Có nên thương người như thế?

Sáng đầu tuần, cô và bạn đồng nghiệp đi ăn sáng. Quán bún mọc chân giò nấu dọc mùng đúng vị truyền thống Hà Nội. Hai mẹ con chủ quán đều niềm nở, dễ mến. Có một điều khá đặc biệt, dù quán đông khách như vậy nhưng họ nhớ sở thích của từng khách quen. Chủ quán và khách hàng thường chuyện trò 'ngoài lề' với nhau khá rôm rả.

Vẫn như mọi lần, cô và bạn vừa ăn vừa ngắm phố. Bỗng... một thanh niên mảnh mai, nước da hơi xanh xao, tiến đến chỗ họ đang ngồi và quỳ sát đất, lạy cả 2 người. Sau đó, cậu ta im lặng chìa mũ ra. Bạn cô ái ngại thả tờ 10 nghìn đồng vào mũ của cậu thanh niên. Rất nhanh, cậu thanh niên đứng lên và tiến sang bàn khác, phủ phục trước mặt thực khách. Vài người móc tiền ra cho, cũng có một số người khác không cho. Sau khi lượn đủ một vòng, cậu ta tiến ra đường, biến mất sau một góc khuất.

Tuần sau, người bạn đồng nghiệp bận đi công tác nên cô ra quán một mình. Đang ăn, bỗng có ai đó giật giật áo từ phía sau. Cô ngoảnh lại... thì ra vẫn cậu thanh niên hôm trước, quỳ mọp sát đất rồi chìa mũ ra. Lần này, cô kiên quyết không cho tiền. Cô mời cậu ta ngồi lên ghế rồi nói: “Nếu em chưa ăn sáng, chị có thể mời em, nhưng cho tiền thì không thể. Tại sao em không kiếm một công việc gì đó để kiếm tiền bằng sức lao động? Chị bảo thật, đừng tùy tiện quỳ lạy người đời chỉ vì vài đồng bạc lẻ như thế”. Cậu ta đứng dậy, lầm bầm gì đó trong miệng rồi đi thẳng. Một chị to béo, ăn mặc lòe loẹt ngồi bàn bên cạnh rút tờ 20 nghìn đồng cho cậu thanh niên rồi quay ra gióng giả: “Người trông lịch sự mà ky bo. Không cho tiền thì thôi, còn bày đặt mời ăn sáng”. Cô lẳng lặng ăn cho xong bát bún rồi ra về.

Ảnh minh họa

Lần thứ ba, cô lại gặp người thanh niên đó quỳ lạy xin tiền trên quãng phố có quán ăn. Cậu ta xin khắp lượt các bàn trong quán nhưng khi nhìn thấy cô thì bỗng cụp mắt xuống bỏ đi. Cô hỏi con gái chủ quán: “Sao em lại để cậu ta thường xuyên xin tiền ở quán như vậy?” và nhận được câu trả lời: “Thôi làm phúc chị ạ, nghĩ thương nó nghèo mới phải đi ăn xin”. Một người bàn bên cạnh chỉ cho cô nhìn thấy cậu ta leo lên một chiếc xe máy đợi sẵn ở góc khuất sau trạm điện và nói: “Đi xin giờ có khi lại dễ kiếm sống hơn chị ạ, chiều nào chúng nó cũng ngồi giãi thẻ đếm tiền, chia tiền chỗ vườn hoa bên kia đường. Thu nhập không khéo còn cao hơn mình đi làm”.

Thả bước trên phố, cô vừa đi vừa nghĩ: “Chả nhẽ cứ nghèo là đi ăn xin... và cứ cho tiền người ăn xin là tạo phúc...”.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-nen-thuong-nguoi-nhu-the-126270.html