Có nên xây chợ lấn sông?

Mặc dù việc xây chợ có thể đáp ứng phần nào nhu cầu mua, bán của người dân và giải tỏa tình trạng mua, bán lấn chiếm cầu số 10 (Tỉnh lộ 941) nhưng việc xây lấn ra sông gây nhiều băn khoăn, lo lắng về hệ quả lâu dài.

Từ nỗi lo nghẽn cầu…

Nhiều năm nay, vị trí cầu số 10, giáp xã Vĩnh An (Châu Thành) và xã Tà Đảnh (Tri Tôn), trở thành nỗi “ám ảnh” đối với cánh tài xế lái xe. Vào buổi sáng, từ dốc cầu cho đến thành cầu (phía bờ xã Vĩnh An) tấp nập người mua, kẻ bán. Xe máy dừng ngay trên cầu để lựa chọn hàng hóa, khiến các phương tiện xe buýt, xe tải, xe khách, ôtô con di chuyển rất khó khăn.

“Ngày nào cũng vậy, khoảng 5 giờ sáng thì hoạt động mua ,bán ở đầu cầu và trên cầu diễn ra nhộn nhịp. Người bán vô tư bán, người mua vô tư mua. Dù tôi có nhấn còi inh ỏi thì những người đi xe máy, đi bộ chỉ nép vào sát thành cầu một chút rồi lại lấn ra. Xe buýt qua đây phải nhích từng chút một vì sợ vướng người và xe máy”- anh M., một tài xế xe buýt tuyến ngã 3 Lộ Tẻ (Châu Thành) đi Tri Tôn ngao ngán cho biết.

Dãy ki-ốt nằm ngay sau nhà lồng chợ cũ

Khoảng 9 - 10 giờ sáng, chợ “dã chiến” trên cầu tan dần thì khu chợ phía dưới dốc cầu vẫn hoạt động bình thường. Điều đáng nói là người dân không mua, bán trong nhà lồng chợ, mà lấn hẳn ra đường. Những cây dù, lều bạt được che kín mít bên trên, phía dưới thì đủ loại hàng hóa được bày bán. Do hoạt động mua, bán chiếm gần hết lòng đường nên từ cầu số 10 (Tỉnh lộ 941), muốn rẽ vào tuyến đường nhựa dọc kênh 10 (nối qua Tỉnh lộ 943, thuộc xã Tân Tuyến - Tri Tôn) không hề dễ dàng. Đây là điểm nghẽn khiến công trình đường nhựa, cầu sắt kiên cố dọc kênh 10 dù được đầu tư kinh phí lớn nhưng chưa phát huy được tác dụng kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Thật ra, chúng tôi cũng muốn vào nhà lồng chợ số 10 buôn bán vì vừa lịch sự, tiện lợi lại có nơi cất giữ hàng hóa. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, nhà lồng bị xuống cấp nặng, vào đó bán thì không ai chịu vô mua. Ngày nào cũng dọn hàng lấn ra đường thì mới dễ bán, cuối buổi chợ lại phải dẹp vô rất vất vả”- chị T. (bán hàng ở chợ số 10) chia sẻ.

…chuyển sang nỗi lo khác

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành, chợ số 10 đã hình thành từ lâu. Do vị trí thuận lợi cả đường thủy và đường bộ nên chợ hoạt động xôm tụ. Riêng nhà lồng chợ đã xây dựng cách nay gần 30 năm nên đã xuống cấp nặng, bị dột mưa và thiếu ánh sáng nên các tiểu thương không còn vào kinh doanh. Việc mua, bán trên cầu và lấn ra lòng đường ở đoạn đầu nối vào tuyến đường nhựa dọc kênh 10 là vấn đề gây bức xúc nhiều năm nay.

Dãy ki-ốt mới xây lấn hẳn radòng kênh 10

Năm 2012, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành đã tiến hành khảo sát, tính toán phương án nâng cấp, cải tạo nhà lồng chợ, phân ki-ốt để các tiểu thương vào buôn bán. Theo kế hoạch ban đầu, từ năm 2013, dự án nâng cấp, cải tạo nhà lồng chợ số 10 sẽ được tiến hành. Theo dự án, nhà lồng mới có chiều dài 45m, ngang 15- 20m, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu kinh doanh. Trong phương án xây dựng, Nhà nước bỏ vốn khoảng 600 triệu đồng, còn lại các tiểu thương đóng góp theo hình thức trả trước tiền thuê ki-ốt trong thời gian 5 năm.

Tuy nhiên, dự án kéo dài cho đến đầu năm 2018 mới tiến hành. Điều ngạc nhiên là nhà lồng chợ số 10 đã bị xuống cấp vẫn còn nguyên đó, trong khi vị trí xây dựng dãy ki-ốt mới lại… lấn ra sông. Nhìn từ cầu số 10 và từ phía bờ xã Tà Đảnh sang, dễ dàng nhận thấy những cây cột bê-tông mới toanh cắm hẳn xuống nước, lấn ra dòng chảy từ cầu số 10 vào.

“Tôi thấy xây chợ lấn ra sông là không ổn. Bình thường, chợ số 10 hoạt động bên trong nhưng rác cứ bị tuôn xuống bờ sông cặp dốc cầu. Nay dãy ki-ốt nằm hẳn ra sông, người mua, bán dễ tiện tay quăng rác xuống sông. Hơn nữa, vị trí dãy ki-ốt nằm ngay đầu kênh 10, nơi con nước luôn đổ mạnh từ kênh Mặc Cần Dưng vào, ghe, xuồng vào ra thường xuyên. Dãy ki-ốt chắc chắn sẽ gây cản trở dòng chảy, nguy hiểm cho các phương tiện thủy khi vào mùa lũ”- ông N.V.H (người dân sống gần chợ số 10) lo lắng.

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/co-nen-xay-cho-lan-song-a236202.html