Có người lợi dụng thanh tra chuyên môn để 'đánh' giáo viên không cùng chính kiến

Đôi khi, cũng từ việc thanh tra, kiểm tra chuyên môn như thế này mà có 'người mượn gió bẻ măng' để 'đánh' vào những giáo viên không cùng chính kiến.

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Thanh tra, kiểm tra chuyên môn cuối năm học như thế nào mà giáo viên ngao ngán? [1] của tác giả Kim Oanh thì ngày 23/4/2021 có bài phản biện Nói thật, chỉ có giáo viên nào lười mới ngán kiểm tra hồ sơ chuyên môn cuối năm [2] của tác giả Lê Mai.

Vậy, kiểm tra hồ sơ chuyên môn cuối năm có gì mà giáo viên ngán ngại, có phải chỉ những giáo viên “lười” mới ngán kiểm tra hay không?

Hãy đặt thời điểm kiểm tra chuyên môn vào lúc các nhà trường đang ôn tập, kiểm tra học kỳ II và cũng lúc này nhiều địa phương đang triển khai tập huấn trực tuyến mô- đun 3 cho giáo viên để thấy cái công việc bình thường đó không hề phù hợp chút nào.

Hơn nữa, việc kiểm tra hồ sơ chuyên môn cuối năm dù cấp nào kiểm tra đi chăng nữa thì nó cũng đang rất hình thức, máy móc và không có nhiều tác dụng.

Việc kiểm tra hồ sơ chuyên môn cuối năm không thực sự cần thiết (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Việc kiểm tra hồ sơ chuyên môn cuối năm không thực sự cần thiết (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Lâu nay, việc thanh tra, kiểm tra chuyên môn cấp nào đi chăng nữa thì cũng thường chỉ dừng lại ở việc kiểm tra hồ sơ sổ sách là chủ yếu. Những nội dung kiểm tra như vậy, giáo viên không sợ bởi thực tế thì những hồ sơ chuyên môn cơ bản đã được giáo viên chuẩn bị từ đầu năm học và năm nào mà họ chẳng trải qua những công việc như thế này.

Kiểm tra lúc nào giáo viên cũng có sẵn bởi họ đã in, đã được tổ trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường phê duyệt từ đầu năm học.

Giáo án thì theo quy định hiện nay cứ 2 tuần, tổ chuyên môn sẽ duyệt 1 lần nên hồ sơ giáo viên không thiếu theo quy định.

Trong bài viết Nói thật, chỉ có giáo viên nào lười mới ngán kiểm tra hồ sơ chuyên môn cuối năm của tác giả Lê Mai cũng đã đề cập lại những loại hồ sơ sổ sách của giáo viên đã được Bộ quy định.

Nhưng, cũng chính vì thế mà nó thừa thãi, không cần thiết, cũng chừng ấy hồ sơ sổ sách mà cứ kiểm tra đi, kiểm tra lại nên nó mất thời gian của người kiểm tra và cả người được kiểm tra.

Trong nội dung bài viết Thanh tra, kiểm tra chuyên môn cuối năm học như thế nào mà giáo viên ngao ngán? của tác giả Kim Oanh cũng đã đề cập việc thanh tra, kiểm tra chuyên môn là một công việc bình thường, thường xuyên của ngành.

Điều mà tác giả Kim Oanh mong muốn và cũng có thể là nhiều giáo viên phổ thông đều nhìn thấy là thời điểm cuối năm học 2020-2021 này thì giáo viên đang có rất nhiều công việc.

Giáo viên vẫn phải lên lớp, vẫn phải hoàn thành mọi công việc được nhà trường phân công . Nhưng, bên cạnh đó là giáo viên đang phải tập huấn mô-đun 3 nên họ phải “chia lửa” ở nhiều phần công việc khác nhau.

Trong khi, kiểm tra hồ sơ chuyên môn thì kiểm tra cái gì ngoài mấy cái kế hoạch và hồ sơ sổ sách mà giáo viên đã và đang thực hiện từ đầu năm học?

Kiểm tra chuyên môn cuối năm của Phòng, Sở mà chỉ dừng lại bắt bẻ vài cái biên bản ghi như thế nào cho đúng hoặc đề cương, kế hoạch ôn tập, đề kiểm tra học kỳ còn vài hạn chế nhỏ thì kiểm tra làm gì cho mất công.

Đôi khi, cũng từ việc thanh tra, kiểm tra chuyên môn như thế này mà có “người mượn gió bẻ măng” để “đánh” vào những giáo viên không cùng chính kiến. Điều này đã được chính tác giả Lê Mai đã từng đề cập trong một bài viết của mình cách nay chưa lâu.

