Có nên tiếp tục mô hình 'một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa'?

Mục tiêu của đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới sách giáo khoa gắn với xã hội hóa việc 'soạn', in ấn sách không chỉ nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh mà sâu xa hơn tạo cho đất nước nguồn nhân lực có chất lượng cao trong tương lai cũng như tạo ra một thế hệ sống nhân văn.

Đổi mới thế nào, đổi mới ra rao xét cho cùng cũng chỉ để đạt mục đích như trên. Và nhằm tạo ra “bước đột phá” trong đổi mới giáo dục, từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã bắt đầu thí điểm mô hình “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”. Hiểu nôm na, các đơn vị sẽ được quyền biên tập, soạn sách giáo khoa, sau đó sẽ trình Hội đồng thẩm định do Bộ Giáo dục- Đào tạo chủ trì. Sau khi Hội đồng thẩm định thông qua xét thấy đạt yêu cầu, Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ quyết định cho phép đơn vị đó in ấn…Còn nhà trường là nơi cuối cùng được quyền chọn sách giáo khoa.

Năm học đầu tiên học sinh lớp 1 được học sách giáo khoa theo mô hình mới (ảnh VOV)

Năm học đầu tiên học sinh lớp 1 được học sách giáo khoa theo mô hình mới (ảnh VOV)

Để thí điểm mô hình xã hội hội sách giáo khoa theo hướng “một chương trình nhiều bộ sách”, năm học 2020- 2021 học sinh lớp 1 được “vinh dự” đón nhận các tập sách giáo khoa theo mô hình trên. Tuy nhiên, sách mới “ráo mực”, đưa vào nhà trường chưa lâu thì đã nhận được “phản ứng” gay gắt của các bậc phụ huynh lẫn dư luận. Đơn cử như bộ sách lớp tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều (một số trường tại thành phố Hồ Chí Minh chọn) do Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm TP.Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn.

Ở bài viết này không bình luận chất lượng sách giáo khoa, vì phụ huynh và các chuyên gia đã đề cập nhiều mà chỉ xin đề cập góc độ xã hội hóa và công tác quản Nhà nước về nội dung sách giáo khoa. Tôi là người không sành về nghiên cứu giáo dục nên không biết ở các nước khác họ có xã hội hóa việc viết, biên soạn sách giáo khoa hay không, song trên bình diện người đã từng 12 năm theo học bậc phổ thông thì đã là sách giáo khoa phải có sự chuẩn mực và thống nhất. Nghĩa là nội dung sách thế nào chỉ có Bộ Giáo dục- Đào tạo là đơn vị quyết định. Sách giáo khoa phải có sự thống nhất trên phạm vi cả nước về nội dung. Từ Cà Mau đến Hà Giang chỉ học một bộ sách do Bộ Giáo dục- Đào tạo biên soạn. Bộ chỉ xã hội hóa phần in ấn. Nghĩa là khi đã có nội dung của sách, thay vì độc quyền trong công tác xuất bản là các công ty thuộc Bộ, Bộ Giáo dục- Đào kêu gọi đấu thầu việc in sách giáo khoa. Đơn vị nào bỏ giá thấp, chất lượng in sách tốt thì chọn.

Còn nếu cứ thí điểm mô hình “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” ai có thể đảm bảo bảo chất lượng sẽ tốt hơn so với bộ sách giáo khoa chuẩn mực do Bộ Giáo dục- Đào tạo với tư cách là cơ quan hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước về giáo dục biên soạn? Đấy là chưa kể đến việc có ai bảm đảm không sự “chào hàng” giữa nhóm biên tập, xuất bản với hệ thống các trường học? Vì vậy, để công tác xã hội hóa giáo dục, trong đó có có đổi mới sách giáo khoa đạt chất lượng theo hướng lâu dài, có lẽ chúng ta nên giữ nguyên việc biên soạn nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục- Đào tạo, còn chỉ tiến hành xã hội hóa việc in ấn mà thôi!

H.Lê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/co-nen-tiep-tuc-mo-hinh-mot-chuong-trinh-nhieu-bo-sach-giao-khoa-114561.html