Có nên về quê ăn Tết?

Gần Tết rất nhiều gia đình đã lên kế hoạch về quê ăn Tết nhưng do dịch bệnh nên nhiều người còn đang chần chừ....

Chị Bùi Thị Quyên quê ở Thành phố Nam Định, quê chồng ở Thái Bình. Hai vợ chồng chị Quyên làm tại TP.HCM và 5 năm nay chưa ra Bắc ăn Tết. Năm nay, mẹ chị Quyên bị ốm nên chị và chồng quyết định ra Bắc ăn Tết với gia đình. Hiện chị Quyên đã đặt vé máy bay cho cả gia đình (hết 27 triệu đồng), chuẩn bị 25 âm lịch bay ra Bắc.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh như hiện tại khiến nhiều ngày nay vợ chồng chị Quyên lòng như lửa đốt. Chị Quyên cho biết cứ nghĩ không về thì lại tiếc tiền vé, trẻ con háo hức được về Bắc ăn Tết còn về thì đủ nỗi lo sợ. Lúc nào vợ chồng chị Quyên cũng suy nghĩ không biết phải làm thế nào.

Anh Đào Quốc Tuấn (trú tại Thành phố Vũng Tàu) cũng mua vé cho vợ con về quê ăn Tết từ 24 tháng Chạp. Nhưng hiện tại, vợ chồng anh đã quyết định không về. Dù vé đã đặt không thể đổi vé, hoàn vé nhưng anh Tuấn lo cho vợ con lây nhiễm bệnh trên đường đi. Nhiều bạn của anh Tuấn về quê bằng xe cá nhân, nhưng gia đình anh Tuấn có 2 bé song sinh mới 22 tháng nên không thể đi xe cá nhân từ Vũng Tàu về Nghệ An.

Cùng hoàn cảnh với chị Quyên, anh Nguyễn Văn Định làm thợ điện nước tại Hạ Long, Quảng Ninh. Khi dịch xảy ra, anh Định và các anh em vẫn đi làm nên không thể về quê kịp. Theo kế hoạch, anh Định và vợ con sẽ về vào 18 tháng Chạp nhưng đến nay thì vợ chồng anh chỉ nằm lại ở phòng trọ chờ đợi có cơ hội về quê ăn Tết.

Anh Định cho biết cuộc sống ở Quảng Ninh hiện tại vẫn ổn. Anh chỉ mong đến khoảng 28 âm sẽ ổn định và có thể về quê ăn Tết. Cứ nghĩ phải xa quê, vợ anh lại mới sinh con và chỉ nằm chờ trong phòng trọ một ngày anh thấy dài vô tận. Nhưng đi lại cũng lo sợ bệnh tật nhất là chủng bệnh này lại dễ lây nhiễm hơn.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc về quê như thế nào để an toàn phòng chống dịch mà vẫn đón Tết vui vẻ, ý nghĩa cũng là suy nghĩ của nhiều người hiện nay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện tại Bộ Y tế đã công bố hai ổ dịch cần theo dõi thông tin trên báo đài, trên web, các thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật để đưa ra lộ trình phù hợp với gia đình.

Việc lên kế hoạch đi du lịch hiện nay, bác sĩ Nguyễn Trần Nam cho rằng du lịch hay đi về quê người dân cũng cần đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Ngày Tết, những chiếc xe khách chật kín người rất nguy hiểm. Ví dụ có những xe 29 chỗ mà nhà xe xếp khách gấp đôi số người. Điều này càng khiến nguy cơ lây bệnh tăng thêm. Việc đi lại bằng máy bay an toàn hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.

Ngoài ra, hiện bệnh đang ở quanh ta xong ngoài bến xe, nơi công cộng nhiều người có đeo khẩu trang nhưng đeo sai cách. Tất cả những điều trên bác sĩ Nam cho rằng nếu thực sự cần phải về quê ăn Tết hay phải đi xa thì mọi người hết sức cân nhắc.

Nếu trên đường về quê, trên đường đi du lịch không may mắc bệnh hoặc trên chuyến xe có ca bệnh thì cả gia đình cũng đều không thể vui vẻ ăn Tết như kế hoạch, vì vậy bác sĩ Nam nhấn mạnh cần suy nghĩ rất kỹ.

Đặc biệt, đối với trẻ em nguy cơ mắc không thua kém người lớn, tuy diễn tiến nặng ít hơn người lớn nhưng trẻ em cũng có thể có nguy cơ mang virus lâu hơn, mang mầm bệnh nhiều hơn nên tốc độ lây sẽ nhanh hơn. Vì thế, với những trường hợp trẻ em cần về quê, đi chơi thì nên bảo vệ trẻ nhỏ một cách tuyệt đối an toàn.

Trẻ dưới 2 tuổi thường khó mang khẩu trang do trẻ bị ngộp thì tốt nhất hạn chế cho trẻ ra khỏi nhà.

Khi về quê, đi chơi du lịch cũng cần chú ý tới các bệnh về tiêu hóa. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng song song với phòng chống Covid-19.

TS BS Nguyễn Trần Nam – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết mặc dù Tết năm trước có Covid-19 nhưng chưa bung ra và không cần lo lắng quá nhưng năm nay Tết người Việt đối đầu với Covid-19 nên tâm lý của mọi người rất căng thẳng.

Nếu trường hợp có thể hủy chuyển đi về quê ăn Tết, du lịch thì nên hủy. Còn trường hợp sắp xếp đi được có thể đi các phương tiện cá nhân, phương tiện công cộng ít người. Cố gắng không đi xe khách quá số người quy định, khách bị dồn ép như vậy nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn.

TS Nam đưa ra lời khuyên cho các gia đình nếu đi về quê cần nhớ:

Cần chuẩn bị thuốc men, có thể cho đi khám sàng lọc trước để chuẩn bị thuốc cho con tốt hơn.

Những đồ đạc, thuốc men có thể mang theo đó là thuốc hạ sốt. Đây là thuốc luôn cần bỏ vào túi. Vì thế thuốc hạ sốt không cần toa nhưng cần dùng đúng liều 10 đến 15 mg/ kg cân nặng. Người lớn có thể dùng viêm 500mg để giảm sốt, đau đầu.

Nước uống bù điện giải cũng cần mang theo để tránh trường hợp trẻ đau bụng, mất nước. Mang nước bù điện giải cần pha đủ liều lượng.

Với gia đình ở miền Nam ra Bắc cần giữ ấm cho trẻ, có thể thoa dầu cho bé, thuốc chống côn trùng đốt, quần áo ấm, nước rửa tay nhanh và khẩu trang. Đi đâu cũng cần mang theo nước rửa tay và khẩu trang để hạn chế vấn đề lây bệnh.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/co-nen-xe-rao-ve-que-an-tet-276435.html