Đó là ngày 19/2/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: Hồ sơ, giáo án giấy vẫn là "cái roi" mà nhiều cán bộ quản lý không muốn bỏ, tác giả Lê Mai đã kể lại câu chuyện của mình như sau:

Người viết (tác giả Lê Mai) từng được tham gia làm công tác thanh tra trường học, từng được cán bộ quản lý nhà trường “gửi gắm”: “Chị kiểm tra hồ sơ giáo viên X. thật kỹ giúp em, có gì sai sót chị ghi cụ thể vào biên bản cá nhân, đừng ghi vào biên bản tổng hợp của đoàn. Nếu có sai sót, khi trao đổi cá nhân X. nhớ mời em cùng tham dự nhé”.

Tôi biết X. là giáo viên có năng lực, trực ngôn, không được lòng hiệu trưởng, nên hiệu trưởng muốn nhờ tôi “vạch lá tìm sâu” tìm điểm yếu để “giáo dục” X.

Không ít cán bộ khi kiểm tra giáo án của giáo viên “cá biệt” đã “chẻ tư sợi tóc”, tìm cách moi móc, bắt lỗi; chỉ cần một lỗi nhỏ cũng quy chụp, nâng quan điểm đánh giá.

Có người phải đỏ mắt tìm một lỗi nhỏ trong 800 trang giáo án vì được thông báo “giáo án có sai sót”. [3]

Vì vậy, nhận định: “chỉ có giáo viên nào lười mới ngán kiểm tra hồ sơ chuyên môn cuối năm?” liệu có phải là điều khiên cưỡng hay không?

Chúng tôi cho rằng với cách phân quyền và trao quyền tự chủ chuyên môn cho các đơn vị như hiện nay thì việc thanh tra, kiểm tra chuyên môn của cấp Phòng, cấp Sở chỉ cần dừng lại ở việc quản lý, triển khai kế hoạch của Ban giám hiệu nhà trường là đủ rồi.

Nếu cần thiết, có thể dự giờ một số tiết của giáo viên để đánh giá việc quản lý chuyên môn của nhà trường và tổ chuyên môn.

Giữa lúc dịch bệnh như thế này, các trường đang tập trung ôn tập, kiểm tra học kỳ, tập huấn trực tuyến...

Nếu cấp trên về thì chỉ cần kiểm tra hồ sơ, kế hoạch của Ban giám hiệu là sẽ nắm được tình hình chung của các đơn vị. Nơi đây, có đầy đủ hồ sơ minh chứng bởi đa phần các trường có hồ sơ lưu. Các kế hoạch ôn tập, đề cương ôn tập, đề kiểm tra học kỳ đều được Ban giám hiệu phê duyệt và lưu giữ.

Việc kiểm tra của nhà trường về hồ sơ sổ sách cũng đang thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng chồng chéo, hình thức, năm nào cũng chỉ chừng ấy chuyên đề…

Bản thân người viết bài này cũng đang là tổ trưởng chuyên môn của một trường phổ thông hơn chục năm qua và hàng năm cũng thường phải thực hiện kiểm tra chuyên đề theo kế hoạch nhà trường nên nhìn khá rõ những bất cập.

Suy cho cùng, chất lượng giáo dục mới là quan trọng, còn hồ sơ sổ sách chỉ là thứ yếu- điều này giáo viên nào cũng có thể nhìn thấy. Bởi thực tế, muốn hồ sơ chuyên môn "đẹp" thì đơn giản lắm...!

Việc kiểm tra hồ sơ chuyên môn cuối năm học cũng chỉ là hình thức vì đầu năm thì hồ sơ, kế hoạch của giáo viên đã được phê duyệt, giáo án thì duyệt 2 lần/ tháng. Cuối năm lại yêu cầu giáo viên ôm hồ sơ, giáo án vào để kiểm tra thêm 1 lần nữa.

Thử hỏi, với cách kiểm tra như vậy thì giáo viên không ngán mới là lạ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thanh-tra-kiem-tra-chuyen-mon-cuoi-nam-hoc-nhu-the-nao-ma-giao-vien-ngao-ngan-post217172.gd

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/noi-that-chi-co-giao-vien-nao-luoi-moi-ngan-kiem-tra-ho-so-chuyen-mon-cuoi-nam-post217244.gd

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ho-so-giao-an-giay-van-la-cai-roi-ma-nhieu-can-bo-quan-ly-khong-muon-bo-post215706.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-nguoi-loi-dung-thanh-tra-chuyen-mon-de-danh-giao-vien-khong-cung-chinh-kien-post217268.gd