Có nên thống nhất một phương pháp tính thuế GTGT?

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Trà Vinh đề nghị cơ quan chức năng thống nhất một phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo ý kiến của cử tri, hiện nay việc thực hiện hai phương pháp (khấu trừ thuế và tính trực tiếp) gây nhiều phức tạp trong tuân thủ pháp luật về thuế, quản lý thuế và hóa đơn sử dụng cho mỗi phương pháp.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời cử tri Trà Vinh như sau:

Tại Điều 10, Điều 11 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật Thuế GTGT số 31/2013/QI113 ngày 19/6/2013 quy định về phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT như sau:

“Điều 10. Phương pháp khấu trừ thuế

… 2. Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:

a) Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh;

b) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh…”.

Điều 11. Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT

1. Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng GTGT nhân với thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.

… 2. Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng như sau:

a) Đối tượng áp dụng:

- Doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Luật này;

- Hộ, cá nhân kinh doanh;

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có doanh thu phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam khấu trừ nộp thay;

- Tổ chức kinh tế khác, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;…”.

Căn cứ các quy định nêu trên, Luật Thuế GTGT đã quy định hai phương pháp tính thuế GTGT là phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT và quy định rõ đối tượng áp dụng từng phương pháp tính thuế GTGT để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam.

Việc quy định hai phương pháp tính thuế GTGT như nêu ở trên cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng để góp phần lành mạnh hóa, nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sử dụng hóa đơn, chứng từ trong sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, quy định phương pháp tính trực tiếp trên GTGT áp dụng đối với cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định và các đối tượng nộp thuế có quy mô nhỏ và siêu nhỏ có doanh thu dưới một tỷ đồng/năm đã góp phần đơn giản hóa công tác quản lý thuế, giảm chi phí quản lý cho cơ quan thuế và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/co-nen-thong-nhat-mot-phuong-phap-tinh-thue-gtgt/375673.vgp