Có nên thưởng tiền cho giảng viên nghiên cứu khoa học?

Việc các trường đại học thưởng tiền cho giảng viên nghiên cứu khoa học là không sai, vì tùy thuộc vào kinh phí của mỗi trường. Tuy nhiên, việc nghiên cứu khoa học ở trường cần được đưa vào quy chế, thay vì khuyến khích như hiện nay.

Đua nhau treo thưởng

Trường ĐH Kinh tế TP. HCM (UEH) công bố thưởng tiền cho các sinh viên, giảng viên có nghiên cứu được công bố quốc tế. Cụ thể, mức thưởng cho một bài báo công bố quốc tế đạt ISI/Scopus Q1 có IF > 2 là 200 triệu đồng; ISI/Scopus Q1 có IF > 1 là 150 triệu đồng; ISI/Scopus Q1 có IF < 1 là 100 triệu đồng; Scopus Q2 là 80 triệu đồng; Scopus Q3 là 60 triệu đồng và Scopus Q4 là 30 triệu đồng.

Đây là một trong những giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế của trường ĐH Kinh tế TP. HCM. Chính sách mới này được đưa ra sau thời gian vừa qua chỉ có 15% giảng viên của trường tham gia hoạt động tham gia nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế.

Bên cạnh việc treo thưởng, để thúc đẩy giảng viên nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, trường ĐH Kinh tế TP. HCM sẽ thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh theo chuyên ngành hoặc liên ngành, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phòng làm việc đồng thời giới thiệu nhóm nghiên cứu với các tổ chức trong nước và quốc tế.

Trường hỗ trợ kinh phí hoạt động khoảng 35 triệu/năm cho nhóm nghiên cứu có kế hoạch hoạt động, chương trình làm việc cụ thể và được Hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu.

Đối với các nghiên cứu sinh của trường khi công bố quốc tế được hưởng chính sách khen thưởng viên chức; khuyến khích nghiên cứu sinh mời các thầy/cô có kinh nghiệm công bố quốc tế cùng đứng tên bài báo. Viên chức của trường đang làm việc/học tập tại nước ngoài có bài báo công bố quốc tế được thưởng theo xếp hạng của tạp chí công bố.

Việc nghiên cứu khoa học ở trường cần được đưa vào quy chế, thay vì khuyến khích như hiện nay.

Việc nghiên cứu khoa học ở trường cần được đưa vào quy chế, thay vì khuyến khích như hiện nay.

Tương tự, trường ĐH Công nghiệp TP. HCM cũng đã áp dụng chính sách thưởng cho giảng viên có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học ISI/Scopus với mức 30 triệu đồng/bài (trước đó, mức thưởng là 8 triệu đồng/bài). Đối với đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường thường được hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cũng tăng mức đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Trường cũng đưa ra chính sách mới khuyến khích nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên. Theo đó, giảng viên có bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín của quốc tế danh mục ISI sẽ được thưởng 50 triệu đồng, đăng trên tạp chí khoa học của trường cũng được hỗ trợ 3 triệu đồng. Sinh viên có công trình nghiên cứu tốt sẽ được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/đề tài.

Có nên thưởng?

Theo lãnh đạo trường ĐH Kinh tế TP. HCM, chính sách khuyến khích cũng phần nào giúp gia tăng bài báo quốc tế của trường bên cạnh các quy định về nghiên cứu khoa học bắt buộc đối với giảng viên, số tiến sĩ tăng, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh.

Còn PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng trường ĐH Mở TP. HCM cho biết, trường bắt đầu chính sách thưởng công bố quốc tế từ năm 2017 và có điều chỉnh mức thưởng theo hướng tăng lên. Mức thưởng dao động từ 40 - 100 triệu đồng/bài tùy loại tạp chí. Theo ông Hà, số bài báo quốc tế tăng lên có tác động rất lớn từ chính sách khuyến khích của trường. Việc thưởng tuy chưa nhiều nhưng đã tạo động lực cho giảng viên, nghiên cứu sinh chú ý hơn đến việc công bố. Giảng viên cũng chú ý kết nối với các giáo sư ở các trường nước ngoài.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM cho biết, chính sách khuyến khích này đã có tác động tích cực khi số lượng công bố quốc tế của trường tăng theo từng năm. Năm 2018 trường chỉ có 50 bài, năm 2019 tăng lên 92 bài.

Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ của giảng viên cao cấp thì giảng viên phải chủ trì hoặc tham gia đánh giá các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức và trình bày báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học. Chủ trì hoặc tham gia nghiệm thu và công bố các báo cáo khoa học, các công trình nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm đóng góp vào sự phát triển của khoa và chuyên ngành; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; Tổ chức hướng dẫn người học nghiên cứu khoa học; hướng dẫn người học phương pháp học tập, nghiên cứu có hiệu quả; phát hiện năng lực sở trường của người học để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tài năng.

Các chuyên gia cho rằng, việc các trường đại học thưởng tiền cho giảng viên nghiên cứu khoa học là không sai, vì tùy thuộc vào kinh phí của mỗi trường. Tuy nhiên, việc nghiên cứu khoa học ở trường cần được đưa vào quy chế, thay vì khuyến khích như hiện nay.

Quế Sơn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-giao-duc/co-nen-thuong-tien-cho-giang-vien-nghien-cuu-khoa-hoc-1781908.tpo