Có nên trả lại quyền tuyển sinh cho các trường đại học?

Sau hàng loạt tiêu cực trong chấm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, nhiều lãnh đạo đại học đang đặt lại vấn đề tự chủ tuyển sinh.

Hi vọng một mùa thi đổi mới

Quét bài thi chuyển về Bộ GD-ĐT ngay sau khi kỳ thi kết thúc, bài thi trắc nghiệm sẽ được máy tính làm phách để chống tiêu cực, “siết chặt” điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp… là ba trong rất nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục về đề xuất đổi mới cho kỳ thi THPT quốc gia những năm tiếp theo.

Về phía Bộ GD-ĐT và một số sở giáo dục, nhiều lãnh đạo đang nghiêng về phương án tổ chức chấm thi chéo giữa các tỉnh hoặc theo cụm bài thi. Tuy nhiên, phương án này lại không được lòng các trường đại học. Nhiều giáo viên đại học lo lắng nếu Bộ vẫn giữ kỳ thi 2 trong 1 với cách tổ chức như cũ thì rất có thể lại đi vào “vết xe đổ” với nhiều tiêu cực phát sinh.

Trả lời báo chí, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất nên để các trường đại học chủ trì công tác chấm thi và tự chịu trách nhiệm bằng chất lượng đào tạo và uy tín của mình. “Suy cho cùng, các trường đại học là nơi sử dụng kết quả thi, họ hoàn toàn có động lực để làm nghiêm túc chất lượng đào tạo và uy tín của mình. Cả nước có thể tập hợp thành 3-4 trung tâm chấm thi do trường đại học chủ trì hoặc nhiều hơn nếu thấy quá tải. Tất nhiên phải có sự giám sát chặt chẽ của Bộ GD-ĐT và lực lượng an ninh” – ông Tớp chia sẻ.

Bằng chứng cho thấy, các trường đại học có thể siết chặt “đầu vào” để đảm bảo chất lượng sinh viên và uy tín của mình. Đơn cử, năm 2018, ĐHQG TP HCM lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để các trường thành viên dùng kết quả xét tuyển với tỉ lệ 10%-15% chỉ tiêu tuyển sinh. Kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐHQG TP HCM được đánh giá là thành công. Lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ tiếp tục tổ chức cho những năm tiếp theo.

Tương tự, trường ĐH Luật TP HCM cũng tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển sinh viên. Không những thế, trường còn kết hợp kết quả kỳ thi đánh giá năng lực với điểm thi THPT quốc gia và kết quả học bạ để xét tuyển chất lượng thí sinh một cách cẩn thận.

Theo nhiều giáo viên đại học ở Hà Nội, chất lượng đầu vào ảnh hưởng nhiều đến quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra nên không thể lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm kết quả thi đại học. Các trường có thể tự chủ tài chính, tự chủ tuyển sinh, thậm chí là xét tuyển và sẽ cạnh tranh nhau bằng chất lượng đào tạo, danh tiếng thương hiệu. Nói cách khác, thị trường sẽ quyết định sự sống còn của các trường đại học.

Quan trọng nhất là chấm thi

Sáng 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia từ năm tới sẽ không phải để phục vụ mục tiêu “2 trong 1”. Do vậy, đề thi năm tới sẽ bám sát hơn với THPT.

Theo TS Lê Thống Nhất, kỳ thi THPT quốc gia năm nay đúng là bộc lộ yếu kém ở năng lực ra đề thi, nhưng ngoài xem lại đề thi, Bộ cũng cần phải xem xét lại khâu chấm thi. Công tác coi thi, in sao đề… cũng cần xem xét để sao cho tiện công tác giám sát và đảm bảo minh bạch, không xảy ra tiêu cực.

Trong quá trình Bộ lấy ý kiến đổi mới về một kỳ thi THPT tiếp theo, nhiều lãnh đạo đại diện các trường đại học cũng lên tiếng ủng hộ phương án giao công tác chấm thi cho các trường đại học. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho rằng, nên để các trường đại học làm điểm trưởng, điểm phó chuyên môn điểm thi, thư ký và giám sát để có thể tổ chức và giám sát tốt. In sao đề nên tập trung tại trung tâm in sao và các tỉnh chỉ nhận về để tổ chức…

Theo nhiều lãnh đạo đại học, chủ động trong tuyển sinh thì trường nào cũng muốn, nhưng tất cả giải pháp đưa ra chỉ là để hạn chế tiêu cực chứ chưa nói gì đến cải tiến.

Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia đi đến năm thứ 4. Mỗi năm, Bộ đều có tổng kết, đánh giá nêu điểm được và chưa được của kỳ thi để hoàn thiện dần. Vấn đề cốt yếu là ở con người.

Một thầy giáo nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội nêu quan điểm, không có phương pháp nào tốt nhất để loại bỏ tiêu cực, chỉ có khi nào ngành giáo dục không còn chạy theo thành tích và nhà trường là nơi dạy người và dạy nghề thật sự thì mới mong những thế hệ sinh viên sau này trưởng thành và không vướg bận vào điểm số.

Quét bài thi chuyển về Bộ GD-ĐT ngay sau khi kỳ thi kết thúc, bài thi trắc nghiệm sẽ được máy tính làm phách để chống tiêu cực, “siết chặt” điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp… là ba trong rất nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục về đề xuất đổi mới cho kỳ thi THPT quốc gia những năm tiếp theo.

Minh Anh

Minh Anh

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/giao-duc/co-nen-tra-lai-quyen-tuyen-sinh-cho-cac-truong-dai-hoc-127456.html