Có nên thay đổi phương thức quản lý Grab như taxi truyền thống?

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, có tới 18 điều khoản trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ vào tháng 7/2018 đã được bỏ hoặc chỉnh sửa. Đáng chú ý, trong đó Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất không còn khái niệm xe taxi điện tử, toàn bộ các xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab sẽ phải gắn mào trên nóc như taxi truyền thống, phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi; tiêu chuẩn lái xe; kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi...

Nếu dự thảo Nghị định 86 được thông qua, toàn bộ các xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab sẽ phải gắn phù hiệu “xe TAXI”. Ảnh: Internet.

"Đồng hóa" để đảm bảo minh bạch

Được biết dự thảo lần này có sự thay đổi là do Bộ Giao thông vận tải đã có sự tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Taxi: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; Công ty và Đảng ủy Công CP Ánh Dương Việt Nam; Công ty TNHH Thành Bưởi.

Theo đó, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử sử dụng hợp đồng vận tải điện tử so với hoạt động của taxi có nhiều điểm tương đồng và cần có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh như nhau.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là việc sử dụng ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (gồm cả lái xe) để vận chuyển hành khách, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước chuyến đi được tính theo đồng hồ tính tiền hoặc tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng.

Trước đó, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber.

Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ quy định rõ có 5 loại hình vận tải hành khách bằng ôtô. Tuy nhiên, dự thảo nghị định chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về 5 loại hình trên, đặc biệt chưa định nghĩa đúng về taxi và xe hợp đồng điện tử. Căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ, loại hình xe taxi công nghệ như Grab, Uber chính là loại hình taxi. Đối tượng này phải chịu sự quản lý như taxi, do đó không thể gọi bằng cụm từ xe hợp đồng điện tử để lách luật, trốn thuế, né được nhiều chi phí và hưởng ưu đãi hơn so với taxi truyền thống.

Grab, Uber đã thực hiện và tham gia thực hiện một số công đoạn như điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải, sử dụng các loại xe dưới 9 chỗ, cách tính cước cũng dựa vào km… thì phải xác định đây là đơn vị kinh doanh vận tải, phải tuân thủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Do đó, Grab, Uber cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi và không thể gọi đó là loại hình “hợp đồng điện tử” để làm phát sinh thêm loại hình vận tải gọi là “hợp đồng điện tử” mà không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ. “Hợp đồng điện tử” chỉ là phương thức, cách thức giao kết hợp đồng, kết nối gọi taxi chứ không phải là loại hình vận tải (như tuyến cố định, taxi…). Vì vậy, nếu không định nghĩa đúng về bản chất, cụ thể, rõ ràng về từng loại hình vận tải như dự thảo, sẽ tạo lỗ hổng về pháp luật, dẫn đến việc ban hành quy định không bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả và sẽ không có giải pháp, chế tài để quản lý đúng, phù hợp với từng loại hình. Đặc biệt, sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh.

Không thể quản lý như thời 0.4

Trái ngược với quan điểm của Bộ Giao thông vận tải, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO lại cho rằng, cần phải nhìn nhận rằng Uber và Grab là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, sự kết hợp giữa kinh doanh vận tải ô tô và kinh doanh công nghệ chưa có trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nên cần quy định thêm các điều kiện khác. Trong khi đó, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang rất lúng túng trong việc đưa ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Còn theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả, việc các doanh nghiệp công nghệ sẽ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một đơn vị vận tải sẽ không những làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại, biến nó trở thành một kênh liên lạc không hơn không kém. Điều này sẽ cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số, tạo ra gánh nặng thực thi, chi phí vô lý cho các doanh nghiệp và cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Đừng vì chưa định danh được mà không tạo điều kiện cho loại hình này hoạt động lại vì tạo môi trường cạnh tranh thật bình đẳng, vì taxi truyền thống lạc hậu, không thay đổi mà lại quản lý như nhau. Phải làm sao để vừa đảm bảo đáp ứng công nghệ hiện đại, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và vừa phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Việc quản lý Grab như taxi truyền thống là rất bất hợp lý, không đảm bảo môi trường bình đẳng, không phát triển được loại hình vận tải áp dụng công nghệ mới.

“Vì vậy, tôi mong rằng, thay vì áp đặt, bó hẹp các hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ trong tầm quản lý hiện nay của một số cơ quan nhà nước, dự thảo cần phải đưa ra các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ ngày càng tham gia sâu hơn vào việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải, quan trọng hơn là cho phép người tiêu dùng được hưởng thành quả của cách mạng công nghệ 4.0”, PGS. TS. Ngô Trí Long đề xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua, người tiêu dùng là người được hưởng lợi nhiều nhất khi Grab vào Việt Nam, việc Grab gia nhập thị trường đã giúp cho người dân di chuyển thuận lợi, tiện hơn rất nhiều với mức giá giảm hơn đáng kể. Chính nhờ có Grab, các doanh nghiệp vận tải khác đã phải có sự thay đổi để thích ứng hơn với cuộc chơi bằng cách xây dựng các phần mềm, ứng dụng gọi xe, giảm giá cước, tăng tiện ích cho người tiêu dùng.

Sự cạnh tranh này giúp tránh sự độc quyền giữa các các doanh nghiệp vận tải, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn và khiến cho các hãng chú trọng đến việc chăm sóc khách hàng từ chính sách đến giá cả. Nếu giờ lại quay về quản lý Grab như taxi truyền thống thì không khác gì việc “bó hẹp” công nghệ lại, thậm chí có thể khiến các doanh nghiệp vận tải công nghệ nước ngoài sẽ phân vân hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Grab nếu phải đáp ứng đủ các điều kiện và chịu sự quản lý như các hãng taxi truyền thống thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ không thể được hưởng lợi như hiện nay nữa vì Grab sẽ phải tăng thêm chi phí quản lý, chi phí thuê trụ sở và các chi phí phát sinh khác…

Cũng theo ông Liên, nhiều công ty taxi đổ lỗi cho Grab, Uber khiến làm ăn thua lỗ là chưa thỏa đáng. Các doanh nghiệp taxi nên lập tức đổi mới công nghệ, cách thức phục vụ khách hàng thay vì chỉ than khó và đổ lỗi. Để quản lý loại hình xe dưới 9 chỗ ngồi hoạt động vận tải khách có ứng dụng phần mềm thì chỉ cần quản lý theo hợp đồng vận tải điện tử và bổ sung quy định taxi điện tử.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/co-nen-thay-doi-phuong-thuc-quan-ly-grab-nhu-taxi-truyen-thong.aspx