Có nên xử phạt các giáo viên đang dạy chính khóa ở các trường khi dạy thêm

Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang lấy ý kiến để hoàn thiện, tuy nhiên từ khi ban hành Dự thảo đã có nhiều ý kiến cho rằng những quy định cụ thể về hành vi vi phạm trong dự thảo là không hợp lý, trong đó có quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm đối với giáo viên.

Lương giáo viên thấp thế, không làm thêm, không dạy thêm thì biết sống thế nào?

Nhìn vào thực trạng thu nhập của nhiều giáo viên hiện nay không đủ sống, trang trải các chi phí sinh hoạt và nhiều người phải bươn chải kiếm thêm chút thu nhập ngoài đồng lương ít ỏi được trả, nhất là các giáo viên sống ở khu vực đô thị, để trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tiền lương của giáo viên lại tính theo thang bảng lương của viên chức (như các ngành nghề khác), chưa kể việc tổ chức dạy thêm, học thêm nhiều khi là do nhu cầu của cha mẹ học sinh, tự tổ chức và mời các giáo viên về dạy.

Vậy những nhu cầu phát sinh từ cuộc sống như thế có đáng để xử phạt theo quy định trong Dự thảo Nghị định này. Chưa kể việc quy định các mức xử phạt như vậy nhưng cũng sẽ phụ thuộc vào người xác định mức phạt. Và nếu áp sai mức xử phạt thì sẽ xử lý, quy trách nhiệm như thế nào? Lý lẽ như vậy nhưng về phần xử bằng cái "tình" thì có cân nhắc nặng nhẹ? Để dễ dàng dẫn đến sai lệch trong hành vi. Và trường hợp này thì có chế tài nào xử lý người thực thi pháp luật?

Khi được hỏi về những bất cập trong cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên cơ hữu trong trường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, việc khống chế thời gian giảng dạy đối với giáo viên theo quy định (200 giờ/giáo viên/năm) là một bất cập đối với cả nhà trường lẫn giáo viên. Về phía nhà trường sẽ khó sử dụng được hết năng lực giảng dạy của giáo viên trong trường, nếu sử dụng quá sẽ bị phạt, chưa kể giáo viên đó có thể sẽ sang giảng dạy tại các cơ sở khác theo nhiều hình thức: thuê khoán, hợp đồng giảng dạy… và việc xác định vi phạm là khó khả thi. Về phía giáo viên, với số giờ đứng lớp theo quy định thì mức thu nhập hiện tại của các giáo viên không đủ tiền cho chi phí cuộc sống hàng ngày, tính trung bình một giáo viên thu nhập mỗi tháng khoảng 5 triệu (lương cơ bản x hệ số + phụ cấp) thì việc làm thêm, dạy thêm là hoàn toàn có thể thông cảm chấp nhận.

Theo thầy Trọng Thành, giáo viên dạy toán tại Hà Nội, thì việc quy định mức xử phạt cho hành vi dạy thêm không được Hiệu trưởng nhà trường đồng ý như vậy là tương đối nặng đối với giáo viên. Theo thầy thì số tiền để nộp phạt cũng thực sự làm khó cho giáo viên bởi thu nhập từ tiền lương và dạy thêm của thầy chỉ ngót nghét 10 triệu, trong khi thu nhập này lại là nguồn thu nhập chính của gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 người con học Trung học cơ sở, vậy nếu bị phạt thì sẽ lấy tiền đâu ra để nộp phạt. Thêm vào đó, việc đề nghị Hiệu trưởng đồng ý cho dạy thêm ở ngoài trường cũng khó khả thi bởi đó là các hoạt động ngoài phạm vi quản lý của Hiệu trưởng. Và theo thầy thì nên có các biện pháp giáo dục ý thức và trách nhiệm của nhà giáo hơn là áp đặt các biện pháp xử phạt bằng tiền.

Bố mẹ không thể dạy con được, đành phải mời thầy về dạy thêm cho con

Phụ huynh học sinh

Là một phụ huynh có con mới vào học lớp 1 từ năm học 2018-2019, chị Nguyệt Thu (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng không nên cứng nhắc trong việc xử phạt việc dạy và học thêm. Tỏ ra lo lắng khi nói về việc học hành của con, chị cho hay mình đã phải mời giáo viên dạy kèm con từ trước khi vào lớp 1 bởi chị thấy chương trình quá "nặng", thêm vào đó lại là chương trình mới khác với những gì trước đây chị được học nên "bố mẹ không thể dạy con được, đành phải mời thầy về dạy thêm cho con", mỗi tháng gia đình cũng mất thêm tiền triệu để thuê giáo viên kèm thêm cho con. Đặt giả thiết nếu con đang học mà thầy giáo "bị bắt và phải chịu phạt" thì không biết sẽ ảnh hưởng như thế nào tới việc học hành của con, đó là còn chưa kể việc giáo viên chịu phạt như vậy thì có ảnh hưởng gì tới việc giảng dạy ở trường hay không… chính vì vậy các nhà làm luật phải nghiên cứu thật kỹ trước khi ban hành để tránh các hệ lụy gây ra từ việc xây dựng văn bản chưa chặt chẽ.

Cũng vì những hạn chế, bất cập như vậy mà đã có một số ý kiến cho rằng, chỉ nên áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm bằng tiền khi không còn biện pháp nào khác. Và mọi người cũng đưa ra những câu hỏi rằng những người làm công tác quản lý giáo dục, những nhà làm luật đã từng nghĩ đến việc cùng ngồi lại với nhau để bàn những biện pháp xử lý tổng thể chứ xử lý như trong quy định này chỉ là một cách làm tạm thời, lửa đã cháy rồi thì phải dập, kể cả 'chữa lửa bằng xăng!'.

Quỳnh Nga

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/co-nen-xu-phat-cac-giao-vien-dang-day-chinh-khoa-o-cac-truong-khi-day-them-20181009174547503.htm