quay về giúp đỡ lại một phần nào đó cho các lớp sau, cũng ước vọng sẽ bớt đi những thân phận bị vứt bỏ ở cổng chùa. Bây giờ, không còn tủi phận bị bỏ rơi nữa mà luôn xem chùa Diệu Pháp là nhà, các ni sư là cha mẹ rồi. Cũng vì thương những người mẹ nuôi này nên trong các đợt nghỉ hè hầu hết các anh chị đang theo học trong các trường ĐH đều về giúp chùa làm việc và trồng rau trên mảnh đất sau chùa để kiếm thêm tiền mua sữa, thuốc men cho những em nhỏ mới bị đem đến cổng chùa vứt bỏ” - em Nguyễn Thị Lan, từng được các sư của chùa nuôi dưỡng xúc động cho biết.

Võ Thị

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/co-nhi-vien-trong-ngoi-chua-dac-biet-o-dong-nai-112477