Có nên trả lương cho lao động lũy tiến theo làm thêm giờ?

Việc trả lương cho lao động lũy tiến theo làm thêm giờ đã nhận được ý kiến trái chiều từ cơ quan quản lý và doanh nghiệp sử dụng lao động.

Mở rộng khung giờ làm thêm tối đa và trả lương lũy tiến là những điểm mới trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo ban soạn thảo Dự thảo, với quy định này, người lao động sẽ có thêm điều kiện để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Nhằm hạn chế doanh nghiệp bóc lột sức của người lao động

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với việc tăng giờ làm thêm bởi thực tế hiện nay, người lao động lương rất thấp, nếu không làm thêm để tăng thu nhập sẽ không đủ sống.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, đề xuất trả lương lũy tiến để tránh việc doanh nghiệp huy động làm thêm quá nhiều, bóc lột sức của người lao động và cũng là để tránh việc doanh nghiệp không tuyển lao động mà lạm dụng việc làm thêm giờ.

Đứng ở góc độ là luật sư, ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự cho rằng, việc trả lương theo thời gian lũy tiến cũng là hạn chế việc người sử dụng lao động lợi dụng việc tăng giờ làm việc quá nhiều trong 1 ngày và 1 tuần nhưng mức lương trả cho công nhân không thay đổi.

Khi doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã tăng giờ làm thêm đối với công nhân thì phải mức lương tăng thêm cho lao động. Điều này là hoàn toàn đúng đắn.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự.

Sẽ ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

Tuy nhiên, với đề xuất trả lương làm thêm giờ theo lũy tiến đã khiến nhiều doanh nghiệp không đồng thuận.

Bà Đào Thị Thu Huyền, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam hiện nay đã quá cao so với thời giờ làm việc bình thường (150% vào ngày thường, 200% vào ngày nghỉ hằng tuần, 300% vào ngày nghỉ lễ, tết) và cao hơn so với tiền lương làm thêm giờ của nhiều quốc gia khác như Nhật Bản (125% vào ngày thường, 135% vào ngày nghỉ hằng tuần), Đài Loan (133,3%), Philippines (125%), thậm chí tiền lương làm thêm giờ đã lũy tiến của Nhật Bản mới bằng tiền lương làm thêm giờ của Việt Nam (150%).

Việc quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ mục đích là để đảm bảo sức khỏe cho người lao động nhưng rất có thể sẽ phản tác dụng khi mà lương làm thêm giờ quá cao sẽ khiến người lao động gây sức ép lên người sử dụng lao động, cơ quan tuyển dụng lao động để có thể làm thêm giờ, tăng thêm thu nhập.

Theo bà Thu Huyền, việc giảm giờ làm và tăng lương làm thêm giờ sẽ ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài khác khi cùng xuất hàng trong một thị trường. Đối với những quốc gia phát triển, rõ ràng tiềm lực về vốn đã đủ gây sức ép đối với doanh nghiệp Việt Nam, còn với những quốc gia đang phát triển tương tự như Việt Nam, họ được hưởng chính sách ưu đãi của chính quốc gia sở tại.

Nếu chính sách pháp luật của Việt Nam ngày càng khắt khe, doanh nghiệp Việt Nam không thể phát triển thì không những không cạnh tranh được trên thị trường quốc tế mà còn không cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam bởi những khó khăn về vốn, năng suất lao động...

Bà Đào Thị Thu Huyền, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhìn vào hoạt động quản lý trong nội bộ doanh nghiệp, quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ gây phức tạp, nhiều doanh nghiệp không có hệ thống công nghệ thông tin để theo dõi, tính toán. Người lao động khó khăn cho việc theo dõi số giờ lũy tiến, số tiền lương làm thêm lũy tiến; gây hiểu nhầm về tính thiếu, tính sai, người lao động bất mãn, là nguyên nhân tiềm tàng rủi ro dẫn đến đình công.

Bà Thu Huyền băn khoăn: Nếu trả lương làm thêm lũy tiến cao, người lao động nhìn thấy đây là một khoản lợi ích to lớn nên có thể kêu gọi người lao động khác với nhiều lý do biện minh khác nhau để làm việc cầm chừng (làm việc câu giờ), năng suất thấp để hết giờ làm việc tiêu chuẩn.

Doanh nghiệp buộc phải tổ chức làm thêm giờ để hoàn thành sản lượng, đơn hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý, điều hành sản xuất của doanh nghiệp cũng như chi phí lao động tăng cao.

Do vậy, bà Đào Thị Thu Huyền kiến nghị không quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ để có thể đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia khác và để tránh những tác dụng ngược không mong muốn về thời hạn của Giấy phép lao động.

Sẽ dung dưỡng cho thói lười nhác

Đề cập trả lương luy tiến làm thêm giờ, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng nêu quan điểm: Thông thường, ở nhiều quốc gia chỉ có trả lương theo sản phẩm lũy tiến chứ không trả lương thời gian lũy tiến.

Nếu trả lương lũy tiến theo thời gian thì cực kì nguy hiểm bởi sẽ kéo theo sự bùng phát và dung dưỡng cho thói lười nhác, vô trách nhiệm, vô kỉ luật, vốn đang là điều tệ hại phổ biến nhất của nhiều lao động. Trả lương kiểu vậy, sẽ triệt tiêu mọi động lực tích cực và chỉ tàn phá nhanh chóng mọi nguồn lực xã hội.

“Ở doanh nghiệp chúng tôi không thể chấp nhận chuyện đó. Các nhân viên của chúng tôi ở trong nước hay nước ngoài, kể cả các nhân viên người nước ngoài đang làm việc cho Công ty và tôi đã thăm văn phòng nhiều doanh nghiệp nước ngoài, họ luôn tự giác tới mức tối đa, hết việc mới về chứ không phải hết giờ là về. Dù phải làm việc trái múi giờ tới 6-7 tiếng, thậm chí là 12 tiếng/ngày đêm... nhưng họ luôn hoàn thành công việc mà không một lời kêu ca, oán thán vì khi họ đã xác định công ty chính là cuộc đời, là nghiệp sống của họ. Gắn bó máu thịt giữa doanh nghiệp và người lao động là như thế.

Thứ văn hóa cốt lõi đem lại sự hưng thịnh hay lụi tàn cho doanh nghiệp, bài học sơ đẳng ban đầu ấy, giới doanh nhân ai cũng biết rất rõ.

Vì vậy, việc trả lương theo thời gian lũy tiến, là mối nguy hiểm tiềm tàng khôn lường cho xã hội, kìm hãm, thậm chí sẽ phá nát nền kinh tế đất nước”, ông Bùi Đức Thịnh khẳng định./.

Bích Lan/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/co-nen-tra-luong-cho-lao-dong-luy-tien-theo-lam-them-gio-959511.vov