Có người yêu lý tưởng không?

Bạn đã tìm được người yêu lý tưởng chưa? Nhưng thế nào là người yêu lý tưởng, lại là câu hỏi không dễ trả lời. Có người coi trọng hình thức. Có người coi trọng tính cách, tâm hồn. Có người đánh giá cao khả năng kiếm tiền.

Và cũng có người đưa ra tiêu chuẩn hàng đầu là lòng chung thủy. Lại có người muốn phải có đủ các điều kiện trên. Liệu trong thực tế, có tìm đâu ra một con người bao gồm đầy đủ những phẩm chất mà ta mơ ước được không? Điều quan trọng nữa là, liệu người đó có yêu ta không?

Ảnh mang tính minh họa

Một anh chàng sau khi tốt nghiệp cao học, ổn định công ăn việc làm, bắt đầu đi kén vợ. Anh ta đưa ra những tiêu chuẩn rất rõ ràng, trình độ phải đại học trở lên, hình thức phải đẹp, tâm hồn phải phong phú, lãng mạn, tính tình phải vui tươi, hài hước, sức khỏe phải dồi dào, công việc phải ổn định, gia đình phải nền nếp, gia giáo, cư xử phải tươi tắn, dịu dàng. Chính vì quá nhiều tiêu chuẩn như thế nên mấy năm sau, anh ta vẫn chưa tìm được ai ưng ý. Cứ được mặt này lại thiếu mặt kia. Người có đủ các mặt mà anh ta mong muốn lại không thích anh ta. Ngoảnh đi ngảnh lại đã 30, rồi 40 tuổi lúc nào không biết.

Bây giờ anh ta đã bước vào tuổi ngũ tuần, vẫn chưa tìm được người yêu lý tưởng. Có người hỏi anh ta, bây giờ có chịu hạ tiêu chuẩn xuống không hay vẫn giữ nguyên như thế? Anh ta ngao ngán trả lời, hạ xuống nhiều rồi mà vẫn chưa tìm được ai. Cụ thể bây giờ tiêu chuẩn thế nào? Giọng anh ta không còn cao ngạo nữa mà đã bắt đầu biết khiêm tốn: "Tiêu chuẩn đầu tiên là người ta chấp nhận mình". Thế còn trình độ? Biết đọc, biết viết! Còn khả năng kiếm tiền? Tự làm mà ăn, mình không phải nuôi. Còn hình thức? Chỉ cần… đầy đủ các bộ phận! Mong cho anh ta sớm tìm được người "bạn đời lý tưởng" của mình!

Câu lạc bộ kết bạn chứng kiến nhiều chuyện buồn cười. Có cô gái đòi hỏi người yêu phải có chiều cao từ 1m75 trở lên. Hỏi thế em cao bao nhiêu? Em… 1m 48! Mới biết nhiều khi người ta đặt ra những tiêu chuẩn cho người khác nhưng lại không biết con người mình thế nào? Họ không tự hỏi, liệu một người cao như thế, có thích một người thấp như họ không?

Đó là chưa kể khi người đó đã trở thành chồng hay vợ của mình, có thể những điều mà mình từng mơ ước trước đây, có còn là mơ ước nữa không? Khi mới quen, đi chơi với nhau, cô gái nào chẳng thích những chàng trai hào phóng, thậm chí còn tự hào khi anh ta trả tiền không cần lấy lại tiền lẻ. Nhưng khi lấy nhau rồi lại cho đó là thói quen hoang phí đáng ghét. Có chị mắng chồng là "đồ phá của". Khi yêu, cô gái nào chẳng thích những chàng trai "ga-lăng" nhưng khi lấy nhau rồi lại chỉ thích anh chồng "chân chì hạt bột".

Có người đặt ra những tiêu chuẩn chẳng mấy khi có trong cùng một con người. Chẳng hạn muốn chồng đẹp trai, giàu có, lại hài hước, vui tính, giao thiệp rộng nhưng lại cực kỳ đứng đắn, chung thủy, cả đời không hề biết đến một phụ nữ nào khác. Có chị muốn chồng có tài, biết làm thêm, kiếm ra nhiều tiền nhưng lại "hết giờ hành chính về nhà ăn cơm", không đi hàng quán ăn nhậu gì, mười tối ngồi nhà xem ti-vi với vợ cả mười. Thực ra người có ưu điểm này lại thường kèm theo nhược điểm khác, khó có ai "mười phân vẹn mười". Ai chẳng thích có vợ đẹp nhưng liệu có đủ tài giữ được người đẹp ấy cho riêng mình, khi cô ta đi ra đến đường là khối gã đàn ông đã mắt la mày lét, kẻ nịnh kiểu này, người chiều kiểu kia, liệu có tâm niệm mãi được câu "chồng ta áo rách ta thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người"?

Có thể nói, đặt ra những tiêu chuẩn cho một người yêu lý tưởng chẳng khó, cái khó là có tìm được người đó hay không và cái khó hơn là có đủ sức chinh phục được họ không? Đó là chưa kể liệu có giữ được không? Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là yêu ai, lấy ai cũng được, chẳng cần tiêu chuần nào cả.

Điều quan trọng là tìm được người có khả năng hòa hợp với mình, đem lại được hạnh phúc cho mình và chính mình cũng đem lại được hạnh phúc cho họ. Khi chúng ta tìm một người yêu, nếu không phải "yêu để mà yêu" thì chắc chắn chúng ta phải nghĩ đến người đó sẽ trở thành người bạn đời của mình, nghĩa là sớm muộn gì cũng phải nghĩ đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, để có thể yêu nhau, sống với nhau hạnh phúc suốt đời, cần phải có sự hòa hợp về những mặt cơ bản. Còn những gì không cơ bản, có thể hòa hợp dần dần. Chẳng hạn một người thích âm nhạc, người kia lại thích thể thao vẫn có thể chấp nhận nhau được. Người thích chém to kho nhừ, người ưa ăn uống cầu kỳ vẫn có thể chiều nhau được. Các công trình nghiên cứu về hôn nhân cho biết, quá trình hòa hợp có khi cần thời gian hàng năm, mười năm. Người ta còn nhận thấy nhiều đôi vợ chồng lúc về già giống nhau một cách kỳ lạ, mặc dầu khi còn trẻ họ cũng khác nhau nhiều lắm.

CHUYÊN GIA TÂM LÝ TRỊNH TRUNG HÒA (Kiến thức gia đình số 47)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/co-nguoi-yeu-ly-tuong-khong-post230906.html