Cổ nhạc từ đường mà bị đối xử thế này ư?

VH- Di tích Cổ nhạc từ đường là nơi thờ Tổ sư của ca nhạc truyền thống Huế đã bị biến thành nhà kho của xưởng gỗ, cùng nhiều vật dụng và đồ dùng sinh hoạt nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết.

Không gian chính của di tích Cổ nhạc từ đường trông rất lộn xộn, nhếch nhác

Một số người khi đến thăm di tích này đã phải lắc đầu ngao ngán bởi công tác quản lý di tích của chính quyền địa phương.

Nhếch nhác, lộn xộn

Những ngày này, có mặt tại di tích Cổ nhạc từ đường (số 127/5 Nguyễn Trãi, phường Thuận Hòa), phóng viên Văn Hóa đã chứng kiến cảnh tượng nhếch nhác, lộn xộn từ lối đi cho đến không gian chính của nhà thờ. Ngay trong khuôn viên của khu nhà thờ, nhiều đồ dùng sinh hoạt như kệ inox để chén bát, bàn ghế, xe đạp… để vô tội vạ. Cạnh đó, nhiều cánh cửa bằng gỗ và những tấm gỗ vừa được cưa xẻ xong chất thành đống.

Khu di tích này vốn đã xuống cấp nay càng trở nên nhếch nhác hơn khi “bị” người ta biến thành một khu nhà kho “tổng hợp” chứa nhiều đồ đạc. Ngay bên hông của nhà thờ Cổ nhạc là… một xưởng cưa xẻ gỗ hoạt động ồn ào và đầy bụi bẩn. Chính xưởng cưa gỗ này chiếm dụng ngay từ cổng lối vào nhà thờ Cổ nhạc. Một số người dân sống quanh di tích cho biết, việc cưa gỗ này đã diễn ra nhiều ngày qua, gây mất vệ sinh và gây tiếng ồn rất khó chịu cho bà con. Khi được hỏi thì người thợ cưa cho biết, mặt bằng này đã được thuê lại, nhưng không chịu tiết lộ thuê từ ai?

Cổ nhạc từ đường được xây dựng từ năm 1966, là nơi thờ Tổ sư của ca nhạc truyền thống Huế, trong đó có những loại hình âm nhạc đã được vinh danh là di sản: Nhã nhạc cung đình được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể; Ca Huế là di sản phi vật thể quốc gia, và đang có kế hoạch tiến tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Cứ vào ngày 16.3 (Âm lịch) hằng năm, các nghệ sĩ của các loại hình âm nhạc truyền thống Huế quy tụ về đây để dự lễ tế tổ. Chuỗi hoạt động văn hóa truyền thống trong kỳ lễ tế tổ này nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật ca nhạc truyền thống xứ Huế.

Có ai hình dung được đây là khuôn viên nhà thờ Cổ nhạc từ đường

Năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định công nhận nhà thờ Cổ nhạc là di tích cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (trú tại phường Thủy Xuân, TP Huế), một cán bộ hưu trí rất đam mê nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Huế, khi chứng kiến cảnh tượng lộn xộn này, đã rất buồn lòng. Ông Khiêm nói, “tôi đang nghiên cứu về Ca Huế nên đến đây để tham quan, tìm hiểu và chụp ảnh cho tư liệu, nhưng nhìn thấy cảnh nhà thờ Cổ nhạc như thế này thì đau lòng quá. Tôi đã không chụp được một tấm ảnh ra hồn về di tích này”.

“Cha chung không ai khóc”?

Điều đáng nói là khuôn viên di tích Cổ nhạc từ đường chỉ nằm cách UBND phường Thuận Hòa (TP Huế) vài ngôi nhà, nhưng không hiểu sao tình trạng lộn xộn, nhếch nhác tại đây lại không được chính quyền địa phương quan tâm, chấn chỉnh.

Trao đổi với Văn Hóa, lãnh đạo UBND phường Thuận Hòa tỏ ra ngạc nhiên về thực trạng đang diễn ra ở di tích Cổ nhạc từ đường mà phóng viên phản ánh. Sau khi kiểm tra thông tin, ông Hoàng Thanh Giang, Chủ tịch UBND phường Thuận Hòa mới thừa nhận, đúng là có diễn ra tình trạng trên. Ông Giang cho biết, có một hộ dân ở gần đó đang xây nhà và họ xin để tạm các vật dụng sinh hoạt tại di tích. Tuy nhiên, khi họ đến để “nhờ” di tích này thì không có xin phép hay thông báo gì với phường. Xưởng cưa gỗ cũng của nhà đang xây dựng, họ nhờ đặt cưa gỗ ở đó để thi công cho tiện. Khi cán bộ của phường đến kiểm tra, họ đã xin vài ngày cho xong việc rồi dọn dẹp lại khuôn viên di tích.

Theo chính quyền địa phương, di tích này đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay, phần mái ngói bị hư hỏng và dột, hệ thống tường thì ẩm mốc, bong tróc… nhưng không có nguồn kinh phí trùng tu. Đây là di tích nằm trên địa bàn và UBND phường chỉ quản lý về mặt nhà nước, về sử dụng vẫn là của hội ca nhạc truyền thống nhưng ít được quan tâm. “Thực tế là họ (những nghệ sĩ -PV) rất vô tâm. Họ chỉ đến đây vào dịp lễ tế Tổ, họ dọn dẹp gọn gàng và sạch đẹp, nhưng sau đó thì bỏ bê không ai lui tới, hương khói chi cả. Chính quyền địa phương cũng không thể quán xuyến hết được, vì chủ sở hữu vẫn là các nghệ sĩ. Đây giống như là “cha chung không ai khóc”. Chúng tôi rất mong các nghệ sĩ trong hội quan tâm và hỗ trợ thêm để di tích được bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị”, ông Hoàng Thanh Giang nói.

Thực tế là họ (những nghệ sĩ -PV) rất vô tâm. Họ chỉ đến đây vào dịp lễ tế Tổ, họ dọn dẹp gọn gàng và sạch đẹp, nhưng sau đó thì bỏ bê không ai lui tới, hương khói chi cả. Chính quyền địa phương cũng không thể quán xuyến hết được, vì chủ sở hữu vẫn là các nghệ sĩ. Đây giống như là “cha chung không ai khóc".

(Ông Hoàng Thanh Giang, Chủ tịch UBND phường Thuận Hòa, TP Huế)

SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/co-nhac-tu-duong-ma-bi-doi-xu-the-nay-u