Có nên yêu cầu nhà mạng đặt máy chủ tại Việt Nam?

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, các nhà mạng đã kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải bình đẳng với các doanh nghiệp khác, phải đặt máy chủ để quản lý người dùng Việt Nam chứ không đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu.

Sáng 23/11, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4 khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu (Nguồn: quochoi.vn)

Các đại biểu Quốc hội còn một số ý kiến khác nhau về sự cần thiết của việc đảm bảo an toàn thông tin mạng và việc thực thi cam kết quốc tế đối với nhà mạng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Cụ thể, một quy định trong dự thảo luật được các đại biểu quan tâm thảo luận và tranh luận là khoản 4, điều 34: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam...".

Chia sẻ quan điểm về điều khoản này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng việc cung cấp dịch vụ Internet do các doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận. Đã kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp thông tin cho nhiều quốc gia chứ không riêng gì cho một nước cụ thể.

Theo đại biểu, trên thế giới có 14 nước như: Mỹ, Nga, Úc, Canada, Colombia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện việc đặt máy chủ.

"Vì sao các nước đó làm được, Việt Nam lại không làm được? Nghiên cứu tại hiệp định TPP, không có quy định nào của hiệp định này ngăn chặn áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế hay bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định với EU, hay Hiệp định TPP, dịch vụ viễn thông qua biên giới không yêu cầu phải đặt máy chủ tại tất cả các nước. Quy định này trái với cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Cùng quan điểm với đại biểu Thúy, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đồng tình: "Không thể quản lý cứng nhắc, bắt các công ty nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Cần xem xét kĩ trước khi ban hành, điều này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên thế giới".

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng Luật này là cần thiết. Nhưng ông cũng cho rằng quy định yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ là chưa hợp lý.

"Cần thanh kiểm tra đột xuất về dữ liệu và truyền tải để quản lý tốt hơn và không đi ngược với tiến trình hội nhập. Doanh nghiệp ngoại phải giải trình khả năng truyền tải thông tin mật quốc gia thông qua các báo cáo định kì", đại biểu Bình đề xuất.

Các đại biểu cho rằng, việc đặt máy chủ dữ liệu ở đâu không quan trọng bằng việc quản lý sử dụng dữ liệu đó ra sao.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tiếp thu ý kiến các đại biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ yêu cầu cơ quan soạn thảo luật tiếp tục rà soát các quy định, không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như những cam kết của Việt Nam với quốc tế, không đặt thêm những thủ tục hành chính không cần thiết.

Dự kiến, dự án Luật An ninh mạng sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kì họp thứ 5 vào năm 2018./.

Hà Giang (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/co-nen-yeu-cau-nha-mang-dat-may-chu-tai-viet-nam-264712.html